Cần cụ thể hơn quyền và biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, các quy định tại Dự thảo cần cụ thể hơn về quyền và biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
>> Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng
Theo đó, so với Dự thảo Chính phủ trình Quốc hội vào cuối tháng 9/2022, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5 gồm 07 Chương với 79 Điều. Trong đó, Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung 63 Điều (bao gồm các Điều được bỏ, chuyển nội dung sang Điều khác, bổ sung 02 Điều), giữ nguyên 16 Điều; và bổ sung khoản 5 của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trước các sửa đổi, bổ sung đã nêu, Dự thảo Luật (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ xử lý, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, góp ý hoàn thiện, nhiều ý kiến cho rằng, các quy định tại Dự thảo cũng cần cụ thể hơn về quyền và biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo ông Ngô Sách Thực - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cần tập trung hoàn thiện các quy định liên quan đến khái niệm và nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng với quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
>> Tăng chế tài xử lý để bảo vệ thông tin cá nhân người tiêu dùng
Cụ thể, ông Thực cho rằng, khái niệm người tiêu dùng quy định tại khoản 1 Điều 3 Dự thảo Luật (sửa đổi) cần bổ sung thêm đối tượng là tổ chức. Bởi trên thực tế, việc mua hoặc sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không chỉ là hoạt động của cá nhân mà còn bao gồm cả tổ chức cho mục đích tiêu dùng, không vì mục đích thương mại (nhà trẻ, trường học, công ty,…).
“Việc bổ sung này sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức khi tham gia tiêu dùng, khắc phục được hạn chế của các quy định người tiêu dùng chỉ bao gồm cá nhân, do không phải mọi tổ chức đều có khả năng tự bảo vệ trước các hành vi vi phạm từ phía nhà sản xuất, kinh doanh. Quy định này cũng kế thừa quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành và Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999; đồng thời kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mặc dù quy định về vấn đề này tương đối khác nhau nhưng pháp luật một số nước vẫn điều chỉnh người tiêu dùng bao gồm cả cá nhân và tổ chức”, ông Thực bày tỏ.
Cũng theo ông Thực, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội, là nội dung quan trọng cần được xem xét, quy định chi tiết, kỹ lưỡng trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Bởi, đối chiếu Dự thảo Luật với Chỉ thị 03-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, tại Điều 6 của Dự thảo hiện đang quy định 5 nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Từ đó, ông Thực đề xuất bổ sung thêm nguyên tắc thứ 6 là “Xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi bị cấm, không tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn”.
“Đây là biện pháp phòng ngừa chung và giáo dục riêng, Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, trách nhiệm của người bán hàng, trách nhiệm của quản lý Nhà nước rất lớn. Trên thực tế, người tiêu dùng khó có thể thu thập đủ thông tin thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để kiểm định được chất lượng sản phẩm mà chỉ đơn thuần chọn mua sản phẩm, hàng hóa đó dựa trên niềm tin. Khi niềm tin đó không còn, quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng thì phải có căn cứ và biện pháp để xử lý nghiêm minh…”, ông Thực bày tỏ.
Bên cạnh góp ý đã nêu, nhiều ý kiến cũng đề nghị, cần nêu rõ hơn trong Dự thảo Luật (sửa đổi) về việc đảm bảo hoạt động của Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở các địa phương. Bởi hiện nay, người tiêu dùng không chỉ giao dịch trực tiếp mà còn mua bán hàng hóa, giao dịch từ xa, giao dịch trên không gian mạng. Bên cạnh những thuận lợi do giao dịch trên mang lại thì người tiêu dùng cũng đang đối mặt với những rủi ro. Trong đó, người tiêu dùng có thể bị bán hàng không đảm bảo chất lượng, bị lợi dụng tên tuổi để gắn vào quảng cáo sản phẩm hàng hóa. Vì vậy, Dự thảo Luật cần bổ sung chặt chẽ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng.
Có thể bạn quan tâm
Bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng
03:00, 25/10/2022
Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng
04:00, 21/10/2022
Tăng cường giám sát bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính
14:23, 27/06/2022
Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng
04:10, 10/01/2022
Hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng tài chính: Bao giờ?
05:30, 25/05/2021