Sàn thương mại điện tử nộp thuế thay người bán – Liệu có tối ưu?
Mặc dù khẳng định là giải pháp tối ưu, thế nhưng, quy định sàn thương mại điện tử khai thuế, nộp thuế thay cho người bán vẫn đề lại nhiều quan ngại khi trước đó đã có không ít ý kiến trái chiều…
>> “Bỏ ngỏ” thuế thương mại điện tử đến bao giờ?
Mới đây, Bộ Tài chính vừa có tờ trình Chính phủ về việc sửa đổi một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Đáng chú ý trong nội dung tờ trình, những sàn thương mại điện tử (TMĐT) có chức năng đặt hàng trực tuyến dự kiến vẫn phải khai và nộp thuế thay người bán.
Cụ thể, theo Bộ Tài chính, có 4 hình thức của sàn TMĐT gồm: website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng; website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ; và mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động nêu trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.
Theo đó, tùy vào đặc thù của những dạng website trên, Bộ Tài chính có quy định về việc nộp thuế như các sàn không tham gia trực tiếp vào giao dịch mua bán (chỉ đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ) dự kiến không phải khai, nộp thuế thay người tham gia bởi không có các thông tin về doanh thu, tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân người bán. Trong khi đó, với những sàn có chức năng mua hàng trực tuyến như Shopee, Lazada, Tiki... Bộ Tài chính đề xuất quy định vẫn phải kê khai và nộp thuế thay cho người bán trên sàn.
Thông tin với báo chí, bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) cho rằng, xét về tổng thể, việc quy định sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh thông qua sàn là phương án tối ưu trong việc quản lý thuế hiệu quả, góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế.
“Với quy định này, thay vì hàng trăm nghìn cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế thì chỉ cần một đầu mối là sàn TMĐT khai, nộp thuế thay để cắt giảm thủ tục hành chính cho cơ quan thuế và người nộp thuế”, bà Lan Anh chia sẻ.
>> Thương mại điện tử Việt Nam: Dự báo đạt 39 tỷ USD vào năm 2025
Theo bà Lan Anh, mọi hoạt động mua bán, từ khâu đặt hàng, vận chuyển, thanh toán, giải quyết khiếu kiện về hàng hóa, dịch vụ... đều được thực hiện thông qua sàn và người mua hàng chỉ thực hiện các giao dịch thông qua sàn. Nên có thể hiểu sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến tham gia trực tiếp, đóng vai trò quyết định đối với từng giao dịch mua bán trên sàn và nắm được thông tin về doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của các cá nhân kinh doanh thông qua sàn để thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay một cách thuận lợi, đầy đủ.
Vị đại diện Tổng cục Thuế cũng khẳng định, quy định này không trái quy định hiện hành tại các luật thuế bởi mọi hoạt động mua bán, từ khâu đặt hàng, vận chuyển, thanh toán, giải quyết khiếu kiện về hàng hóa, dịch vụ…
Mặc dù cơ quan soạn thảo khẳng định, đây là giải pháp tối ưu, thế nhưng, trên thực tế, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra quan ngại về việc có thể ảnh hưởng tới cạnh tranh trong TMĐT, gây trùng lặp về thuế, nhất là khi hiện nay, hoạt động kinh doanh đều diễn ra song song với cả phương thực truyền thống và trên sàn TMĐT.
Chưa kể, xoay quanh quy định sàn thương mại điện tử khai thuế, nộp thuế thay cho người bán, trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng phản biện về quy định này vì cho rằng, nhiều sàn TMĐT có chức năng đặt hàng không thu nhận toàn bộ dòng tiền trong tất cả các giao dịch qua sàn, vì sàn sẽ không nhận được tiền của người mua hàng nếu họ thanh toán bằng tiền mặt.
“Khi các giao dịch trên sàn được thanh toán bằng tiền mặt, tiền hàng sẽ chuyển từ người mua qua đơn vị vận chuyển (thông qua shipper) về người bán. Hoặc ngược lại, shipper sẽ trả trực tiếp cho người bán và nhận lại tiền từ người mua.
Do đó việc yêu cầu các sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay cho người bán sẽ tạo ra áp lực rất lớn tài chính cho sàn khi phải ứng trước một khoản tiền thuế từ người bán phải đóng. Thực tế, các giao dịch thanh toán tiền mặt hiện đang chiếm ưu thế và áp lực về hoạt động khi phải thực hiện việc thu lại số tiền thuế của người bán. Trong nhiều trường hợp, sàn TMĐT không có đủ công cụ cũng như quyền lực để thực thi yêu cầu người bán trả lại tiền thuế mà sàn đã đóng thay. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho hoạt động của sàn TMĐT”, VCCI bày tỏ.
Không chỉ VCCI, trước đó, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng cho rằng, các sàn giao dịch TMĐT không phải là đơn vị “trả thu nhập” mà chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối người bán và người mua, giúp họ thực hiện giao dịch. Vì vậy, không thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế thu nhập của người bán theo quy định…
Có thể bạn quan tâm
Kiến tạo nền tảng thương mại điện tử về quyền sở hữu trí tuệ
15:04, 22/09/2022
38 tác phẩm được trao giải Cuộc thi viết thuế với thương mại điện tử
16:40, 12/09/2022
Thương mại điện tử Việt Nam: Dự báo đạt 39 tỷ USD vào năm 2025
11:29, 12/09/2022
Hội Nghị kết nối thương mại điện tử Cần Thơ và các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long
01:51, 10/09/2022
Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao về thương mại điện tử
14:26, 09/09/2022