Thất bại tự chủ toàn diện bệnh viện công: Do thiếu cơ chế pháp lý
Bệnh viện công do Nhà nước đầu tư, từ con người, đất đai, nhà cửa… nhưng lại tổ chức làm để thu lợi. Chủ trương tự chủ là đúng đắn nhưng rất nhiều điểm còn chưa rõ, thậm chí còn sai về mục đích…
>>“Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài cuối): Trả giá vì quên lời thề y đức
Đó là chia sẻ của GS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương xung quanh câu chuyện thất bại mô hình tự chủ bệnh viện công đang được dư luận quan tâm.
Theo đó, cuối tháng 8 vừa qua, khi 2 “cánh chim đầu đàn” của ngành y là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đều xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện vì thua lỗ, người ta mới giật mình nhìn lại về câu chuyện tự chủ của 1.300 bệnh viện công trên cả nước.
Có thể nói, tự chủ bệnh viện được xem là chính sách “cởi trói” cho các đơn vị y tế công lập từng bước chủ động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Thế nhưng, tình trạng không có bệnh nhân, không có doanh thu, giá viện phí chưa được tính đúng, tính đủ khiến cho đời sống của cán bộ, nhân viên y tế không được đảm bảo, chất lượng dịch vụ y tế không phát triển được... đã khiến cho việc thí điểm bệnh viện tự chủ toàn diện thất bại. Chính bệnh nhân là người chịu tác động trực tiếp trong "vòng xoáy" tự chủ bệnh viện.
Chia sẻ về vấn đề này, theo TS.BS Dương Đức Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai, một trong những lý do Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện là do chưa có cơ chế để thực hiện tự chủ.
"Từ năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai được giao làm thí điểm tự chủ, bệnh viện chưa bao giờ được giao đủ điều kiện tự chủ là tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về giá và giao vốn để làm tự chủ. Điều đó có nghĩa bệnh viện đang tự chủ trên danh nghĩa"- TS.BS Dương Đức Hùng nói. Từ đó, Bệnh viện Bạch Mai xin đề xuất chuyển đổi mô hình theo Nghị định 60 của Chính phủ tự chủ theo nhóm 2 - tức là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên.
Tương tự, Bệnh viện K cũng rơi vào "vòng xoáy" thiếu cơ chế khi triển khai thí điểm tự chủ toàn diện. GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho hay một số quyền tự chủ chưa rõ ràng, gọi là tự chủ nhưng chưa thấy có thay đổi nhiều.
Hiện nay giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ. Giá dịch vụ y tế thanh toán BHYT thì theo quy định chung, giá dịch vụ theo yêu cầu phải theo khung giá nhưng khung giá cũng chưa được ban hành nên việc bệnh viện tự xây dựng giá là khó thực hiện và cần có cơ quan chức năng xây dựng, hướng dẫn. Vấn đề tuyển dụng nhân lực cũng gặp những khó khăn nhất định.
Theo thông tin của Giám đốc Bệnh viện K, đúng trong thời điểm thực hiện tự chủ toàn diện cũng là lúc xảy ra đại dịch COVID-19 do đó nguồn thu của Bệnh viện K giảm rõ rệt khoảng 35-40% tương đương khoảng 1.300 tỉ. Nếu không có dịch COVID-19, một năm Bệnh viện tích luỹ được khoảng 100 tỉ đồng.
Giám đốc bệnh viện K cho rằng, nếu mang số tiền này để đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế nhiều khi không đủ bởi các máy móc, thiết bị phục vụ việc chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư rất đắt tiền. Đặc biệt, nếu tự chủ hoàn toàn thì riêng tiền thuế đất của cả 3 cơ sở, một năm Bệnh viện K đã phải đóng đã lên đến hàng chục tỉ. Như thế cũng là một bài toán khó đối với bệnh viện.
>>“Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 1): Phát súng lệnh vào "thành trì"
Bàn luận về vấn đề này, GS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho rằng: Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của lãnh đạo bệnh viện về các bất cập trong mô hình tự chủ. Theo GS Nguyễn Anh Trí, dù Nghị quyết 33 ra đời nhưng các văn bản pháp quy để hướng dẫn thực hiện đang bị thiếu rất nhiều, từ cơ chế đến nguyên tắc, xác định đối tượng phục vụ…
"Việc đảm bảo sự thông thoáng, hiệu quả và thuận lợi trong công tác tự chủ tại bệnh viện đang bị vướng mắc. Ngay cả trong tự chủ một phần và toàn phần cũng đang bị biến tướng, các quy định từ khi ra đời đã không còn phù hợp. Hơn thế, giao tự chủ nhưng lại không cho bệnh viện tự chủ bởi các văn bản pháp quy còn liên quan đến nhiều văn bản pháp luật khác và chưa được giải quyết rõ ràng" - GS Nguyễn Anh Trí nói.
Vậy thì việc bệnh viện không thực hiện tự chủ như hiện nay sẽ tác động ra sao đến quyền lợi của người bệnh? Nhiều người lo ngại, nếu bệnh viện tuyến trung ương cứ "mấp mé" giữa bờ tự chủ như hiện nay, ảnh hưởng đến nhân sự bệnh viện và người dân là điều thấy rõ.
GS Nguyễn Anh Trí cho rằng, không hợp lý ngay từ việc chọn bệnh viện thí điểm bởi các bệnh viện được lựa chọn đều là các bệnh viện hạng cao, nếu thành công làm sao áp dụng cho hàng loạt các hệ thống bệnh viện thấp hơn. "Các bệnh viện công đều là đầu tư của nhà nước nhằm phục vụ người dân. Nếu chuyển qua tự chủ toàn diện sẽ được sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất để hoạt động, thu lại nguồn lợi nhiều nhất. Vậy vai trò của bệnh viện trong phục vụ người dân, nhất là người nghèo nằm ở đâu?" - ông đặt câu hỏi.
"Bệnh viện công do Nhà nước đầu tư, từ con người, đất đai, nhà cửa… nhưng lại tổ chức làm để thu lợi. Theo tôi, dần dần các vấn đề về y đức sẽ bị mai một. Chủ trương tự chủ là đúng đắn nhưng rất nhiều điểm còn chưa ổn, chưa rõ, thậm chí còn sai về mục đích" - ông Trí nói.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, sự thất bại của mô hình tự chủ bệnh viện công là do thiếu cơ chế về mặt pháp lý.
"Khi ta cho tự chủ về hoạt động chuyên môn, về tổ chức bộ máy hay về nguồn tài chính, mua sắm trang thiết bị tài sản công,… thì các quy định lại mang tính nửa vời và không có cơ sở thực hiện. Sau hai năm thực hiện thí điểm, có lẽ đến lúc dừng thí điểm để có những nhận xét, đánh giá và đưa ra những mô phù hợp hơn"- TS Nguyễn Huy Quang nói.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm
Vì sao hàng kém chất lượng “lọt” cửa thầu y tế?
03:00, 31/08/2022
“Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 1): Phát súng lệnh vào "thành trì"
03:40, 22/02/2022
“Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 2): Lộ diện … phần chìm của tảng băng
04:00, 23/02/2022
“Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 3): Kẽ hở từ “miếng bánh” đấu thầu
04:05, 24/02/2022