Sửa Nghị định 132/2020: Cần lắng nghe và tháo gỡ kịp thời

GIA NGUYỄN 18/11/2023 04:00

Trước hiện trạng khó khăn của doanh nghiệp từ bất cập chính sách, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cần lắng nghe và tháo gỡ kịp thời Nghị định 132/2020/NĐ-CP…

>> Doanh nghiệp "đỏ mắt" chờ sửa Nghị định 132/2020

Theo đó, mục tiêu ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP là nhằm chống chuyển giá đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có giao dịch liên kết, tuy nhiên, sau 3 năm thực thi, Nghị định này đã bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó phải kể đến quy định khống chế chi phí lãi vay chỉ ở mức 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ. Điều này đã gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.

Nghị định 132/2020/NĐ-CP đã và đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp - Ảnh minh họa: ITN

Những bất cập của Nghị định 132/2020/NĐ-CP đã và đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp - Ảnh minh họa: ITN

Không ít ý kiến cho rằng, phần lớn doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay là nhỏ và vừa, mới khởi nghiệp nên nguồn vốn ngân hàng là kênh chính để đầu tư, phát triển. Việc quy định giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, từ đó áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đầu tư, đổi mới là sống còn cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng cũng như nền kinh tế của đất nước nói chung. Việc áp trần chi phí lãi vay này sẽ khiến doanh nghiệp không có đủ tiềm lực hoặc ngại đầu tư, đổi mới công nghệ.

Đáng nói, trong giai đoạn cuối 2022, đầu năm 2023, một lượng không nhỏ các doanh nghiệp buộc phải cơ cấu lại vốn vay trái phiếu thông qua vay ngân hàng, dẫn đến tỷ lệ này vượt khá nhiều so với mức 30%, càng khiến doanh nghiệp khó hơn trong việc xoay xở dòng tiền.

Chia sẻ về những tồn tại xoay quanh Nghị định 132/2020/NĐ-CP, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, mục tiêu của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP là nhằm hạn chế giao dịch liên kết giữa các doanh nghiệp, ngăn chặn nguy cơ chuyển giá, gian lận thuế. Trước đây mục tiêu của chúng ta thường hướng vào các doanh nghiệp FDI với những quan hệ tài chính phức tạp, có sự khác biệt về mức thuế suất giữa các địa điểm hoạt động.

Trong khi đó, quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp nếu điều chỉnh theo cách giải thích này thực ra là hướng đến chống vốn mỏng, một mục tiêu hoàn toàn khác. Bởi quy định các bên liên kết bao gồm cả trường hợp ngân hàng cho doanh nghiệp vay nếu khoản vay từ 25% vốn góp và trên 50% nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay cũng bị khống chế trần chi phí lãi vay.

>> 14 Hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị “gỡ vướng” về định mức chi phí tái chế

Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cần lắng nghe và đưa ra các giải pháp tháo gỡ kịp thời - Ảnh minh họa: ITN

Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cần lắng nghe và đưa ra các giải pháp tháo gỡ kịp thời - Ảnh minh họa: ITN

Theo ông Tuấn, thực tế, các doanh nghiệp trong nước rơi vào trường hợp này rất nhiều vì thường vốn của doanh nghiệp là vốn vay ngân hàng trung và dài hạn (khác với nhiều nước khác thì vốn vay ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn). Quy định này chưa phù hợp thực tiễn bởi hiện nay ở Việt Nam, thị trường vốn chưa thực sự phát triển, chưa phải là kênh huy động vốn phổ biến, doanh nghiệp vẫn chủ yếu dựa nhiều vào ngân hàng, sống bằng tín dụng ngân hàng.

