Minh bạch - Chìa khóa hồi sinh thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Dù đánh giá là vấn đề nhạy cảm và khiến nhiều doanh nghiệp e ngại, tuy nhiên, theo chuyên gia, để hồi sinh lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì “minh bạch” được cho là chìa khóa…
>> Sửa đổi Nghị định 65/2022 – Giải pháp kịp thời để “cứu” trái phiếu doanh nghiệp
Thống kê cho thấy, trong 3 năm từ 2019 - 2021, trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn tín dụng trung và dài hạn lớn nhất, vượt qua nguồn vốn tín dụng ngân hàng và huy động từ thị trường cổ phiếu. Theo đó, chỉ tính riêng năm 2021, tổng giá trị huy động trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên thị trường sơ cấp đã đạt hơn 600.000 tỷ đồng, trong khi tăng ròng tín dụng trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng chỉ ở mức hơn 480.000 tỷ đồng và huy động vốn qua kênh thị trường cổ phiếu chỉ đạt hơn 100.000 tỷ đồng.
Năm 2022, thị trường trái phiếu Việt Nam gặp nhiều biến động sau hàng loạt các vụ bê bối bị đưa ra ánh sáng. Tuy vậy, trái phiếu doanh nghiệp vẫn được đánh giá là một trong những kênh cung cấp vốn cho doanh nghiệp nhiều nhất.
Thế nhưng, 2 tháng vừa qua, thị trường này gần như “đóng băng”, và nguyên nhân không chỉ do lãi suất cao, hay một số doanh nghiệp vi phạm, chất lượng doanh nghiệp yếu kém mà có rất nhiều vấn đề… Trong đó, theo các chuyên gia, vấn đề rất lớn là xuất hiện tâm lý lo lắng bất an trên thị trường, doanh nghiệp huy động trái phiếu kỳ hạn 3 - 5 năm nhưng bị nhà đầu tư đòi lại tiền, việc doanh nghiệp buộc phải trả lại tiền là thách thức, áp lực vô cùng lớn về thanh khoản.
Thực tế, theo dữ liệu được Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), trong 11 tháng của năm 2022, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng giảm mạnh 60% và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 56% so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng phát hành trái phiếu riêng lẻ tiếp tục giảm, khi tháng 11/2022 chỉ có 5 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ được ghi nhận, với giá trị 1.934 tỷ đồng.
Đáng chú ý, thời gian qua, các doanh nghiệp đã cấp tập đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn. Thống kê của VBMA cho thấy, các doanh nghiệp đã mua lại gần 164.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, tăng 32% so với cùng kỳ. Trong năm 2023, sẽ tiếp tục có khoảng 308.622 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, tạo sức ép lớn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều kênh huy động vốn đang bị “tắc nghẽn”.
>> Trái phiếu doanh nghiệp: Áp lực thanh khoản trong 12 tháng tới
Trước thực tế đã nêu, chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động minh bạch thông tin, bởi minh bạch là vấn đề cốt lõi, chìa khóa của mọi giải pháp, giúp thị trường lấy lại niềm tin của nhà đầu tư để sớm hồi sinh trở lại.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa FiinRatings, cải thiện minh bạch thông tin về các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp là yếu tố then chốt để khôi phục niềm tin và từng bước khai thông kênh dẫn vốn quan trọng này.
“Minh bạch thông tin là vấn đề nhạy cảm và khiến nhiều doanh nghiệp e ngại. Nhiều doanh nghiệp cho rằng khi các thông tin còn đang “mập mờ”, họ có thể dành lợi thế trong việc thỏa thuận lãi suất và các điều khoản đi kèm khi vay vốn hoặc phát hành trái phiếu. Tuy nhiên tình hình nay đã khác trước”, ông Thuân chia sẻ.
Cũng theo ông Thuân, khảo sát của FiinRatings qua các nền tảng giao dịch trái phiếu cho thấy, trái phiếu của doanh nghiệp niêm yết, có chất lượng tín dụng tốt có giao dịch khá sôi động, đặc biệt là khi lợi tức trái phiếu tăng cao sau khi nhiều nhà đầu tư “cắt lỗ” trái phiếu do tâm lý có phần hoảng loạn trước những sự kiện tiêu cực.
Nhìn rộng ra trên kênh vốn nợ quốc tế, số liệu của FiinRatings cũng cho thấy có ít nhất 10 đợt huy động vốn thành công với tổng giá trị 1,9 tỷ USD chỉ riêng trong tháng 10 năm 2022, tuy vậy, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng cao hơn so với giai đoạn trước kia, phản ánh môi trường lãi suất gia tăng trên thị trường cũng như để bù đắp cho rủi ro mới trong bối cảnh hiện tại.
“Phần lớn các giao dịch huy động thành công này đều có chung một đặc điểm là minh bạch thông tin. Hầu hết trong số 10 doanh nghiệp phát hành vốn nợ thành công, hầu hết là các doanh nghiệp niêm yết và có 2 doanh nghiệp hiện đang thực hiện xếp hạng tín nhiệm với FiinRatings, bao gồm F88 (BBB-, triển vọng Ổn định) và Công ty Chứng khoán Bản Việt (A-, triển vọng Ổn định)”, ông Thuân phân tích.
Cùng với đó, vị chuyên gia này cho rằng, sự minh bạch cũng rất cần thiết với cả các tổ chức phát hành chưa niêm yết. Bởi, ngay cả trong tình huống doanh nghiệp có nguy cơ vi phạm nghĩa vụ nợ với trái chủ và phải chuẩn bị trước cho tình huống tái cấu trúc, hoãn hoặc giãn nợ với các điều khoản mới. Minh bạch thông tin giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thời gian chuẩn bị cả về tài chính lẫn tâm lý, để tránh đổ vỡ dây chuyền khi thông tin mập mờ và không đầy đủ.
Từ những phân tích đã nêu, vị chuyên gia này khuyến nghị, các doanh nghiệp nên chủ động minh bạch thông tin với nhà đầu tư. Việc chủ động gặp gỡ, cung cấp thông tin và đàm phán thông qua các tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu và thậm chí cả ngân hàng nếu có dư nợ vay tín dụng sẽ là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp tránh rơi vào tình huống bị động. Việc vi phạm nghĩa vụ nợ có thể ảnh hưởng đến uy tín, hồ sơ tín dụng trên thị trường vốn và thậm chí phải qua các thủ tục tòa án, đây là một vấn đề phức tạp và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp trong tương lai khi thị trường khơi thông trở lại.
Có thể bạn quan tâm
Tiếp tục “vực dậy” thị trường trái phiếu doanh nghiệp
04:30, 19/12/2022
Sửa đổi Nghị định 65/2022 – Giải pháp kịp thời để “cứu” trái phiếu doanh nghiệp
04:00, 17/12/2022
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Vẫn vắng người mua, thưa kẻ bán
05:20, 12/12/2022
Trái phiếu doanh nghiệp: Áp lực thanh khoản trong 12 tháng tới
12:00, 10/12/2022
Giải pháp nào để "phá băng" thị trường trái phiếu doanh nghiệp?
12:00, 09/12/2022