Băn khoăn đề xuất tăng giá dịch vụ đăng kiểm
Bình luận về đề xuất tăng giá dịch vụ đăng kiểm, chuyên gia cho rằng, tăng vào thời điểm này không hợp lý, bất cứ loại chi phí nào phát sinh cũng đẩy doanh nghiệp vào rơi tình cảnh nguy khốn…
>>Đề xuất tự động giãn đăng kiểm: Tháo “nút thắt” cho bài toán “ùn tắc”
Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ GTVT và Bộ Tài chính đề xuất tăng giá dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới với mức tăng từ 30.000 – 220.000 đồng/xe tùy loại xe.
Trước đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận được 101 phương án giá từ 122 trung tâm đăng kiểm xe gửi về. Qua rà soát, Cục loại bỏ 25 phương án giá kê khai chi phí quá cao so với năm trước liền kề nhưng không có thuyết minh chi tiết hoặc tỷ lệ lợi nhuận dự kiến để ở mức cao (20%). Cục đã lựa chọn 76 phương án đại diện cho 96 trung tâm đăng kiểm xe làm cơ sở lập phương án đề xuất Bộ GTVT, Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh mức giá dịch vụ kiểm định trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí theo cơ chế thị trường.
Cũng theo Cục Đăng kiểm, phương án giá bình quân dựa trên cơ sở xác định sản lượng, tổng chi phí của hoạt động kiểm định của hệ thống các đơn vị đăng kiểm trong vòng một năm. Đồng thời, xác định mức lợi nhuận tạm tính là 10% trên giá thành và thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% trên cơ sở giá thành cộng lợi nhuận dự kiến để xác định giá dịch vụ kiểm định đối với ô tô dưới 10 chỗ để quy đổi mức giá kiểm định giữa các nhóm xe.
Ngoài ra, đề nghị bổ sung mức giá lập hồ sơ phương tiện đối với những xe được miễn kiểm định lần đầu là 50.000 đồng. Trường hợp in lại tem kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định đối với tình huống chủ xe bị mất tem, giấy chứng nhận kiểm định hoặc xin lưu hành trở lại (sau khi xin dừng nghỉ lưu hành) thì thu bằng 50% mức giá lập hồ sơ phương tiện.
Bình luận về mức giá đề xuất giá đăng kiểm mới, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc Bộ GTVT đề xuất xem xét tăng phí ở thời điểm hiện tại là chưa phù hợp. Lý do là vì các xe, đặc biệt là xe kinh doanh vận tải chịu quá nhiều loại phí như phí BOT, phí bảo trì đường bộ… Bên cạnh đó, những ngày qua người dân phải khổ sở xếp hàng chờ 3-4 ngày mới được đăng kiểm. “Như vậy rõ ràng là ngành đăng kiểm chưa làm tốt công việc của mình, còn xảy ra tiêu cực, thậm chí là lợi ích nhóm… Giờ đề nghị tăng phí, tôi e rằng người dân, doanh nghiệp khó lòng ủng hộ” - ông Thủy nhận định.
Về thời điểm tăng giá dịch vụ kiểm định, theo ông Thủy thì chỉ xem xét khi hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường, người dân không phải xếp hàng chờ đợi.
Đối với mức tăng, vị chuyên gia này cho rằng cơ quan chức năng sẽ tính toán dựa vào các chi phí cấu thành giá ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc tăng giá dịch vụ cần phải xem xét ở nhiều góc độ, có thể đủ cơ sở tăng nhưng việc tăng ảnh hưởng đến đời sống của người dân, doanh nghiệp thì chưa nên. “Chẳng hạn như giá điện, theo báo cáo của ngành điện đang lỗ nhưng Nhà nước chưa đồng ý tăng giá…” - ông Thủy dẫn chứng.
>>Vẫn loay hoay bài toán ùn tắc đăng kiểm
Còn theo quan điểm của ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM cho rằng, ở góc độ hiệp hội doanh nghiệp thì việc tăng giá dịch vụ đăng kiểm lúc này là không hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay. Bất cứ loại chi phí nào phát sinh cũng làm gia tăng khó khăn và đẩy doanh nghiệp vào tình trạng nguy khốn. Tăng giá thì lại tính chung vào chi phí sản xuất và hình thành giá thành đầu ra của sản phẩm, tác động lan tỏa đến xã hội. Chính vì vậy các bộ ngành liên quan cần phải cân nhắc thận trọng trước khi quyết định.
“Tuy nhiên, vấn đề của ngành đăng kiểm hiện nay là chất lượng dịch vụ không cao, ngay cả lương nhân viên làm dịch vụ này cũng thấp (chưa tới 10 triệu đồng/người/tháng thì không thể sống được ở TP.HCM) nên thời gian qua ngành này nảy sinh nhiều tiêu cực. Do đó, giá cả cao hay thấp còn tùy vào chất lượng dịch vụ mà họ cung cấp. Nếu nhà nước xác định đăng kiểm là ngành dịch vụ thì nên để cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tự quyết định giá tùy theo chất lượng dịch vụ của họ”, ông Tính nói.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định, việc Cục Đăng kiểm đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe sau những sự cố vừa qua là dễ hiểu. Việc này để tăng thu nhập cho đăng kiểm viên nhằm thu hút nguồn nhân lực, hạn chế các tiêu cực có thể xảy ra. Tuy nhiên, ông Quyền cho rằng khi đề xuất tăng phí, cơ quan soạn thảo cần phải đưa ra được các nguyên nhân tăng phí phù hợp, thuyết phục để tạo sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp.
Về việc bổ sung phí kiểm định đối với xe được miễn kiểm định lần đầu, ông Quyền khẳng định cần phải xem xét. Vì hiện nay nhân lực hạn chế nhưng nhiều đơn vị đăng kiểm phải gồng mình giải quyết thủ tục miễn phí cho xe được miễn kiểm định lần đầu. “Còn mức phí ra sao, cơ quan chức năng phải tính toán…” - ông Quyền nói.
Có thể bạn quan tâm