Gỡ “nút thắt” ùn tắc đăng kiểm

Diendandoanhnghiep.vn Mặc dù cơ quan chức năng đã rất nỗ lực tháo gỡ những khó khăn cho ngành đăng kiểm, tuy nhiên cho đến thời điểm này, tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm vẫn diễn biến phức tạp…

>>Đề xuất bỏ giới hạn số lượng xe đăng kiểm trong ngày là phù hợp

Theo phản ánh của các doanh nghiệp vận tải, có rất nhiều phương tiện đã đến hạn kiểm định nhưng lại nhận được phiếu hẹn đăng kiểm vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 nên xe bị buộc phải để ở nhà, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Đối với các phương tiện cá nhân, xe không hoạt động được do quá hạn đăng kiểm cũng gây nhiều khó khăn cho người dân trong việc đi lại.

p/Dòng xe ùn tắc tại trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM. Ảnh: Nhật Thịnh

Dòng xe ùn tắc tại trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM. Ảnh: Nhật Thịnh

Vẫn diễn biến phức tạp

Theo đó, dù Thông tư số 02/2023 (Thông tư 02) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được kỳ vọng sẽ kéo giảm tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng Thông tư 02 có hiệu lực, theo ghi nhận tại Hà Nội, TPHCM và một số địa phương, nhiều trung tâm đăng kiểm vẫn đang trong tình trạng quá tải, nhiều xe được phát phiếu kiểm định với thời gian kéo dài đến giữa tháng 5/2023.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam đánh giá, việc miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới quy định tại Thông tư 02 không đủ tác động làm giảm tình trạng quá tải tại các trung tâm đăng kiểm, do số lượng phương tiện thuộc đối tượng miễn kiểm định lần đầu mỗi năm chỉ khoảng trên 500.000 xe. Bên cạnh đó, việc giãn chu kỳ đăng kiểm cho một số loại phương tiện cũng không phát huy ngay được hiệu quả, do hơn 3,1 triệu xe thuộc đối tượng này vẫn phải đến đăng kiểm đúng hạn và chỉ được áp dụng quy định mới ở chu kỳ tiếp theo. “Nghĩa là số lượng phương tiện đến kỳ kiểm định hiện nay và trong thời gian tới vẫn rất lớn”, ông Quyền nói.

Cho phép trung tâm 3S, 4S kiểm định

Đáng chú ý, điểm thay đổi quan trọng nhất trong nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi về đăng kiểm là phân quyền quản lý về địa phương, thay đổi các quy định về tiêu chí kiểm định và cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng của các đơn vị tư nhân (ví dụ như các trung tâm 3S, 4S của các hãng xe) được tham gia kiểm định xe, góp phần mở rộng đơn vị đăng kiểm trên cả nước.

Đánh giá những nội dung sửa đổi này, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải và Du lịch TP.HCM hoàn toàn đồng ý với việc phân quyền quản lý cho địa phương. Ông Tính cho rằng, đó là sự thay đổi lớn từ cấp vĩ mô, hạn chế sự tập quyền về một cơ quan từ đó làm nảy sinh tiêu cực, hối lộ.

“Việc mở rộng đối tượng được kiểm định cho các Trung tâm 3S, 4S cũng rất cởi mở, vì các trung tâm này thuộc các hãng xe có thương hiệu, trước nay họ làm khâu kiểm định trước khi xuất xưởng và bảo dưỡng xe nên hoàn toàn có thể chia sẻ gánh nặng và đảm nhiệm tốt việc đăng kiểm", ông Tính nói.

>>Sửa đổi Nghị định 139/2018/NĐ-CP: Lo ngại “hạ chuẩn” đăng kiểm

Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Tính, giải pháp cấp thiết để giải tỏa nhanh tình hình ùn ứ tại các trung tâm đăng kiểm vẫn chưa được ghi nhận.

"Tôi từng nhiều lần kiến nghị xe ô tô khi hết hạn kiểm định thì trung tâm đăng kiểm có quyền được gia hạn thêm một thời gian phù hợp mà không cần tiến hành kiểm tra, việc này dựa trên niên hạn để làm cơ sở. Thông thường các loại xe cơ giới, xe ô tô, xe gia đình từ 3 - 5 năm thì tình trạng xe vẫn còn rất tốt, và các hãng sản xuất hiện nay đều tính toán để có hệ số an toàn khá cao, hoàn toàn có thể tin tưởng để giãn chu kỳ kiểm định", ông Lê Trung Tính phân tích.

Nhiều nút thắt sẽ được tháo gỡ

Trao đổi về giải pháp xử lý tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Tô An - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, vấn đề quan trọng nhất là khẩn trương mở lại các trung tâm đăng kiểm đang dừng hoạt động, bổ sung nhân lực đăng kiểm viên. Cục Đăng kiểm Việt Nam đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các địa phương để khôi phục các trung tâm đăng kiểm còn lại, đặc biệt là tại khu vực TPHCM.

Về giải pháp căn cơ xử lý tình trạng ùn tắc đăng kiểm, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết vẫn phải chờ sửa Nghị định 139 quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, với nhiều điểm nút thắt sẽ được tháo gỡ. Trước hết, dự kiến sẽ xóa bỏ quy định giới hạn số lượng xe được kiểm định trên một dây chuyền trong ngày. Hiện nay, việc phát phiếu hẹn của các trung tâm đăng kiểm đang dựa trên tổng số xe mà dây chuyền kiểm định được phép kiểm định tối đa trong ngày, tức là chỉ khoảng 60-70 xe/dây chuyền.

Nhiều trung tâm đăng kiểm cho biết sẽ sẵn sàng tăng năng suất để phục vụ người dân nếu việc giới hạn được xóa bỏ. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Nghị định 139 cũng sẽ cho phép giảm số lượng đăng kiểm viên cần có trên một dây chuyền kiểm định, từ tối thiểu 3 đăng kiểm viên và 1 đăng kiểm viên bậc cao chỉ còn tối thiểu 2 đăng kiểm viên đảm bảo thực hiện đủ các công đoạn kiểm định.

“Đồng thời, việc cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện tham gia kiểm định xe; nới lỏng các điều kiện của đăng kiểm viên… cũng giúp tăng năng lực kiểm định cho hệ thống đăng kiểm”, ông Nguyễn Tô An chia sẻ.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Gỡ “nút thắt” ùn tắc đăng kiểm tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713552517 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713552517 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10