Hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng tài chính: Bao giờ?

DIỄM NGỌC 25/05/2021 05:30

Theo Luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), đối với các giao dịch điện tử, còn thiếu những quy định cụ thể đặc biệt cho các sản phẩm dịch vụ mới, nên rất khó để bảo vệ người tiêu dùng.

Nhận diện rủi ro

Cuộc đua chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đã tạo ra nhiều sản phẩm sáng tạo đột phá, thúc đẩy sự hợp tác giữa các đơn vị trong việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính, góp phần thực thi chiến lược tài chính bao trùm của Việt Nam.

việc bảo vệ người tiêu dùng là rất cần thiết trong bối cảnh sự phát triển của công nghệ ngày càng cao, nhưng thông tin phổ biến đến người tiêu dùng còn hạn chế

Việc bảo vệ người tiêu dùng là rất cần thiết trong bối cảnh sự phát triển của công nghệ ngày càng cao, nhưng thông tin phổ biến đến người tiêu dùng còn hạn chế

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người tiêu dùng tài chính sẽ dễ dàng gặp phải các nhóm rủi ro, xung đột lợi ích như: Rủi ro về phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính không tuân thủ các yêu cầu pháp lý; Rủi ro về công nghệ, độ tin cậy của hệ thống bảo mật hay các lỗi hệ thống công nghệ thông tin; Rủi ro trong tiếp thị quảng cáo sai sự thật về các mức thu phí dịch vụ; Rủi ro gian lận trong giám sát giao dịch, giám sát nhân viên tổ chức tín dụng; Rủi ro trong bán hàng, giao dịch nhầm, lộ thông tin khách hàng. Vì vậy việc bảo vệ người tiêu dùng là rất cần thiết trong bối cảnh sự phát triển của công nghệ ngày càng cao, nhưng thông tin phổ biến đến người tiêu dùng còn hạn chế.

TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng chia sẻ, hiện nay, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính có liên quan đến 4 cơ quan là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin & Truyền thông và Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, các cơ quan này đều chưa có bộ phận chuyên trách cũng như các quy trình quản lý cụ thể để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng tài chính...

Trao đổi với báo chí, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật ANVI (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, quy định riêng cho lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng thì đã có luật từ năm 2010, cùng với các Nghị định, quy định hướng dẫn thi hành. Nhưng điều này mới chỉ phù hợp với môi trường thương mại bình thường, những giao dịch mang tính chất truyền thống. Đối với những giao dịch điện tử, đặc biệt là các lĩnh vực tài chính, thanh toán tiền tệ, thì có rất nhiều đặc thù trong bối cảnh công nghiệp 4.0, với rất nhiều sản phẩm dịch vụ mới, có thể nói là gần như chưa có quy định nào cụ thể, rõ ràng nên rất khó để bảo vệ người tiêu dùng.

Khi người tiêu dùng gặp phải các vấn đề về chuyển nhầm tiền thanh toán, cần phải tra soát, hay có gian lận, nhầm lẫn thì các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính nắm trong tay toàn bộ dữ liệu kiểm soát thông tin các giao dịch. Phía người tiêu dùng hoàn toàn chỉ biết là mình thực hiện hay không thực hiện giao dịch, còn các việc lưu vết bằng chứng gần như chỉ nằm ở một phía và không có cơ quan trung gian đứng ra giải quyết, nên người tiêu dùng thường là đối tượng phải chịu thiệt thòi trước tiên, Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Khi nào có hành lang pháp lý?

đã đến lúc Việt Nam cần thiết phải xây dựng và phát triển hành lang pháp lý đầy đủ toàn diện để quản lý các hoạt động kinh tế số và bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực này

Đã đến lúc Việt Nam cần thiết phải xây dựng và phát triển hành lang pháp lý đầy đủ toàn diện để quản lý các hoạt động kinh tế số và bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực này

Theo một khảo sát được thực hiện ở 124 quốc gia của Ngân hàng Thế giới thực hiện năm 2018, khung pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng tài chính đã xuất hiện ở 118 quốc gia. Theo đó, có 3 cách tiếp cận phổ biến với các quy định bảo vệ người tiêu dùng tài chính gồm:

Thứ nhất, đưa các quy định về bảo vệ người tiêu dùng nằm trong quy định cho các giao dịch trong ngành tài chính như trong Luật Ngân hàng.

