Ổn định thị trường xăng dầu: Cần một “nhạc trưởng” chỉ huy giá
Trước những biến động khó lường của thị trường xăng dầu thế giới, để ổn định thị trường trong nước, theo chuyên gia, cần thiết phải có một “nhạc trưởng” chỉ huy giá...
>> Giữ mức sàn thuế bảo vệ môi trường xăng dầu - Cần thiết để doanh nghiệp phục hồi
Theo đó, thị trường xăng dầu trong nước năm 2022 liên tục xuất hiện những bất ổn, giá xăng dầu vẫn luôn là “ẩn số” khiến người dân và doanh nghiệp vô cùng quan ngại. Bên cạnh các nguyên nhân từ chính sách, điều hành, theo các chuyên gia, để ổn định thị trường nguyên liệu này, ngoài việc sửa đổi các quy định, điều tiết từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, vẫn cần một “nhạc trưởng” chỉ huy giá.
Thông tin tại Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2022 và dự báo năm 2023, phiên chuyên đề về thị trường xăng dầu Việt Nam, chuyên gia kinh tế - Vũ Vinh Phú đánh giá, năm 2022 việc điều hành xăng dầu còn lúng túng, bị động, một số thời điểm chưa theo thị trường.
Vì vậy, vị chuyên gia này đề xuất, năm 2023, các bộ ngành cần sớm đề xuất sửa đổi Nghị định 95/2021 về quản lý xăng dầu theo hướng tập trung đầu mối để tiện lợi trong việc điều chỉnh giá bán.
“Năm 2022 xảy ra tình trạng khi cần điều chỉnh cách tính giá xăng dầu, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính nhiều lần chờ đợi ý kiến giữa 2 bên. Tôi đề xuất đưa xăng dầu về đầu mối Bộ Công Thương quản lý và lãnh đạo Bộ Tài chính cũng từng đề xuất như vậy. Chúng ta cần có một nhạc trưởng chỉ huy giá xăng dầu, tập trung về một đầu mối mới có thể điều hành nhanh chóng. Bên cạnh đó, dự trữ xăng dầu của Việt Nam mới đạt 5-7 ngày, cần phải tăng dự trữ xăng dầu nhiều hơn và xác định đây là mặt hàng dự trữ quan trọng thứ 2 chỉ sau lúa gạo”, chuyên gia Vũ Vinh Phú kiến nghị.
>> Cần làm rõ việc sử dụng nguồn thu từ thuế môi trường với xăng dầu
Đặc biệt, về những bất cập trong điều hành giá hiện nay, theo chuyên gia Phạm Minh Tâm - Đại học Kinh tế Quốc dân, qua một năm triển khai Nghị định số 95/2021 và bối cảnh giá xăng dầu trên thị trường thế giới biến động rất mạnh đã bộc lộ bất cập. Trong đó, quy định “thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có tổ chức hệ thống phân phối xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu 20 ngày cung ứng” chưa phù hợp.
Từ đó, bà Tâm kiến nghị, nâng thời gian dự trữ xăng dầu lên 30 ngày. Đồng thời cho rằng, quy định về cách tính giá cơ sở khoản 28 Điều 1 Nghị định số 95/2021 chưa hợp lý và kiến nghị sửa Nghị định 95/2021 theo hướng giá cơ sở tính từ “giá xăng dầu thế giới do Bộ Công Thương xác định theo nguyên tắc tính bình quân theo số ngày có giá của 20 ngày trước kỳ công bố giá cơ sở của giá các sản phẩm xăng dầu giao dịch trên thị trường quốc tế.
Đồng quan điểm đã nêu, nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện nay, cơ chế xác định giá cơ sở đối với kinh doanh xăng dầu lạc hậu, quỹ bình ổn giá xăng dầu hoạt động chưa hiệu quả, thời gian điều hành thiếu linh hoạt và chính sách tín dụng cho kinh doanh xăng dầu còn hạn chế. Vì vậy, cần rà soát lại cơ chế tính giá cơ sở xăng dầu định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần để đảm bảo tính đúng, tính đủ và cập nhật thường xuyên chi phí, lợi nhuận.
Ngoài những ý kiến, kiến nghị đã nêu, sau cuộc thanh tra đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu vừa qua, câu chuyện về cấp phép, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp sau cấp phép cũng được cho là một trong những bất cập của thị trường nhiên liệu này hiện nay.
Theo đó, trong văn bản mới đây được Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh gửi Tổng cục Hải quan cho thấy, trong thời gian giám sát, một số doanh nghiệp đầu mối không hề có hoạt động nhập xăng dầu, một số tổng kho cũng hầu như không xuất xăng RON95, E5 RON92, dầu diesel.
Chẳng hạn như, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Xuyên Việt Oil (Người đại diện theo pháp luật là bà Mai Thị Hồng Hạnh) trong 3 tháng đầu năm 2022 được phân giao nhập khẩu là 30.000 m3 xăng; 400.000 m3/tấn dầu nhưng chỉ nhập khẩu thực tế 26.950 m3 xăng và 282.320 m3/tấn dầu, thấp hơn nhiều so với hạn mức nhập khẩu tối thiểu được phân giao. Cùng với đó, doanh nghiệp này cũng chỉ đáp ứng dự trữ 1 ngày với xăng và không có dự trữ với dầu.
Hay như đối với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh (do ông Nguyễn Văn Phúc là đại diện pháp luật) tổng khối lượng thực tế nhập khẩu cả xăng và dầu đều bằng 0, trong khi hạn mức nhập khẩu tối thiểu được phân giao là 6.000m3/tấn với xăng dầu các loại.
Đáng nói, trong cuộc kiểm tra mới đây, lực lượng chức năng cũng phát hiện Công ty Hưng Phát là doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhưng không thực hiện hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu, mà chỉ ký hợp đồng mua xăng dầu từ nguồn trong nước. Cụ thể là từ Chi nhánh Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí PVOil Miền Trung tại Thừa Thiên Huế; Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Vũng Áng và Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Thừa Thiên Huế.
Từ thực tế đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, để thị trường xăng dầu được bình ổn, cần sớm có giải pháp giải quyết những bất cập, tồn tại. Cần thiết phải mạnh tay gạn lọc những doanh nghiệp không đủ “lực” ra khỏi thị trường, bởi xăng dầu liên quan trực tiếp đến an ninh năng lượng quốc gia, là huyết mạch của nền kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2022 “đặc biệt” với xăng dầu và thịt lợn
04:30, 26/12/2022
Bị phạt do kinh doanh xăng dầu khi giấy phép hết hạn, CMV kinh doanh ra sao?
14:00, 21/12/2022
Hạn chế tầng nấc kinh doanh xăng dầu
03:00, 20/12/2022
Khó có thể điều chỉnh giá điện như giá xăng dầu
04:00, 16/12/2022
Nguồn cung xăng dầu sụt giảm - Cẩn tắc vô áy náy
04:00, 14/12/2022