Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh mùa đông kéo dài.
>>Nga khó "miễn nhiễm" lệnh cấm vận của Mỹ và EU
Mới đây, Tập đoàn năng lượng Pháp Engie thông báo tập đoàn Nga Gazprom tiếp tục cắt giảm nguồn cung khí đốt tới nước này do tranh cãi về hợp đồng. "Engie đã tích trữ lượng khí đốt cần thiết để đảm bảo nguồn cung cho khách hàng và nhu cầu của chính chúng tôi", thông báo của Tập đoàn ghi rõ.
Trước đó, nguồn cung khí đốt từ Nga tới Pháp đã giảm mạnh từ sau khi Nga phát động chiến sự Nga- Ukraine hồi cuối tháng 2/2022. Chính phủ Pháp gần đây cảnh báo về những khó khăn có thể xảy ra trong mùa đông do thiếu hụt năng lượng và lạm phát phi mã.
Tương tự, nhiều nước châu Âu khác cũng đang phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về nguồn cung khí đốt. Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan, Ba Lan và các nước Baltic đã bị Nga cắt khí đốt. Khí đốt từ Nga sang Đức qua đường ống Nord Stream 1 đã bị dừng hoạt động trong một số ngày vào cuối tháng 8, lần thứ hai trong mùa hè năm nay.
Chính phủ các nước châu Âu không mong muốn kịch bản hệ thống sưởi ấm và nhà máy phải ngừng hoạt động do thiếu khí đốt. Bởi vì điều này dẫn đến nguy cơ gia tăng cuộc khủng hoảng năng lượng trong khu vực và làm dấy lên lo ngại về khả năng tiếp cận điện năng và hệ thống sưởi.
Do hầu hết các nước EU vẫn phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng nhu cầu năng lượng, giá điện thường được thiết lập theo giá khí đốt. 1/5 lượng điện của châu Âu sản xuất từ nhà máy điện chạy bằng khí đốt. Do đó, nếu giá khí đốt tăng, giá điện tăng theo.
>>Nga- Châu Âu sắp bước vào “trận chiến mùa đông”
Hợp đồng mua điện trước 1 năm ở Đức đạt ngưỡng 995 euro/kWh, trong khi giá điện tương đương ở Pháp đã vượt 1.100 euro/kWh. Giá điện tiếp tục tăng cao tại các quốc gia châu Âu khác. Ông Fabian Rønningen, nhà phân tích cấp cao của Rystad Energy cho biết: "Điều này không bình thường chút nào. Mức giá này hiện đang đạt đến mức mà chúng tôi nghĩ rằng các quốc gia sẽ không bao giờ nhìn thấy".
Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp trên toàn khu vực lo ngại họ có thể phải tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh theo định kỳ trong mùa đông nếu nguồn điện thiếu hụt, trong khi các hộ gia đình có thể rơi vào tình trạng chật vật để trả hóa đơn tiền điện. Nếu tình trạng này kéo dài có thể kích hoạt một cuộc suy thoái sâu tại khu vực châu Âu. Ngân hàng HSBC cũng cảnh báo "suy thoái khó tránh khỏi" ở khu vực đồng tiền chung châu Âu, dự báo nền kinh tế châu Âu sẽ thu hẹp trong quý IV/2022 và ba tháng đầu năm 2023.
Đồng quan điểm, theo ông Giovanni Sgaravatti, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Tư vấn chiến lược Bruegl, mùa đông sắp tới sẽ là giai đoạn đầy khó khăn với tất cả chúng ta. Giá khí đốt và giá điện sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí có thể tăng nữa.
Trước mắt, Czech triệu tập một cuộc họp bất thường các bộ trưởng năng lượng EU vào ngày 9/9 tới để tìm giải pháp ứng phó đà tăng giá năng lượng. Dự kiến tại cuộc họp này, các bên sẽ thảo luận về việc áp đặt trần giá điện và tách biệt giá điện và giá khí đốt.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh giá khí đốt và điện phải được tách biệt với nhau. Hiện, giá điện được tính dựa trên giá khí đốt sử dụng để sản xuất điện. Do đó, giá khí đốt tăng khiến giá điện tăng theo. Theo bà Ursula, cần có giải pháp mạnh với ngành điện để giá năng lượng tái tạo rẻ hơn, qua đó làm giảm giá điện.
Có thể bạn quan tâm