Hạn chế rút BHXH một lần - Tăng thêm quyền lợi cho người lao động là cần thiết

GIA NGUYỄN 10/09/2023 03:50

Để giải quyết bài toán rút BHXH một lần, góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng thêm quyền lợi để giữ chân người lao động trong hệ thống an sinh là cần thiết…

>> Hạn chế rút BHXH một lần - Cần có nhóm giải pháp đồng bộ hơn

Thống kê cho thấy, sau gần 30 năm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), đến nay mới bao phủ hơn 17 triệu lao động, chiếm 37% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đáng nói, giai đoạn 2016-2022, gần 4,9 triệu người rời bỏ hệ thống an sinh, trong số này, 1,3 triệu người quay trở lại, tiếp tục đi làm và đóng BHXH; gần 3,55 triệu chưa quay trở lại; 907.000 lao động từng rút hai lượt; hơn 61.000 người rút ba lượt. Chỉ tính riêng trong năm 2022, số trường hợp được giải quyết chế độ hưởng BHXH một lần là gần 1 triệu người (tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021).

sau gần 30 năm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), đến nay mới bao phủ hơn 17 triệu lao động, chiếm 37% lực lượng lao động trong độ tuổi - Ảnh minh họa: ITN

Sau gần 30 năm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), đến nay mới bao phủ hơn 17 triệu lao động, chiếm 37% lực lượng lao động trong độ tuổi - Ảnh minh họa: ITN

Trước thực trạng đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần có thêm các quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi cho người lao động.

Thẩm tra Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới đây, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét chế độ phụ cấp cho con cái người lao động đang đóng BHXH. Theo đó, việc bổ sung trợ cấp có thể giúp lao động giảm bớt khó khăn trước mắt khi sinh và nuôi con nhỏ; giữ chân họ ở lại hệ thống an sinh thay vì rút một lần.

Đây cũng là ý kiến tham gia thẩm tra của Thường trực Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội.

>> Giảm thời gian đóng BHXH - Tăng quyền lợi cho người lao động

Và trước thực trạng rút BHXH một lần ngày càng gia tăng, nhiều ý kiến cho rằng, tăng quyền lợi để giữ chân người lao động ở lại với hệ thống an sinh là cần thiết - Ảnh minh họa: ITN

Và trước thực trạng rút BHXH một lần ngày càng gia tăng, nhiều ý kiến cho rằng, tăng quyền lợi để giữ chân người lao động ở lại với hệ thống an sinh là cần thiết - Ảnh minh họa: ITN

Bên cạnh đó, riêng BHXH tự nguyện, Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thiết kế các gói ngắn hạn, linh hoạt để lao động có thêm lựa chọn tham gia và thụ hưởng. Bởi, người đóng ở khu vực này hiện chỉ có hai chế độ hưu trí và tử tuất, sắp tới có thể thêm trợ cấp thai sản 2 triệu đồng.

Đồng thời, cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế về chế độ trợ cấp trẻ em là con của người tham gia BHXH tự nguyện, như giảm giá hoặc miễn phí tiêm chủng, hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho trẻ đi học.

Đề xuất này của các cơ quan trực thuộc Quốc hội ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận, trong đó, không ít ý kiến cho rằng, để có thể tăng diện bao phủ, giữ chân người lao động ở lại với hệ thống an sinh thay vì rút BHXH một lần thì việc gia tăng thêm quyền lợi là điều cần thiết.

Góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị, cơ quan quản lý bổ sung chính sách trợ cấp trẻ em hoặc gia đình vào hệ thống an sinh nhằm mở rộng diện bao phủ. Với gia đình có con đi học hoặc người phụ thuộc như bố mẹ già, một số nước có chính sách miễn giảm học phí cho con cái, đổi lại người lao động phải tham gia BHXH. Đơn cử, Trung Quốc hỗ trợ tiền cho bố mẹ già để con đóng BHXH.

Liên quan vấn đề này, thông tin với báo chí, ông Bùi Sỹ Lợi – nguyên Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Xã hội của Quốc hội cho biết, ông ủng hộ đề xuất thực hiện “gói trợ cấp gia đình” nhằm hạn chế rút BHXH 1 lần của Ủy ban Xã hội.

“Tôi ủng hộ đề xuất này, nếu làm được thì quá tốt, vấn đề là cần xác định rõ đối tượng, mục tiêu, phương pháp thực hiện, theo đó, cần xác định rõ đối tượng nhận gói trợ cấp là ai, trợ cấp cái gì. Theo tôi, nên ưu tiên trợ cấp, hỗ trợ nhóm lao động mất việc, giảm việc, giảm thu nhập… phải làm rõ đối tượng để tạo sự công bằng. Tiếp theo là trợ cấp những gì, nguồn đâu để trợ cấp. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngân sách nhà nước eo hẹp, việc cân đối ngân sách là rất quan trọng. Cần tính toán, cân đối ngân sách thật phù hợp”, ông Lợi bày tỏ.

Được biết trước đó, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu như: Giảm thời gian đóng BHXH hưởng lương hưu từ 20 xuống còn 15 năm; được hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; được hưởng BHYT do ngân sách nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng.

Ngoài ra, người lao động sau một năm nghỉ việc không nhận BHXH một lần mà tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH thì được hưởng BHYT do quỹ BHXH đóng, thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đóng BHXH của người lao động.

Cùng với đó, người lao động trong thời gian bị mất việc, chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 01/7/2025.

Có thể bạn quan tâm

  • Hạn chế rút BHXH một lần - Cần có nhóm giải pháp đồng bộ hơn

    Hạn chế rút BHXH một lần - Cần có nhóm giải pháp đồng bộ hơn

    03:30, 19/08/2023

  • Hạn chế rút BHXH một lần - Cần có lộ trình

    Hạn chế rút BHXH một lần - Cần có lộ trình

    04:00, 15/07/2023

  • Ngăn chặn rút BHXH một lần: Nên quy định rút một phần không quá 50%

    Ngăn chặn rút BHXH một lần: Nên quy định rút một phần không quá 50%

    04:00, 01/07/2023

  • Ngăn chặn rút BHXH một lần: Thế chấp “sổ BHXH” để vay ngân hàng có khả thi?

    Ngăn chặn rút BHXH một lần: Thế chấp “sổ BHXH” để vay ngân hàng có khả thi?

    04:00, 13/06/2023

  • Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Băn khoăn quy định về rút BHXH một lần

    Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Băn khoăn quy định về rút BHXH một lần

    04:00, 30/04/2023

GIA NGUYỄN