Giảm 2% thuế giá trị gia tăng – “Một mũi tên trúng nhiều đích”
Trước hiện trạng nền kinh tế còn đối diện với nhiều thách thức, theo chuyên gia, đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) nếu được thông qua sẽ như “một mũi tên trúng nhiều đích”…
>> Dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng: Cân nhắc chi tiết thời điểm có hiệu lực
Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện cho năm 2023 (gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu). Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm 2% mức thuế suất GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%, dự kiến áp dụng từ 01/7 đến hết năm nay.
Theo đó, nếu đề xuất của Bộ Tài chính được Quốc hội thông qua, thuế GTGT sẽ giảm từ 10 xuống còn 8%, các chuyên gia cho rằng, việc này là cần thiết, bởi khi thuế GTGT giảm sẽ không chỉ kích thích tiêu dùng, mà còn thúc đẩy sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, hoạt động xuất khẩu vô cùng khó khăn do thị trường quốc tế giảm tiêu dùng.
Đánh giá về tính tích cực của việc giảm thuế GTGT, GS.TS Trần Thọ Đạt - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhìn nhận, nếu như gia hạn thuế, phí, lệ phí, thì chỉ có một số nhóm đối tượng được thụ hưởng và khoản tiền này cuối cùng vẫn phải hoàn trả ngân sách Nhà nước. Bởi, gia hạn thuế là việc Nhà nước cho tổ chức, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp vay một số tiền không tính lãi trong một khoảng thời gian nhất định. Chính sách này có mức độ lan tỏa không lớn bằng việc giảm thuế GTGT, vì giảm thuế GTGT tác động tới mọi doanh nghiệp, tất cả người dân, tất cả người tiêu dùng.
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, khi được giảm thuế GTGT, thì giá cả hàng hóa trên thị trường sẽ giảm xuống tương ứng với số thuế được giảm. Như vậy, với cùng một số tiền, người dân mua được nhiều hàng hóa hơn, qua đó tác động tới doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn, tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập của người lao động.
“Chưa kể, giảm thuế GTGT chắc chắn sẽ giúp kiểm soát lạm phát tốt hơn, tạo điều kiện để Nhà nước thực hiện lộ trình đưa giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước kiểm soát như giá điện, học phí, viện phí... tiệm cận giá thị trường. Vì thế, giảm thuế GTGT trong thời điểm này là mũi tên trúng nhiều đích, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu vô cùng khó khăn do thị trường quốc tế giảm tiêu dùng”, GS.TS Trần Thọ Đạt bày tỏ.
>> Giảm 2% thuế giá trị gia tăng: Các chuyên gia nói gì?
Còn theo GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng Phòng Quản lý khoa học, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ông đồng tình với đề xuất giảm thuế VAT do chính sách này mang tính chất phủ rộng, tiếp cận được nhiều đối tượng và nhiều doanh nghiệp.
“Việc hỗ trợ về phí và thuế là một trong những hỗ trợ quan trọng nhất hiện nay, chứ không phải là các gói hỗ trợ về lợi nhuận hay hỗ trợ về thị trường bởi tình hình kinh tế thế giới hiện khá xấu, thị trường đầu ra rất kém. Điều này được thể hiện rõ thông qua kết quả của tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu quý I/2023 chỉ đạt 154,27 tỷ USD, giảm tới 13,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi cùng kỳ tăng 15%. Đặc biệt, xuất khẩu hầu hết các nhóm hàng chủ lực như: điện thoại và linh kiện; máy vi tính; sản phẩm điện tử; dệt may; gỗ và sản phẩm gỗ đều giảm mạnh”, GS.TS Tô Trung Thành đánh giá.
Bên cạnh đó, GS.TS Tô Trung Thành cũng cho rằng, trong thời điểm khó khăn như hiện nay, chính sách tiền tệ không phải chính sách quan trọng nhất mà chính sách tài khóa và hỗ trợ doanh nghiệp mới là điều quan trọng nhất và chính sách tiền tệ cần phải hỗ trợ phối hợp hiệu quả với tài khóa.
“Theo quan điểm của tôi, những chính sách không phát huy được hiệu quả như gói cấp bù lãi suất 2%, chúng ta nên xem xét, cân nhắc dừng lại để điều chuyển sang chính sách khác có hiệu quả hơn, đặc biệt là tập trung vào chính sách tài khóa”, GS.TS Tô Trung Thành bày tỏ.
Không chỉ có vậy, GS.TS Tô Trung Thành cũng nhìn nhận, chúng ta cần phải đánh đổi, đặc biệt trong khi nền kinh tế ở giai đoạn suy thoái hoặc khó khăn, chắc chắn phải dùng các chính sách tài khóa và chấp nhận thâm hụt ngân sách. Việc giảm thuế VAT sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách trước mắt nhưng về lâu dài, nhờ các tác động tích cực từ chính sách này và áp dụng thêm các biện pháp khác sẽ giúp doanh nghiệp hồi sức, điều này có thể khiến thu ngân sách có thể dôi dư, vượt xa con số hụt thu do giảm thuế GTGT.
Xoay quanh vấn đề giảm thuế GTGT, trước đó, trong văn bản trả lời Bộ Tài chính về việc góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng hoàn toàn đồng tình với việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% vào thời điểm này để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại văn bản này, VCCI nhận định, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và những biến động kinh tế vĩ mô hiện nay của Việt Nam, việc sử dụng chính sách tài khóa mang tính phổ cập như giảm thuế giá trị gia tăng là rất phù hợp.
Cùng với đó, VCCI cũng đồng tình với việc giảm thuế đối với toàn bộ các hàng hóa, dịch vụ thay vì chỉ giảm đối với hầu hết hàng hóa dịch vụ như Nghị quyết 43/2022/QH15.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng: Cân nhắc chi tiết thời điểm có hiệu lực
03:30, 25/04/2023
Giảm 2% thuế giá trị gia tăng: Các chuyên gia nói gì?
03:30, 20/04/2023
Hiệp hội Sắn kiến nghị bỏ văn bản của Tổng cục Thuế về thuế giá trị gia tăng
11:00, 27/03/2022
Giảm thuế giá trị gia tăng: Ngành thuế Hải Phòng nói gì?
11:00, 18/02/2022
Giảm thuế giá trị gia tăng còn 8%: Kích thích song song sản xuất và tiêu thụ
15:30, 29/01/2022