Đề xuất đưa khoản lỗ của EVN vào giá điện: Chuyên gia nói gì?

NGUYỄN GIANG 06/09/2023 00:57

Theo giải thích của Bộ Công Thương, khoản lỗ của EVN được đưa vào giá điện là phù hợp, tuy nhiên, chuyên gia lại cho rằng, đây là điều chưa từng có trong tiền lệ, đề xuất này trái với Luật Giá 2012…

>>Chuyện “con lãi, mẹ lỗ” và đề xuất tăng giá điện của EVN

hihihihi

Bộ Công Thương đề xuất đưa các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện. Ảnh minh họa

Cho phép thu hồi khoản lỗ…

Theo đó, Dự thảo mới nhất sửa đổi quyết định 24 của Thủ tướng quy định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, phương pháp lập giá bán điện bình quân, công thức tính giá bán lẻ điện bình quân được Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi với điểm mới, gắn với thực tế sản xuất kinh doanh điện. Trong công thức tính giá điện bán lẻ bình quân, theo dự thảo thông tư vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, sẽ có quy định về việc đưa các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện.

Theo đó, cho phép thu hồi khoản lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện, chênh lệch tỉ giá trong thực hiện hợp đồng mua bán điện, các chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện nhưng được xác định trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán…

Công thức tính giá bán lẻ điện bình quân năm bao gồm các khâu phát điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí điều hành - quản lý ngành và chi phí khác được phân bổ. Các chi phí này chỉ bao gồm những chi phí phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, cung ứng điện, cùng lợi nhuận định mức của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện.

Các khoản chênh lệch tỉ giá trong hợp đồng mua bán điện, lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện sẽ nằm trong "chi phí khác". EVN đề xuất phương án phân bổ các khoản chi phí này, báo cáo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Giải thích lý do đưa các khoản lỗ vào giá điện, Bộ Công Thương cho biết trước đó, khi đánh giá kết quả kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện thời điểm năm 2019, Thanh tra Chính phủ cho rằng công thức tính giá bán lẻ điện bình quân tại quyết định 24 chưa có yếu tố gắn với giá thành thực tế sản xuất kinh doanh điện, chưa tính đến các khoản giảm trừ khi tính giá bán điện.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đề nghị xem xét có cơ chế để EVN có khả năng xử lý được khoản lỗ do sản xuất kinh doanh điện qua các năm.

Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, do ảnh hưởng của tình hình thế giới nên giá nhiên liệu đã tăng cao từ giữa quý 1-2022, làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy sử dụng nguyên liệu nhập khẩu. Chi phí mua điện tăng trong khi giá bán lẻ điện được giữ ổn định, kết quả sản xuất kinh doanh của EVN năm 2022 lỗ hơn 26.000 tỉ đồng, ảnh hưởng cân đối tài chính của EVN.

>>EVN kêu lỗ lớn, giá điện lại “phập phồng”

Giá bán lẻ điện bình quân tăng đều qua các năm. Ảnh: Văn Thắng

Giá bán lẻ điện bình quân tăng đều qua các năm. Ảnh: Văn Thắng

Chuyên gia nói gì?

Trao đổi xung quanh đề xuất này, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, khoản lỗ 26.000 tỉ đồng trong năm 2022 do tác động của giá than, giá khí và các chi phí đầu vào trong khâu sản xuất điện tăng cao là đúng. Do vậy, cần làm rõ vai trò của EVN trong đánh giá, dự báo về xu hướng giá, hoạt động quản lý, đàm phán mua điện của các nhà cung cấp để góp phần giảm lỗ.

Phó Viện trưởng VEPR góp ý, cơ quan quản lý cần bóc tách các khâu phát điện, truyền tải và phân phối trong giá thành điện để minh bạch, rõ ràng hơn. Và giá điện cần nằm trong tổng thể chiến lược phát triển thị trường điện, để dần sát thị trường hơn.

