Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí – Bài 8: Giải pháp nào cho Việt Nam?
Bên cạnh các chủ trương, chính sách đã ban hành, để phát triển ngành công nghiệp cơ khí quốc gia, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm có một hành lang pháp lý nhất quán, toàn diện…
>> Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí – Bài 7: Nhìn sang… nước bạn
Như đã thông tin, để có một nền công nghiệp cơ khí phát triển, đủ sức cạnh tranh, các nước trong khu vực đã có những chính sách nhất quán từ việc coi cơ khí là ngành mũi nhọn, cho đến việc chú trọng đào tạo nguồn nhân lực,… vậy, từ những bài học đã có, Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp cơ khí quốc gia?
Hoàn thiện hành lang pháp lý…
Mặc dù đã có những bước tiến và đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên theo các chuyên gia, nếu không có những cơ chế, chính sách phù hợp cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành thì việc tồn tại của doanh nghiệp cơ khí cũng là vấn đề khó khăn chứ chưa nói đến phát triển. Vì vậy, để có thể thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí quốc gia phát triển, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, hiện thực hóa Chiến lược phát triển cơ khí Việt Nam theo tinh thần Quyết định 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí, TS. Nguyễn Chỉ Sáng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí (VAMI) trước đó cho rằng, về thị trường, với các chương trình đầu tư lớn trong các ngành kinh tế như thủy điện, nhiệt điện, hóa chất, bô xít, đường sắt cao tốc, đường tàu điện ngầm, khai thác chế biến than và khoáng sản, đóng tàu, chống ngập mặn, cơ khí phục vụ giao thông cầu đường, cần xây dựng lộ trình về nội địa hóa;
Với các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công cần tách phần công việc trong nước có thể thực hiện để đấu thầu trong nước. Với các gói thầu trong nước chưa hoàn toàn có khả năng thực hiện, cho phép đấu thầu trong nước với điều kiện nhà thầu trong nước được liên doanh với nhà thầu nước ngoài có đủ năng lực để làm chủ công nghệ;
Chỉ đạo các ngân hàng thu xếp vốn cho phần công việc chế tạo trong nước tại các dự án công nghiệp trọng điểm; Có chính sách tín dụng ưu đãi cho người mua, cho các dự án đầu tư sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước; Xây dựng rào cản kỹ thuật với máy móc trong nước đã có khả năng chế tạo; Kết nối, hỗ trợ để các doanh nghiệp cơ khí cơ cơ hội trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước;...
>> Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 6: Cần nhiều hơn vai trò kết nối - dẫn dắt
Bên cạnh đó, về chính sách thu hút đầu tư, TS. Nguyễn Chỉ Sáng cũng đề xuất, cần có chính sách cho thuê đất với giá ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực cơ khí; Tạo quỹ cho vay vốn cho các doanh nghiệp cơ khí với lãi suất thấp.
“Về chính sách thuế, miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, cụm thiết bị dùng để chế tạo máy móc thiết bị thay thế nhập khẩu; Sửa đổi luật thuế Giá trị gia tăng và thuế Thu nhập doanh nghiệp: Với máy nông nghiệp và chế biến nông sản thực phẩm, thuế giá trị gia tăng bằng 0%, thuế thu nhập doanh nghiệp là 10%, cho phép doanh nghiệp giữ lại 50% thuế thu nhập doanh nghiệp để làm quỹ nghiên cứu phát triển.
Tạo hàng rào thuế quan (xác định thuế suất nhập khẩu 10%-20%) đối với các sản phẩm cơ khí chế tạo như nhiều loại khuôn mẫu, máy móc, thiết bị công nghiệp mà trong nước đã sản xuất đạt chất lượng tương đương hàng nhập khẩu; Với công nghiệp ô tô, không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng ô tô sản xuất trong nước. Không tính thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện phụ để sản xuất linh kiện nội địa hóa trong nước;...”, ông Sáng đề xuất.
