Khó có thể điều chỉnh giá điện như giá xăng dầu

Diendandoanhnghiep.vn Trước kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện tương tự như điều hành xăng dầu, chuyên gia cho rằng, khó khả thi, bởi tiền điện người tiêu dùng trả theo tháng, còn xăng dầu mua hàng ngày…

>> Đề xuất tăng giá điện và câu hỏi “sao cho hợp lý”

Theo đó, tại Hội nghị về huy động nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức mới đây, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện tương tự như điều hành xăng dầu, tức khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại.

Khó có thể điều chỉnh giá điện như giá xăng dầu - Ảnh minh họa: TCCT

Khó có thể điều chỉnh giá điện như giá xăng dầu - Ảnh minh họa: TCCT

Bởi, theo Tổng Giám đốc EVN, năm 2022, giá chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng rất cao. Cụ thể, giá dầu tăng vài chục phần trăm, giá than tăng tới 600% so với đầu năm ngoái nhưng giá bán điện vẫn giữ từ năm 2019, chưa được điều chỉnh. Với diễn biến này, tình hình tài chính của công ty trong năm nay và tới đây rất khó khăn, có thể mất cân đối tài chính, không có chi phí, nguy cơ không có tiền trả cho các đơn vị bán điện...

“Đáng nói, hệ số xếp hạng tín dụng của EVN sẽ bị đánh giá thấp; vay vốn ngân hàng cho các dự án đầu tư xây dựng điện cũng rất khó, ảnh hưởng lớn đến bảo đảm an ninh năng lượng đất nước. Do đó, EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện tương tự như điều hành xăng dầu, tức khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại”, vị lãnh đạo EVN chia sẻ.

Đề nghị này của EVN ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận, đáng nói, không ít ý kiến tỏ ra quan ngại, căn cứ nào để EVN đưa ra đề xuất đã nêu, bởi dù cùng là nguyên liệu nhưng phương thức tiêu thụ giữa điện và xăng dầu hoàn toàn khác nhau…

>> Tăng giá điện – Tránh để tác động ngược lại với nền kinh tế

Theo chuyên gia, EVN đề xuất tăng giá điện thì cũng cần tới hội đồng độc lập - Ảnh minh họa: Internet

Theo chuyên gia, EVN đề xuất tăng giá điện thì cũng cần phải có hội đồng độc lập - Ảnh minh họa: Internet

Thông tin với báo chí, GS. Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam nêu quan điểm, xăng dầu và điện là hai ngành năng lượng và đều chịu tác động rất lớn của thị trường thế giới. Hiện, cơ chế thị trường đang dần vận hành đối với thị trường xăng dầu, cũng là lúc chúng ta nên tính tới thực hiện đối với mặt hàng điện.

Tuy nhiên, theo GS. Trần Đình Long, do đặc thù của hai ngành khác nhau, việc để giá điện điều hành 10 ngày 1 lần như xăng dầu thì rất khó bởi tiền điện người tiêu dùng trả theo tháng, còn xăng dầu mua hàng ngày. Do vậy, cơ quan quản lý có thể xem xét nên quy định chu kỳ bao nhiêu thì điều chỉnh, và điều chỉnh với biên độ ra sao. Nếu giới hạn thấp, EVN được phép điều chỉnh và báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước nhưng nếu biên độ cao thì phải xin phép trước.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cũng cho hay, đã có đề xuất nên xem xét điều chỉnh giá điện 6 tháng một lần, điều này nhằm mục đích đưa mặt hàng này vận hành sát cơ chế thị trường, có tăng – có giảm theo thị trường.

Xoay quanh câu chuyện giá điện, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, thực tế việc giá điện đứng im 3 năm nay không thay đổi cũng đang khiến EVN đứng trước thách thức lớn về chi phí, lợi nhuận, chỉ số lợi nhuận… Do vậy, khả năng trong thời gian tới, giá điện phải được điều chỉnh tăng.

Ông Doanh đồng tình với phương án giá điện sẽ tăng, tuy vậy, vị chuyên gia này cho rằng, mức tăng bao nhiêu cần phải dựa vào khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

“Hiện nay, nền kinh tế mới phục hồi sau đại dịch COVID-19, giá điện tăng quá mạnh sẽ tác động lớn tới sự phục hồi, ảnh hưởng tới giá thành cạnh tranh của hàng Việt Nam ở thị trường quốc tế”, chuyên gia Lê Đăng Doanh lưu ý.

Còn về kiến nghị điều chỉnh giá điện như giá xăng, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, rất khó khả thi bởi cơ chế vận hành của thị trường điện khác xăng dầu, nói cách khác là thị trường bán lẻ điện chưa có cạnh tranh. Vì vậy, nếu sắp tới, EVN đề xuất tăng giá điện thì cũng cần tới hội đồng độc lập gồm các chuyên gia có kinh nghiệm thẩm định những lý do, chi phí giá thành sản xuất, đầu tư của đơn vị này để tạo sự minh bạch.

Trước đó, không ít ý kiến cũng cho rằng, nếu giữ nguyên mức giá điện như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành điện. Trong năm 2022, dự kiến ngành điện sẽ thua lỗ trên dưới 30 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, nếu giá điện vẫn giữ nguyên thì việc xã hội hóa, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này cũng hết sức khó khăn, gây ảnh hưởng đến việc cung ứng điện cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc tăng giá điện được cho sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân vì gia đình nào cũng đều phải sử dụng điện như một sản phẩm thiết yếu. Thậm chí có thể dẫn tới một bộ phận không nhỏ gia đình vừa thoát nghèo không khéo lại tái nghèo, còn với hộ nghèo mong thoát nghèo sẽ càng khó khăn hơn.

Cùng với đó, giá điện tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh. Việt Nam có tới 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang gặp nhiều khó khăn, yếu kém về tài chính, giờ thêm giá đầu vào sản xuất tăng. Sau quá trình trải qua dịch COVID-19, giờ lại thêm một cú sốc nữa, doanh nghiệp sẽ lại tăng thêm gánh nặng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hướng đến nền kinh tế, vì vậy, cần cân nhắc, đánh giá một cách kỹ lưỡng.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Khó có thể điều chỉnh giá điện như giá xăng dầu tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714201305 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714201305 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10