Cho nên, nếu diễn giải ngân hàng như là một bên trong quan hệ liên kết khi khoản vay vốn ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu và chiếm 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn thì chắn chắn diện doanh nghiệp phải áp dụng hiện nay cực lớn. Doanh nghiệp muốn tìm nguồn vốn hoạt động ngoài ngân hàng thì tìm ở đâu? Đó là chưa tính đến sự bất lợi về lãi suất ngân hàng mà doanh nghiệp Việt vay luôn cao hơn các quốc gia cạnh tranh trong khu vực.

“Các năm trước, khi mặt bằng lãi suất ổn định ở mức trung bình thấp, chi phí lãi vay của hầu hết các doanh nghiệp đều dưới mức 30% này. Cuối năm 2022, đầu năm 2023, mặt bằng lãi suất tăng mạnh do biến động kinh tế vĩ mô, ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, chống mất giá đồng tiền Việt Nam và giữ an toàn hệ thống ngân hàng. Lúc này, chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp vượt mức 30% cho phép của Nghị định 132/2020/NĐ-CP. Hệ quả là các doanh nghiệp này bị giảm chi phí được trừ khi tính thuế và phải nộp thêm thuế.

Tổng cục Thuế nên nhanh chóng lắng nghe doanh nghiệp, đối thoại với doanh nghiệp và có phương án tháo gỡ kịp thời. Đây là một giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà có tác động lớn và hiệu quả cao, đặc biệt với các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang rất khó khăn trong vấn đề dòng tiền”, ông Tuấn bày tỏ.

Còn theo TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quộc hội, Chủ tịch VIAC, đối với việc sửa Nghị định 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế với giao dịch liên kết thì phải khẩn trương sửa nhanh, đặc biệt là việc nâng trần tỷ lệ chi phí lãi vay của doanh nghiệp. Hiện số lượng doanh nghiệp bị thua lỗ, thu hẹp hoạt động, sa thải người lao động vẫn đang diễn ra nhiều, vì vậy, các bộ ngành cần phải khẩn trương, làm nhanh hơn, nhất là Chính phủ đã đồng ý để sửa đổi những quy định chưa phù hợp thực tế.

“Đằng sau mỗi doanh nghiệp là số phận của rất nhiều hộ gia đình và có thể lên đến hàng triệu người dân. Một chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được đưa ra chính là đảm bảo công ăn việc làm, an sinh xã hội cho hàng triệu người dân chứ không phải là gỡ khó cho mình ông chủ doanh nghiệp. Càng để chậm trễ doanh nghiệp càng khó khăn thì càng tạo ra nhiều hệ lụy về kinh tế và cả an sinh xã hội nói chung”, ông Lộc bày tỏ.

Được biết, thấu hiểu các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp từ bất cập của chính sách, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết và báo cáo Thủ tướng về việc sửa đổi trong quý IV năm nay. Cho đến nay, sau gần 4 tháng triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thuế đã xây dựng xong Dự thảo Báo cáo tổng kết việc thi hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP và đang hoàn thiện các hồ sơ để báo cáo Bộ Tài chính có văn bản xin ý kiến các Bộ ngành liên quan theo đúng tinh thần, nội dung và tiến độ mà Chính phủ đã chỉ đạo tại Nghị quyết số 105/NQ-CP.

Có thể bạn quan tâm

  • 5 giải pháp của NHNN nhằm gỡ khó khăn, vướng mắc cho vay bất động sản

    5 giải pháp của NHNN nhằm gỡ khó khăn, vướng mắc cho vay bất động sản

    16:59, 13/11/2023

  • Bình Dương tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

    Bình Dương tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

    21:27, 10/11/2023

  • Doanh nghiệp địa ốc và nỗi lo vướng mắc pháp lý

    Doanh nghiệp địa ốc và nỗi lo vướng mắc pháp lý

    15:04, 09/11/2023

  • Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 3: Vướng mắc từ đâu?

    Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 3: Vướng mắc từ đâu?

    14:20, 09/11/2023

  • Chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp DDI

    Chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp DDI

    07:30, 07/11/2023

GIA NGUYỄN