Để doanh nghiệp được tham gia vào công tác xây dựng cơ chế, chính sách, ông Sáng cũng kiến nghị, Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí cần được tham gia đóng góp ý kiến trong việc hoạch định các chính sách về phát triển cơ khí, các dự án phát triển kinh tế lớn của đất nước bắt buộc phải tham vấn, lấy ý kiến của Hiệp hội về việc nội địa hóa các hạng mục thiết bị.
… có chính sách đặc thù
Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, để thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí, chuyên gia cũng đề xuất, cần có chính sách đặc thù.
Theo ông Đinh Hồng Quân - Hội các Doanh nghiệp Cơ khí tỉnh Bắc Giang, để phát triển bền vững công nghiệp cơ khí trong nước, Nhà nước cần có chính sách đặc thù, vì nếu doanh nghiệp đầu tư cho cơ khí có trang thiết bị trình độ công nghệ 3.0, 4.0, mà phải vay với lãi suất như các ngành kinh tế khác, sẽ khó thực hiện được mục tiêu nâng cao nội lực cho cơ khí Việt Nam, chứ chưa nói đến việc cạnh tranh với các nước.
Bên cạnh đó, để bảo vệ thị trường trong nước, giống như các quốc gia trên thế giới đã và đang chủ động thực hiện, Nhà nước cần chỉ đạo và thực hiện mạnh mẽ, việc dùng hàng rào kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa,… Cần xem xét việc bình đẳng các ưu đãi đầu tư giữa doanh nghiệp cơ khí trong nước và doanh nghiệp FDI.
Ngoài ra, Nhà nước cần tạo nhiều đơn hàng cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, nhất là các dự án đầu tư công. Đồng thời, chủ đầu tư các dự án có quy mô lớn (không phân biệt nguồn vốn) tại Việt Nam phải có phụ lục, tách riêng những phần việc để dành cho doanh nghiệp trong nước tham gia đấu thầu thực hiện. Bên cạnh đó, để giúp lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo kịp thời xây dựng và phát triển công nghiệp cơ khí nội địa, Việt Nam cần hình thành ngay một đầu mối nghiên cứu các cơ chế chính sách và quản lý nhà nước nguồn tài lực dành cho phát triển công nghiệp cơ khí Việt Nam, không tính doanh nghiệp FDI như cách tính gộp lâu nay.
“Đặc biệt, cần có quy định chặt chẽ tỷ lệ hợp lý trong khối lượng và giá trị dự án để bảo đảm dành cho doanh nghiệp cơ khí nội địa tham gia như thông lệ quốc tế, nhằm mục tiêu không cần phải mua toàn bộ từ nước ngoài, mà khuyến khích nhận chuyển giao công nghệ để tự làm”, ông Quân nhấn mạnh.
Cùng với các đề xuất đã nêu, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp cơ khí quốc gia trong thời gian tới, ông Quân cũng cho rằng, cần có cơ chế, chính sách để đẩy nhanh kết nối, chuyển giao công nghệ từ các nhà cung cấp công nghệ tiên tiến trên thế giới và chú trọng đến các công nghệ mới của các mạng công nghiệp 4.0, vì đây sẽ là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi đột phá về mặt công nghệ, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.
Đồng thời, cần đầu tư nguồn lực con người, đào tạo nhân lực về quản lý, công nghệ và kỹ năng; tập trung vào các hoạt động, dịch vụ và sản phẩm có giá trị tăng thêm cao, tái lập các quá trình sản xuất, kinh doanh trên cơ sở áp dụng kỹ thuật, phương pháp, công cụ năng suất và chất lượng.
Có thể bạn quan tâm
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí – Bài 7: Nhìn sang… nước bạn
05:30, 13/11/2023
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 6: Cần nhiều hơn vai trò kết nối - dẫn dắt
05:30, 12/11/2023
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 5: Phía sau bài học… nhãn tiền
05:30, 11/11/2023
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 4: Trăn trở của người trong cuộc
05:30, 10/11/2023
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 3: Vướng mắc từ đâu?
14:20, 09/11/2023
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 2: Khai thác chưa đạt… kỳ vọng
05:10, 08/11/2023
Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 1: “Mảnh đất vàng” giàu tiềm năng
05:15, 07/11/2023