Nhức nhối “thực phẩm bẩn”
Vấn đề thực phẩm bẩn đã trở thành nỗi ám ảnh trong xã hội, việc ngăn chặn vấn nạn này không chỉ để lấy lại lòng tin cho người tiêu dùng mà còn bảo vệ người sản xuất và doanh nghiệp chân chính...
Thời gian qua, liên tiếp các thông tin về các vụ "thực phẩm bẩn" xảy ra tại nhiều nơi khiến nhiều người không khỏi giật mình. Đáng chú ý, các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng cũng liên tục bị cơ quan chức năng phát hiện khiến người dân càng thêm hoang mang, lo lắng.
>>Tết đến… lại canh cánh nỗi lo thực phẩm bẩn
Liên tục phát hiện nhiều vụ việc
Từ đầu tháng 9 đến nay, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn với số lượng lớn. Nhiều lô hàng đã chảy nước, bốc mùi hôi thối. Mới đây nhất, ngày 22/9, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5 thuộc Cục QLTT tỉnh Cao Bằng tiến hành kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát (BKS) 11C-0xx.xx và thu giữ 800kg chân giò lợn không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Làm việc với cơ quan chức năng, ông N.V.Q, người điều khiển chiếc xe ô tô trên, khai nhận là chủ sở hữu của lô hàng. Lô hàng này được ông mua của một số người không rõ tên, địa chỉ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng để vận chuyển vào địa bàn các huyện biên giới bán kiếm lời.
Trước đó, vào ngày 21/9, Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Nghệ An phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra xe ô tô mang BKS 29H-683.49 do ông Phạm Văn Ký trú tại xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá điều khiển. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trên xe có vận chuyển 8.000kg sản phẩm gia cầm là thịt gà đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tại Hà Nội, ngày 20/9, Đội QLTT số 9, Cục QLTT TP. Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Tây Hồ tiến hành kiểm tra phương tiện vận tải mang BKS 29C-905xx đang dừng đỗ bốc xếp hàng hóa tại vỉa hè số 34 đường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội, do ông N.M.T (trú tại tổ 54 cụm 8 phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) là lái xe đồng thời kiêm chủ hàng.
Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 1.250kg cánh gà do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu. Ông T trình bày toàn bộ số hàng hóa trên được mua của một đối tượng không rõ lai lịch về để bán kiếm lợi nhuận.
>>Quảng Ninh: Gần 16 tấn thực phẩm bẩn bị bắt giữ
Cần tăng nặng chế tài xử phạt
Có thể nói, việc bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm vẫn đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Theo các chuyên gia, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cần có những quy định rõ ràng, cụ thể, tăng nặng chế tài xử phạt đối với vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm và có phương án bồi thường cho người tiêu dùng, ngăn chặn triệt để vấn nạn "thực phẩm bẩn".
Nói như đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) phản ánh thực tế là gần như hàng năm đều có các vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm với quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng bị phát hiện, gây hoang mang dư luận, chưa kể các loại thực phẩm bẩn, kém chất lượng tràn lan trên thị trường mà chưa được kiểm soát hiệu quả. Theo đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, những loại thực phẩm này có thể không gây nguy hại ngay cho người tiêu dùng nhưng chẳng khác nào đem tiền mua bệnh mà không biết, bởi sau thời gian dài sử dụng, thực phẩm kém chất lượng là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm. Vì vậy, trong trường hợp này, người tiêu dùng cần được pháp luật bảo vệ theo hướng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, kém chất lượng phải có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh câu chuyện này, luật sư Tạ Anh Tuấn – Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh cho biết, việc đưa "thực phẩm bẩn" ra thị trường để tiêu thụ có nguyên nhân lớn từ những người sản xuất, kinh doanh, vì chạy theo lợi nhuận mà bất chấp hậu quả. Tác hại của thực phẩm kém chất lượng tác động đến xã hội rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Tuấn cho rằng, cần có chế tài xử phạt một cách nghiêm khắc đối với hành vi này để đủ sức răn đe, không để tái diễn, có thể thu hồi giấy phép, cấm hoạt động vĩnh viễn cơ sở sản xuất, kinh doanh, thậm chí xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Cùng với đó, cần nghiên cứu sử dụng một phần giá trị kinh tế từ xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm để hỗ trợ cho các nạn nhân, giảm bớt tổn hại gây ra cho người tiêu dùng.
Cũng theo luật sư Tuấn, cần nhìn nhận trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm và quy trình sản xuất trước khi đưa sản phẩm ra thị trường để từ đó có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn. Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc truy xuất nguồn gốc và các thông tin cơ bản về sản phẩm.
“Bên cạnh đó, hình thành thói quen mua sắm, tiêu dùng thông minh để thực phẩm, nông sản "bẩn", hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không còn cơ hội tồn tại. Đi đôi với việc tuyên truyền về tác hại của "thực phẩm bẩn" cũng cần cung cấp thông tin chính xác, kịp thời đến người tiêu dùng để người dân tự biết bảo vệ mình; lựa chọn các sản phẩm phù hợp và cảnh báo cho cộng đồng biết về những nguy cơ, hành vi sản xuất, kinh doanh gian dối, phi đạo đức”, luật sư Tuấn chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm