Nhiều địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc về PCCC cho doanh nghiệp
Liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) theo quy định mới, hàng loạt doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn cả nước bắt buộc phải “cửa đóng then cài” suốt thời gian dài.
>>Kiến nghị tháo gỡ bất cập trong quy định phòng cháy chữa cháy
Với những khó khăn, vướng mắc này, đại diện hàng loạt doanh nghiệp trên địa bàn cả nước đều “kêu cứu” đến các cơ quan chức năng sau khi kiểm tra đều ra…sai phạm và khó có thể khắc phục được, mong muốn cơ quan có thẩm quyền sớm vào cuộc tháo gỡ.
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh “cửa đóng then cài”
PCCC là quy định bắt buộc để giảm trừ hoả hoạn, gây thiệt hại liên hoàn nếu chẳng may tai hoạ ập xuống bất cứ lúc nào khi công tác này không được coi trọng, đặt vấn đề bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh lên hàng đầu.
Tuy nhiên, trước những quy định mới về công tác an toàn trong PCCC, các doanh nghiệp, không chỉ các cơ sở kinh doanh karaoke đang kêu trời về phòng cháy chữa cháy mà chính các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng cũng đang rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Họ cho rằng, việc quy định về PCCC là cần thiết nhưng với nhiều tiêu chí quá cao đã khiến doanh nghiệp, hộ kinh doanh bắt buộc phải đóng cửa để thẩm định lại. Hàng loạt doanh nghiệp vừa trải qua một trận “chết lâm sàng” do tác động của đại dịch COVID-19, nay lại phải rơi vào cảnh “chết yểu” thêm lần nữa…
Cụ thể như việc Bộ Xây dựng đưa ra tiêu chuẩn phải lắp đặt kính chống cháy, sơn chống cháy áp dụng các công trình nhưng Việt Nam chưa có đơn vị nào sản xuất. Trong khi đó, bối cảnh kinh tế thế giới đang chưa thể mở cửa thông thoáng, các mặt hàng khan hiếm, giá cả leo thang…khiến việc nhập khẩu kính chống cháy, sơn chống cháy đối với các công trình gặp không ít khó khăn. Và, nếu công trình không đạt được những tiêu chuẩn nói trên thì công tác nghiệp thu là vô nghĩa.
Theo đại diện các doanh nghiệp, với những quy định về quy chuẩn quá cao, chưa sát với thực tiễn không chỉ khiến nhiều nhà đầu tư trong nước gặp vướng mắc mà doanh nghiệp FDI cũng kêu trời.
Và, nếu thực hiện theo quy định mới như vậy, không chỉ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mà ngay cả với những cơ quan, đơn vị, trường học…cũng không đảm bảo an toàn trong công tác PCCC.
Vào ngày 31/3/2023, tại Hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, thu hút hơn 300 lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội và khoảng 100 cán bộ các sở ngành, huyện thị tham gia do UBND tỉnh Thanh Hoá tổ chức hàng chục ý kiến phát biểu nhưng chủ yếu xoay quanh việc các quy định kiểm tra PCCC khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải dừng hoạt động.
>>Từ vụ cháy chợ Tam Bạc bàn về chuyện phòng cháy, chữa cháy tại các chợ
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nêu quan điểm nếu tiêu chuẩn quy định về PCCC quá cao sẽ khiến doanh nghiệp đang khó khăn lại càng thêm ốm yếu thêm. Bởi với quy định mới về PCCC, nhiều doanh nghiệp buộc phải rơi vào tình trạng bị đình chỉ, đóng cửa khiến nhiều hệ luỵ xã hội kéo theo…
Tiếp thêm “bình cứu hoả” cho doanh nghiệp
Trước tình trạng nói trên, vào ngày 05/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 220/CĐ-TTg về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương rà soát chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy để kịp thời sửa đổi, bổ sung ngay theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; đẩy mạnh cải cách, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội.
Việc phân loại cụ thể theo nhóm các công trình, cơ sở có khó khăn, vướng mắc trong việc khắc phục sau kiểm tra, rà soát; chủ động, kịp thời giải đáp, hướng dẫn đầy đủ, cụ thể chi tiết các quy định và giải pháp để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân khắc phục tổng thể các vi phạm, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy của công trình, cơ sở, phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh (hoàn thành trước ngày 30 tháng 4 năm 2023) cũng được yêu cầu tại Công điện số 220 của Thủ tướng Chính phủ.
>>Quy định phòng cháy chữa cháy đang làm “khó” doanh nghiệp
Còn đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm xử lý ngay những hạn chế, bất cập, cản trở trong quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn mình quản lý. Chỉ đạo có giải pháp cụ thể, chi tiết để xử lý dứt điểm những vi phạm về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng theo thẩm quyền để khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy, phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành cần tổng hợp những khó khăn, vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy ngoài thẩm quyền giải quyết để kiến nghị Bộ Công an, Bộ Xây dựng hướng dẫn hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời giải quyết (gửi về Bộ Công an, Bộ Xây dựng trước ngày 20 tháng 4 năm 2023)…
Sau khi có Công điện 220 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều tỉnh, thành phố đã đồng loạt phát đi các Công văn chỉ đạo nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân trong công tác PCCC.
Ở Nghệ An, vào ngày 18/4/2023, tỉnh này đã ban hành Văn bản số 2908/UBND-NC yêu cầu các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành thị thực hiện tháo gỡ cho các doanh nghiệp vi phạm chủ trương đầu tư và mục đích sử dụng đất để làm căn cứ làm thủ tục thẩm duyệt về PCCC đối với các dự án, công trình hoạt động khi chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực PCCC trong đó rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các thủ tục thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, phục hồi hoạt động của cơ sở đang bị xử phạt, đình chỉ hoạt động theo quy định…
Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành Công văn số 854 ngày 11/4/2023 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC để triển khai thực hiện. Trong đó, đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ có liên quan, Công an các huyện, thành phố, thị xã tổ chức rà soát, phân loại cụ thể những khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC đối với các cơ sở, dự án, công trình…
Theo đại diện các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại nhiều địa phương, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 220 và Bộ Công an ban hành văn bản số 23/ĐK:HT ngày 9/4/2023 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC đã tạo điều kiện về thời gian để cụ thể hoá các quy định pháp luật sát với thực tiễn hơn nữa. Còn với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, họ kỳ vọng thời gian tới, các cơ quan chức năng tổng hợp, đánh giá lại và ban hành các quy định mới phù hợp, sát với thực tiễn hơn.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An kiên quyết xử lý cán bộ lơ là, sợ trách nhiệm thực thi công vụ
00:30, 21/04/2023
Nghệ An: Sở Xây dựng tiếp tục nằm vị trí "trì trệ" bảng chỉ số cải cách hành chính
16:11, 19/04/2023
Bên trong các dự án nhà ở gần 2 nghìn tỷ đồng do Nghệ An mời thầu có gì?
23:09, 17/04/2023
Nghệ An “đau đầu” với công tác xử lý rác thải sinh hoạt
01:41, 17/04/2023
Nghệ An: Nhiều chủ mỏ “phá nát” ranh giới cho phép để khai thác
02:50, 16/04/2023