Thứ hai, đưa các quy định về bảo vệ người tiêu dùng nằm trong luật bảo vệ người tiêu dùng nói chung nhưng có những tham chiếu riêng cho người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính.

Thứ ba, ban hành luật và quy định riêng, chuyên biệt dành cho bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính.

Nói về vấn đề này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần thiết phải xây dựng và phát triển hành lang pháp lý đầy đủ toàn diện để có thể quản lý các hoạt động kinh tế số, kiểm soát các hoạt động gian lận cũng như các hình thức liên quan đến hoạt động kinh tế này. Từ đó, đảm bảo cho hoạt động kinh tế số đáp ứng được nhu cầu thuận lợi, nhanh chóng về điều kiện chi phí nhưng đồng thời đảm bảo an toàn và an ninh kinh tế cho các chủ thể tham gia thị trường.

Đặc biệt, khi xảy ra tranh chấp thì người dân phải biết đến cơ quan nào đòi quyền lợi, ai là người xử lý, thời gian xử lý bao lâu và để xử lý thì phải làm những gì.Chính vì vậy,cần phải có những quy định cụ thể để giảm thiểu tối đa những k hở trong hoạt động kinh tế số, tiêu biểulà lĩnh vực tài chính ngân hàng”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Về phía các tổ chức tài chính, cần có quy định với chế tài mạnh về trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính trong vấn đề bảo mật thông tin, tài sản của người tiêu dùng tài chính. Có cơ chế tiếp nhận, quản lý, giải quyết khiếu nại hiệu quả. Các tổ chức tài chính cũng cần nghiên cứu, phân tích và đánh giá những rủi ro hay khó khăn mà người tiêu dùng tài chính có thể gặp phải khi sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính của mình để có phương án bảo vệ khách hàng phù hợp. Việc cung cấp thông tin dịch vụ tài chính của các tổ chức tài chính phải rõ ràng, minh bạch dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước. Đặc biệt, cần có những quy định cụ thể đối với các giao dịch liên quan đến các dịch vụ tài chính số tránh xâm phạm đến người tiêu dùng tài chính...

Mục tiêu của chương trình chuyển đổi số quốc gia là đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; cùng với đó, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 80%. Số liệu đến năm 2020 cho thấy, 94% các ngân hàng tại Việt Nam đã áp dụng chuyển đổi số và 40% trong số đó đặt mục tiêu chuyển đổi số là tầm nhìn chiến lược. Khi càng nhiều các dịch vụ số ra đời, thì càng phải đòi hỏi hành lang pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng tham gia một cách thuận lợi hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • “Kỳ lân” VNPay và cuộc đua thanh toán điện tử

    “Kỳ lân” VNPay và cuộc đua thanh toán điện tử

    05:00, 27/11/2020

  • Thời thanh toán điện tử, ứng xử sao với tiền chuyển nhầm?

    Thời thanh toán điện tử, ứng xử sao với tiền chuyển nhầm?

    05:30, 21/08/2020

  • DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH TUẦN TỪ 18- 23/5: Cơ hội thúc đẩy ngân hàng số và thanh toán điện tử

    DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH TUẦN TỪ 18- 23/5: Cơ hội thúc đẩy ngân hàng số và thanh toán điện tử

    11:30, 24/05/2020

  • “Mở lối” phát triển ngân hàng số và thanh toán điện tử

    “Mở lối” phát triển ngân hàng số và thanh toán điện tử

    11:30, 23/05/2020

  • TRỰC TUYẾN: Ngân hàng số và thanh toán điện tử - Gợi mở từ khủng hoảng COVID -19

    TRỰC TUYẾN: Ngân hàng số và thanh toán điện tử - Gợi mở từ khủng hoảng COVID -19

    14:04, 21/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng tài chính: Bao giờ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO