Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 6: Cần nhiều hơn vai trò kết nối - dẫn dắt

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN 12/11/2023 05:30

Để thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí trong nước phát triển, doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh việc hỗ trợ thị trường, chính sách được ban hành cần rõ ràng và có sự giám sát thực hiện chặt chẽ…

>> Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 5: Phía sau bài học… nhãn tiền

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, vướng mắc lớn nhất của ngành công nghiệp cơ khí hiện nay là thị trường và chính sách, vì vậy, để có thể thúc đẩy ngành này phát triển vẫn còn đó không ít việc cần phải làm.

Bước tiến còn… chậm

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định, song theo các chuyên gia, công nghiệp cơ khí của Việt Nam phát triển chậm, thậm chí bị tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế.

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định, song theo các chuyên gia, công nghiệp cơ khí của Việt Nam phát triển chậm - Ảnh minh họa

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định, song theo các chuyên gia, công nghiệp cơ khí của Việt Nam phát triển chậm - Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, ngành sản xuất cơ khí của Việt Nam đang mất cân đối về mặt đầu tư của Nhà nước so với các ngành công nghiệp, kinh tế khác.

Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng hơn 20.000 doanh nghiệp cơ khí nội địa (không tính doanh nghiệp FDI) đang sản xuất, kinh doanh để tồn tại và phát triển. Những doanh nghiệp cơ khí có số lượng cán bộ nhân viên từ 500 người trở lên còn rất ít (chỉ khoảng 100 doanh nghiệp), còn lại đa phần là doanh nghiệp cơ khí có quy mô nhỏ.

Chưa kể, mặc dù là ngành giữ vai trò hạ tầng kỹ thuật cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và an ninh quốc phòng nhưng công nghiệp cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 30% nhu cầu thị trường nội địa. Trình độ kỹ thuật của các doanh nghiệp cơ khí hiện nay còn khá lạc hậu, đặc biệt là so với các quốc gia trong khu vực.

Chia sẻ về thực trạng của ngành công nghiệp cơ khí trước đó, ông Nguyễn Chỉ Sáng – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) thừa nhận, thị phần dành cho các sản phẩm cơ khí của các doanh nghiệp trong nước còn rất khiêm tốn, tỷ trọng sản phẩm xuất nhập khẩu của ngành cơ khí phần lớn vẫn thuộc về khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI).

“Công nghiệp cơ khí trong nước chưa có mặt hàng truyền thống, trong khi các doanh nghiệp vẫn ngại thay đổi quy mô sản xuất. Sản phẩm cạnh tranh chủ yếu bằng giá nhân công, nguyên liệu vật tư lại phụ thuộc vào nước ngoài. Trong quá trình tìm kiếm thị trường, doanh nghiệp cơ khí không có đại diện bán hàng theo khối, liên kết lỏng lẻo trong quá trình tìm kiếm khách hàng. Ngoài ra, những hạn chế về thương mại điện tử, thiếu kiến thức về Luật Thương mại quốc tế của doanh nghiệp cơ khí đã khiến các khách hàng nước ngoài chưa hài lòng”, ông Sáng chia sẻ.

>> Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 4: Trăn trở của người trong cuộc

Vì vậy, doanh nghiệp kỳ vọng chính sách được ban hành sẽ được đa dạng và bám sát hơn vào thực tế hoạt động của các doanh nghiệp ngành cơ khí - Ảnh minh họa

Vì vậy, doanh nghiệp kỳ vọng chính sách được ban hành sẽ được đa dạng và bám sát hơn vào thực tế hoạt động của các doanh nghiệp ngành cơ khí - Ảnh minh họa

Doanh nghiệp kỳ vọng…

Mục tiêu Chiến lược Phát triển ngành cơ khí Việt Nam theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/03/2018 của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đề ra, đến năm 2025 ngành cơ khí được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào giá trị toàn cầu; giai đoạn đến năm 2030 đạt 40% tổng sản lượng ngành cơ khí, đến năm 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí.

Để đạt được mục tiêu Chiến lược mà Quyết định số 319/QĐ-TTg đã đề ra, ông Lê Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) đề xuất Chính phủ, xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có lộ trình đến năm 2035 với mức thuế suất với các lô hàng, sản phẩm xuất khẩu đến năm 2025 là 0%, từ 2025 đến 2030 là 5%, sau 2030 là 10%; Xem xét miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các doanh nghiệp cơ khí hoạt động trong lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn;

Xem xét miễn giảm tiền thuê đất có lộ trình đối với các cơ sở chế tạo: Miễn tiền thuê đất trong vòng 10 năm đầu tiên với các cơ sở thiết lập mới, giảm một phần tiền thuê đất đối với các cơ sở thiết lập mới sau 10 năm và các cơ sở chế tạo đã được thiết lập đang hoạt động;…

Về tín dụng, ngân hàng, xem xét các gói tín dụng ngân hàng với lãi suất thấp, ổn định áp dụng cho vay dài hạn để đầu tư các cơ sở vật chất và ngắn hạn sử dụng để vận hành sản xuất, chế tạo; Xem xét thành lập cơ quan chủ quản ngang cấp tổng cục để quy hoạch, quản lý, điều hành giám sát, xây dựng cơ sở dữ liệu, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại... kịp thời với mục đích thúc đẩy phát triển ngành cơ khí tại Việt Nam.

Nhanh chóng hoàn thiện đồng bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các sản phẩm cơ khí theo tiêu chuẩn quốc tế; Ban hành quy định và giám sát chặt chẽ đối với lao động nhập cư trình độ cao tham gia lĩnh vực chế tạo cơ khí tại Việt Nam; Quy định rõ ràng và giám sát thực hiện chặt chẽ, nghiêm minh đối với các dự án đầu tư tại Việt Nam không phân biệt nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, tư nhân, FDI… nếu các phần việc chế tạo cơ khí trong nước có thể chế tạo, sản xuất được bắt buộc do các doanh nghiệp cơ khí trong nước thực hiện. Việc này phải được xem xét và phê duyệt ngay từ giai đoạn lập, quy hoạch và phê duyệt dự án đầu tư…

Cùng với các đề xuất đã nêu, vị này cũng mong muốn, Tổng hội cơ khí, Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam với vai trò trung gian, cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp cơ khí cần nâng cao, tham gia sâu với vai trò định hướng, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp cơ khí.

Nhìn từ thực tế địa phương, ông Đinh Hồng Quân – Chủ tịch Hội các Doanh nghiệp cơ khí tỉnh Bắc Giang cũng đề xuất, các cơ quan quản lý cùng cộng đồng doanh nghiệp chung tay bàn chủ trương khai thác triệt để quỹ đất trong cụm công nghiệp và ngoài cụm công nghiệp; Xây dựng những tiêu chí cụ thể về thủ tục hành chính để giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian thực hiện; Sớm có những chính sách cụ thể Quyết định số 319/QĐ-TTg về Chiến lược Phát triển ngành cơ khí Việt Nam.

Bài 7: Nhìn sang… nước bạn

Có thể bạn quan tâm

  • Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 5: Phía sau bài học… nhãn tiền

    Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 5: Phía sau bài học… nhãn tiền

    05:30, 11/11/2023

  • Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 4: Trăn trở của người trong cuộc

    Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 4: Trăn trở của người trong cuộc

    05:30, 10/11/2023

  • Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 3: Vướng mắc từ đâu?

    Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 3: Vướng mắc từ đâu?

    14:20, 09/11/2023

  • Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 2: Khai thác chưa đạt… kỳ vọng

    Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 2: Khai thác chưa đạt… kỳ vọng

    05:10, 08/11/2023

  • Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 1: “Mảnh đất vàng” giàu tiềm năng

    Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 1: “Mảnh đất vàng” giàu tiềm năng

    05:15, 07/11/2023

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN