“Lách luật” lãi suất cho vay cầm đồ

NGUYỄN GIANG 09/04/2023 02:30

Thời gian qua, dịch vụ cầm đồ phát triển nhanh chóng như nấm sau mưa đã gây ra nhiều biến tướng và hệ lụy. Đáng nói, ngoài lãi suất được niêm yết, người vay tiền còn phải “gánh” đủ loại phí…

>>Biến tướng dịch vụ cầm đồ: “Lỗ hổng” từ đâu?

p/Thời gian qua, dịch vụ cầm đồ phát triển nhanh chóng như nấm sau mưa đã gây ra nhiều biến tướng và hệ lụy. Ảnh: K.N

Thời gian qua, dịch vụ cầm đồ phát triển nhanh chóng như nấm sau mưa đã gây ra nhiều biến tướng và hệ lụy. Ảnh: K.N

Theo đó, ngay sau khi Công an TP.HCM thực hiện việc kiểm tra trụ sở làm việc của Công ty F88, tại nhiều tỉnh thành cơ quan Công an cũng liên tục kiểm tra các trụ sở chi nhánh của công ty này. Theo thông tin ban đầu của cơ quan điều tra Công an TP.HCM, Công ty F88 chuyên cho vay tiền, có cả trăm nhân viên thu hồi nợ và trong thời gian qua đã đe dọa người vay, có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản.

Ma trận phí “lách luật”

Đáng nói, không chỉ có F88, dịch vụ cầm đồ cũng đang phát triển một cách nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính với cách thức tương tự như F88 đã bị phát hiện và xử lý.

Theo số liệu từ các Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện Hà Nội có số lượng doanh nghiệp đăng ký dịch vụ cầm đồ nhiều nhất, hơn 5.000 doanh nghiệp; tiếp đến là TP.HCM hơn 2.700 doanh nghiệp. Các địa phương Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thanh Hóa mỗi nơi từ 250 đến 700 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế nhiều công ty cầm đồ đang hoạt động bị biến tướng, gây ra các hệ lụy cho người dân có nhu cầu vay tiền. Các cửa hàng cầm đồ hiện nay công khai cho vay với mức lãi nằm trong quy định không quá 20%/năm. Tuy nhiên, có nhiều cửa hàng dịch vụ cầm đồ “lách luật” bằng cách thu lãi suất "cắt cổ" dưới dạng phí.

Cụ thể, người cầm cố tài sản còn phải chấp nhận các thỏa thuận, như tiền phạt, bảo hiểm, chi phí bảo quản tài sản hoặc thuê lại khiến tổng lãi suất tăng thêm đến 6-8%/tháng, khoảng 70-90%/năm.

Điển hình như chuỗi cầm đồ của Công ty Cổ phần Người Bạn Vàng (có địa chỉ tại Toà nhà PLS - Tầng 6 - Số 240 Nguyễn Đình Chính, Phường 11, Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh), theo thông tin trên website có tên “Người Bạn Vàng” của công ty này cho thấy, lãi và phí cho vay của các dịch vụ như cầm kim cương, vàng và trang sức, túi hiệu, đồng hồ khá cao. Cụ thể, nếu khách hàng cầm kim cương hoặc vàng với gói cầm 20 triệu đồng trong 95 ngày, số tiền phí và lãi suất khách cần phải trả là 2.288.000 đồng, tương ứng với lãi suất 11,44% trong 95 ngày và tương ứng với 43,9%/năm.

Trong khi đó, đối với lãi suất cầm túi hiệu và đồng hồ, khi khách hàng cầm các sản phẩm này với số tiền 50 triệu đồng trong 65 ngày, số tiền phí và lãi phải trả sẽ là 5.775.000 đồng, tương ứng với lãi suất hơn 60%/năm. Tuy nhiên, số tiền này chưa bao gồm phí kiểm định. Theo đó, phí kiểm định túi xách tại quầy lên đến 4 triệu đồng/sản phẩm, khiến lãi suất và phí phải trả cho khoản vay ở ví dụ trên có thể lên đến gần 110%/năm.

Trước tình trạng biến tướng, lách luật của các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ hiện nay, các chuyên gia pháp lý cho rằng, cần thiết xây dựng khuôn khổ pháp lý chặt chẽ để đảm bảo cho các hoạt động cho vay này minh bạch, vừa đáp ứng nhu cầu của người dân và không để xảy ra các hệ lụy.

