4 chiêu lừa huy động vốn

NGUYỄN GIANG 17/11/2022 11:00

Thời gian gần đây, tình trạng huy động vốn trái phép thông qua các hình thức “hợp tác đầu tư” với dấu hiệu lừa đảo, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư đã và đang “bùng nổ”…

>>Cảnh báo đa cấp bất động sản - Bài 5: Nhiều địa phương “réo tên” Nhật Nam

Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục đưa ra cảnh báo rủi ro, nhưng mô hình hoạt động này vẫn tiếp tục nở rộ như nấm mọc sau mưa.

p/Một văn phòng của Công ty CP bất động sản Nhật Nam tại Hà Nội. Ảnh: Khôi Nguyên

Một văn phòng của Công ty CP bất động sản Nhật Nam tại Hà Nội. Ảnh: Khôi Nguyên

Cơ quan chức năng liên tục cảnh báo

Mới đây nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có cảnh báo về các trang web, app cung cấp dịch vụ chứng khoán trên không gian mạng (Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF…) thực hiện huy động vốn và có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán khi chưa được UBCKNN cấp phép.

“Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình, nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh”, văn bản của UBCKNN nêu rõ.

Trước đó, hồi đầu tháng 10/2022, Bộ Công an đã phải phát đi cảnh báo thủ đoạn lừa đảo huy động vốn trái phép của đa cấp Skyway. Theo Bộ Công an, Skyway được giới thiệu là tập đoàn thực hiện các dự án công nghệ vận tải trên không, được thành lập ở Belarus, hoạt động theo hình thức huy động vốn từ nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân qua hình thức mua cổ phần.

“Mô hình này đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới, như Estonia, Bỉ… Các nước này đã cảnh báo về hoạt động huy động vốn của Skyway là trái pháp luật, có đặc điểm lừa đảo giống mô hình kim tự tháp và khuyến cáo người dân không tham gia” văn bản cảnh báo của Bộ Công an nêu rõ.

Hay như mới đây, liên quan đến hoạt động kêu gọi đầu tư của công ty Cổ phần bất động sản Nhật Nam, hàng loạt địa phương như: Hoà Bình, Phú Thọ, Lào Cai… cũng phải phát đi cảnh báo rủi ro tới nhà đầu tư khi tham gia góp vốn vào mô hình này.

Bốn “chiêu trò” thường gặp

Theo luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La, có một điểm chung trong các vụ án xảy ra trong thời gian qua là các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, đánh vào lòng tham của nhiều người.

>>Ma trận gọi vốn đa cấp

Cũng theo vị luật sư này, có bốn chiêu trò mà các đối tượng phạm tội thường sử dụng. Thứ nhất, các đối tượng thường vẽ ra các dự án đầu tư lớn, gắn với các phương thức kinh doanh, đầu tư có yếu tố công nghệ, hệ sinh thái phủ rộng khắp các lĩnh vực, nhưng thực chất không có hoạt động kinh doanh gì. Sau đó mở bán gói đầu tư hứa hẹn lãi suất, lợi nhuận siêu cao nhằm huy động vốn của nhà đầu tư.

Chẳng hạn như bán các gian hàng trên các trang thương mại điện tử, ứng dụng mua bán trực tuyến để sau đó cho người khác thuê lại bán hàng, hoặc mua hàng tích điểm thưởng; hoặc là mở bán các gói đầu tư, quyền kinh doanh thương hiệu, cam kết lợi nhuận cao, người mua được sở hữu cổ phần và trở thành cổ đông của công ty hưởng cổ tức trọn đời…

Thứ hai, các đối tượng thường cam kết lợi nhuận không tưởng từ 20-30 %, có những trường hợp lên đến 50 -70% năm hoặc vẽ ra những mục tiêu rất lớn, thậm chí có cả kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế danh tiếng, đưa ra những hình ảnh về người đi trước thành công, được những ưu đãi vô cùng hấp dẫn của công ty như tặng nhà, xe, đi du lịch nghỉ dưỡng cao cấp... “Các cam kết này chỉ là hứa hẹn, chứ không hề có bất cứ biện pháp đảm bảo thực hiện như thế chấp tài sản, bảo lãnh ngân hàng”.

Thứ ba, để tạo được lòng tin, các đối tượng thường đăng ký các doanh nghiệp có vốn điều lệ rất lớn, mời những người nổi tiếng, có ảnh hưởng đối với giới trẻ về khởi nghiệp, đầu tư để làm diễn giả trong các hội nghị khách hàng, hội nghị hoa hồng, sự kiện lớn của công ty; đồng thời sử dụng các trang mạng, báo điện tử quảng cáo mạnh mẽ, dùng tiền để tài trợ, mua giải thưởng,...

Cuối cùng, theo luật sư Biên, để qua mắt sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, các đối tượng thường lợi dụng sự lỏng lẻo của pháp luật, sử dụng các hình thức ký hợp đồng uỷ thác đầu tư hay hợp đồng hợp tác đầu tư… nhằm gây khó khăn trong quá trình giám sát, xác minh làm rõ dấu hiệu vi phạm của cơ quan chức năng.

Cũng xung quanh vấn đề này, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt cho biết, hiện nay pháp luật chưa có khung pháp lý cụ thể về uỷ thác nói chung, uỷ thác đầu tư nói riêng, đặc biệt hành lang pháp luật bảo vệ nhà đầu tư nhiều sơ hở. Lợi dụng điều này, không ít đối tượng đã huy động vốn thông qua các hợp đồng uỷ thác đầu tư với cam kết lãi suất, tỉ suất sinh lời cao.

Kỳ sau: Thuốc nào “đặc trị”?

Có thể bạn quan tâm

  • Sở Công Thương Nghệ An đề nghị khởi tố đa cấp huy động vốn trái phép

    Sở Công Thương Nghệ An đề nghị khởi tố đa cấp huy động vốn trái phép

    07:30, 04/05/2021

  • Hà Quang Land huy động vốn trái phép tại dự án nhà ở xã hội HQS

    Hà Quang Land huy động vốn trái phép tại dự án nhà ở xã hội HQS

    18:43, 17/08/2020

  • Dự án Gia Lâm Central Metropolitan huy động vốn trái phép: Khách hàng có nguy cơ trắng tay

    Dự án Gia Lâm Central Metropolitan huy động vốn trái phép: Khách hàng có nguy cơ trắng tay

    08:10, 17/06/2020

  • Cần Thơ: Rộ huy động vốn trái phép bằng hình thức chuyển nhượng đất nền

    Cần Thơ: Rộ huy động vốn trái phép bằng hình thức chuyển nhượng đất nền

    11:10, 19/05/2020

NGUYỄN GIANG