Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cần có hành lang pháp lý cho ngân hàng số

GIA NGUYỄN 17/05/2023 04:00

Trước đòi hỏi của thực tế phát triển, góp ý xây dựng, hoàn thiện nội dung Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), không ít ý kiến cho rằng cần có hành lang pháp lý cho ngân hàng số…

>> Sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng: Cần một cơ chế cảnh báo và can thiệp sớm

Ngân hàng số được ví như chiếc điện thoại thông minh, kết nối mạng internet với máy chủ ngân hàng có thể giúp người sử dụng thực hiện các thao tác với dịch vụ ngân hàng. Sự tiện dụng này có được chính là từ công nghệ mang tới. Từ đó, vai trò của các chi nhánh, phòng giao dịch không chỉ giảm xuống về số lượng, diện tích và số cán bộ mà còn giảm xuống cả về vai trò đưa ra các quyết định kinh doanh.

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi lại chưa có nội dung nào đề cập tới vấn đề ngân hàng số - Ảnh minh họa: ITN

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được cho chưa có nội dung nào đề cập tới vấn đề ngân hàng số - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế, thống kê từ Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước cho thấy, giao dịch thanh toán thông qua kênh Giao dịch thanh toán nội địa qua Internet và Mobile banking đã có những chuyển biến rất lớn. Trong quý IV/2022, số lượng giao dịch qua Internet và Mobile banking đạt hơn 1,5 tỷ món giao dịch, tổng doanh số 13.272.494 tỷ đồng. Tăng trưởng so với cùng kỳ quý IV/2021 về số lượng hơn 2 lần và giá trị giao dịch hơn 1,5 lần. Điều này cho thấy, kênh giao dịch hiện đại là xu hướng phát triển của ngành Ngân hàng. Trong đó, giao dịch qua Mobile banking chiếm ưu thế về số lượng giao dịch nhưng giá trị giao dịch thấp hơn kênh Internet banking.

Xét về cơ cấu tỷ trọng, giao dịch qua kênh Mobile banking đang chiếm ưu thế trong cơ chế tỷ trọng hơn so với kênh Internet banking: Số lượng giao dịch, Mobile tăng trưởng tỷ trọng từ mức 76,9% vào quý IV/2021 lên 77,7% quý IV/2022; cơ cấu giá trị giao dịch quý IV/2022 chiếm 45,4% tăng 3,4% tỷ trong so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, phát triển kênh giao dịch ngân hàng số là hợp lý của ngân hàng, đặc biệt là kênh ngân hàng số thông qua ứng dụng trên điện thoại di động hiện nay.

Chưa kể, nhiều ngân hàng đã cho phép khách hàng thực hiện toàn bộ các nghiệp vụ trên kênh số. Về mặt công nghệ, nhiều ngân hàng đã triển khai ứng dụng công nghệ số như Big Data (Dữ liệu lớn), AI (Artificial Intelligence-Trí tuệ nhân tạo), API (Application Programming Interface-Giao diện lập trình ứng dụng)… và sự ra đời của các ngân hàng số được kỳ vọng có thể cạnh tranh và hợp tác với các ngân hàng truyền thống để đáp ứng nhu cầu đang thay đổi của khách hàng, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

>> Cân nhắc bỏ quy định “giám sát của quản lý cấp cao” với tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Theo chuyên gia, trong tương lai không xa thị trường tài chính Việt Nam sẽ xuất hiện nhu cầu cấp phép thành lập ngân hàng số. Do vậy, cần chuẩn bị sẵn khung pháp lý cho việc thành lập khi xuất hiện nhu cầu - Ảnh minh họa: ITN

Theo chuyên gia, trong tương lai không xa thị trường tài chính Việt Nam sẽ xuất hiện nhu cầu cấp phép thành lập ngân hàng số. Do vậy, cần chuẩn bị sẵn khung pháp lý cho việc thành lập khi xuất hiện nhu cầu - Ảnh minh họa: ITN

Tuy nhiên, tại Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi lại chưa có nội dung nào đề cập tới vấn đề ngân hàng số.

Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, ông Dương Quốc Anh - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) cho hay, trong tương lai không xa thị trường tài chính Việt Nam sẽ xuất hiện nhu cầu cấp phép thành lập ngân hàng số. Do vậy, cần chuẩn bị sẵn khung pháp lý cho việc thành lập khi xuất hiện nhu cầu…

“Nếu 2-3 năm tới mà có nhu cầu thành lập ngân hàng số thì lấy quy định gì để thành lập?”, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đặt vấn đề.

Theo ông Dương Quốc Anh, sự ra đời của ngân hàng số trên thị trường quốc tế sẽ bổ sung những vấn đề cần thiết cho thị trường và hỗ trợ tiết kiệm chi phí, với quy trình thủ tục tiếp cận vốn rất đơn giản và nhanh so với mô hình ngân hàng truyền thống. Đặc biệt, ngân hàng số phát triển giúp cho các khoản vay nhỏ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình, phát triển tài chính toàn diện cho các quốc gia, thậm chí còn hỗ trợ cho cả chiến lược xóa đói giảm nghèo.

“Vì vậy, tôi đề nghị trong khái niệm Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có nội dung liên quan thế nào là ngân hàng số và trong hoạt động cấp phép có bổ sung quy định giao Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có văn bản hướng dẫn thành lập tổ chức ngân hàng số”, ông Dương Quốc Anh đề xuất.

Đồng tình với quan điểm đã nêu, cho ý kiến góp ý Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), GS.TS Trần Ngọc Thơ - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, Luật này cần đảm bảo khi nền kinh tế có bất ổn, hệ thống các ngân hàng phải đứng ra hỗ trợ dân vượt qua khó khăn.

Theo GS.TS Trần Ngọc Thơ, khả năng vỡ nợ của các ngân hàng số thấp hơn nhiều so ngân hàng truyền thống mà còn có thể chống rửa tiền, chống khủng bố...

Bên cạnh các đề xuất nêu trên, theo các chuyên gia, trong Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này, mặc dù Chính phủ đã kịp thời bổ sung một số nội dung cần thiết hỗ trợ cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, Dự thảo Luật (sửa đổi) còn có một số vấn đề cần xem xét thêm do chưa có những quy định cho phép các công ty fintech được tham gia cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng.

Các chuyên gia cho rằng, việc Dự thảo Luật (sửa đổi) chỉ quy định chung chung, có thể dẫn đến trường hợp xuất hiện các chủ thể không phải là tổ chức tín dụng như các công ty fintech, có thể không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật, không có cơ sở để Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước quy định chi tiết.

Từ đó, để hoàn chỉnh hơn nữa thể chế hỗ trợ việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, các chuyên gia kiến nghị, cần bổ sung những quy định về nguyên tắc chung tại Dự thảo Luật (sửa đổi) để có cơ sở giao Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát việc ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động tài chính ngân hàng có sự tham gia của các công ty fintech.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cần cụ thể hóa quy định về xử lý nợ xấu

    Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cần cụ thể hóa quy định về xử lý nợ xấu

    03:00, 08/04/2023

  • Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: “Ngăn” sở hữu chéo, “chặn” thao túng ngân hàng

    Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: “Ngăn” sở hữu chéo, “chặn” thao túng ngân hàng

    03:50, 02/04/2023

  • “Siết” sở hữu chéo trong tổ chức tín dụng

    “Siết” sở hữu chéo trong tổ chức tín dụng

    03:30, 27/03/2023

  • Sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng: Cần một cơ chế cảnh báo và can thiệp sớm

    Sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng: Cần một cơ chế cảnh báo và can thiệp sớm

    03:50, 24/03/2023

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng

    21:00, 14/03/2023

GIA NGUYỄN