"Phải tách bạch và thị trường hóa các khâu trong sản xuất, kinh doanh điện, trừ truyền tải do yếu tố đặc thù kỹ thuật, an ninh năng lượng. Còn phân phối, bán lẻ điện cần được thị trường hóa để tăng tỷ trọng đầu tư vào các dự án điện, cạnh tranh và giảm lỗ, chi phí khi tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh", TS Nguyễn Quốc Việt nói.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá lại cho rằng, đây là điều chưa có trong tiền lệ nên cần phải bỏ ngay đề xuất này.

Lý giải về điều này, ông Thỏa cho rằng, đề xuất này trái với quy định pháp luật về giá điện hiện hành, đặc biệt là Luật Giá 2012. Cụ thể, Luật Giá 2012 (Khoản 1 Điều 20) quy định rõ: "`Nhà nước quản lý giá theo cơ chế thị trường, với nguyên tắc xuyên suốt là giá phải "đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ". Không có bất kỳ quy định nào được hạch toán lỗ do khách quan hay chủ quan cho bất cứ loại hàng hoá, dịch vụ nào trong nền kinh tế.

"Đây cũng là điều chưa có trong tiền lệ", ông Thỏa nói và dẫn chứng, năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo lỗ hơn 26.000 tỉ đồng. Nếu được tính hết khoản lỗ này vào giá thì mức giá mới phải tăng hơn không dưới 20%. Việc lỗ của EVN có trách nhiệm của cả EVN và Bộ Công Thương.

Theo đó, EVN phải mua đầu vào để sản xuất, đầu vào theo thị trường, dầu, than, khí... Đầu ra thì ổn định, không được tăng. Đương nhiên khi đó chi phí sản xuất cao hơn giá bán ra. Như vậy lỗ là tất yếu. Tuy nhiên, không ai cộng lỗ đó vào giá mà EVN phải tự xử lý dòng tiền đó.

"Quyết định 24 của Thủ tướng đã quy định rõ được phép 6 tháng điều chỉnh giá điện một lần nếu chi phí đầu vào thay đổi, biến động. Nếu điều chỉnh tăng 3% sẽ do EVN tự quyết định, còn 10% trở lên sẽ do Thủ tướng quyết định. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Nhưng tại sao EVN không điều chỉnh? Được quyền điều chỉnh giá 3% thuộc thẩm quyền mà EVN không dám làm thì đó là trách nhiệm của ngành điện", ông Thoả nói.

Chia sẻ về giải pháp, ông Nguyễn Tiến Thoả cho rằng, về tổng quát là phải công khai lộ trình, kết quả tái cơ cấu ngành điện để giảm độc quyền ở những khâu còn độc quyền, trừ truyền tải. Công khai kết quả kiểm toán hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ cấu nguồn, tỷ trọng tiêu dùng điện. Về cụ thể là công khai cách tính giá thành, giá bán một cách chi tiết, cụ thể từng yếu tố, từng khoản mục theo quy định của pháp luật.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần có cơ quan đánh giá giá nhiên liệu độc lập ngoài EVN

    Cần có cơ quan đánh giá giá nhiên liệu độc lập ngoài EVN

    04:00, 22/08/2023

  • Chuyện “con lãi, mẹ lỗ” và đề xuất tăng giá điện của EVN

    Chuyện “con lãi, mẹ lỗ” và đề xuất tăng giá điện của EVN

    03:40, 19/04/2023

  • EVN kêu lỗ lớn, giá điện lại “phập phồng”

    EVN kêu lỗ lớn, giá điện lại “phập phồng”

    11:00, 07/12/2022

  • Nới thêm quyền tự quyết giá cho EVN: Quan ngại việc… lạm quyền

    Nới thêm quyền tự quyết giá cho EVN: Quan ngại việc… lạm quyền

    11:20, 01/10/2022

NGUYỄN GIANG