>>“Lật tẩy” công ty tài chính “trá hình”

“Lỗ hổng” pháp lý

Trao đổi với DĐDN xung quanh vấn đề này, Luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng Luật Bách Gia Luật và Liên danh cho biết, hoạt động cho vay cầm đồ là kinh doanh có điều kiện, do Bộ Công an quản lý. Các tổ chức này hoạt động theo đăng ký kinh doanh và chịu sự điều chỉnh theo Bộ luật dân sự về cầm đồ và quy định về an ninh trật tự.

“Dù quy định pháp luật nêu rõ việc vay mượn dưới hình thức cầm đồ hiện phải tuân thủ giới hạn lãi suất, tuy nhiên thực tế có nhiều cửa hàng "lách luật" bằng các khoản phí phát sinh kèm theo. Do đó tổng lãi suất mà người vay phải trả cho các cửa hàng bị đội lên cả chục lần mức trần quy định”, luật sư Tuấn nói.

Cũng theo luật sư Tuấn, sở dĩ các cửa hàng cầm đồ có thể lách luật là do "kẽ hở" trong các quy định pháp luật liên quan hoạt động cầm đồ. Hiện nay pháp luật chỉ quy định về mức lãi suất không được vượt quá, không có văn bản pháp lý hướng dẫn về các chi phí phát sinh khác mà chủ cơ sở cầm đồ được phép thu.

“Trên hợp đồng cho vay vẫn thể hiện lãi suất trong mức cho phép, còn các loại phí phát sinh ngoài thì lại không tính vào lãi suất. Do đó cơ quan chức năng cũng khó xử lý hành vi cho vay vượt lãi suất", luật sư Tuấn phân tích.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cũng cho rằng, đang có lỗ hổng pháp lý lớn trong hoạt động cho vay tiêu dùng cá nhân đặc biệt là dịch vụ cầm đồ. Cụ thể, theo quy định của Bộ luật Dân sự, các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng hoặc ngay cả dịch vụ cầm đồ được phép áp dụng mức lãi suất thỏa thuận nhưng không quá 20%/năm.

Tuy nhiên, vị luật sư cũng cho biết, các công ty dịch vụ cầm đồ có cách để lách quy định này bằng việc để mức lãi suất hàng tháng thay vì hàng năm. Bên cạnh đó họ còn tính thêm các loại phí như phí thẩm định hồ sơ, phí bảo hiểm cho khoản vay, phí tư vấn, phí khác... Phần lớn dịch vụ cho vay tiêu dùng cá nhân hiện nay đều vi phạm trần lãi suất, hiện chưa có quy định pháp luật về việc có tính các chi phí thẩm định hồ sơ, quản lý hồ sơ xem là lãi suất hay không?

Có thể bạn quan tâm

  • Biến tướng dịch vụ cầm đồ: “Lỗ hổng” từ đâu?

    Biến tướng dịch vụ cầm đồ: “Lỗ hổng” từ đâu?

    03:40, 24/03/2023

  • “Bùng nổ” tài chính tiêu dùng cầm đồ

    “Bùng nổ” tài chính tiêu dùng cầm đồ

    11:30, 03/09/2020

  • Nhân thân bí ẩn của CEO chuỗi cầm đồ F88

    Nhân thân bí ẩn của CEO chuỗi cầm đồ F88

    02:00, 12/06/2020

  • “Lật tẩy” công ty tài chính “trá hình”

    “Lật tẩy” công ty tài chính “trá hình”

    17:00, 23/03/2023

  • Nỗi lo biến tướng tín dụng đen

    Nỗi lo biến tướng tín dụng đen

    00:30, 20/02/2023

  • Vì sao “tín dụng đen” còn đất sống?

    Vì sao “tín dụng đen” còn đất sống?

    03:40, 16/02/2023

  • Nhận quả đắng từ tín dụng đen, startup vay ngang hàng Việt dìu nhau tránh thị trường đổ vỡ

    Nhận quả đắng từ tín dụng đen, startup vay ngang hàng Việt dìu nhau tránh thị trường đổ vỡ

    00:29, 02/12/2022

NGUYỄN GIANG