Với quan điểm lợi ích hài hòa, khó khăn cùng chia sẻ, tỉnh Vĩnh Phúc luôn đồng hành tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, coi các doanh nghiệp đầu tư tại Vĩnh Phúc là công dân của mình.
Đó là nhận định của ông Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi “Gặp gỡ doanh nhân chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” do UBND tỉnh tổ chức mới đây.
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến ngày 15/10, toàn tỉnh có 1.246 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 14.400 tỷ đồng, tăng 11% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh số doanh nghiệp thành lập mới, có 318 doanh nghiệp quay trở lại thị trường (cùng kỳ năm 2022 là 364 doanh nghiệp).
Hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng khởi sắc với số vốn đăng ký tăng cao so với cùng kỳ năm trước. 10 tháng đầu năm 2023, tỉnh thu hút gần 558 triệu USD vốn đầu tư FDI, tăng 34,82% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 139,4% kế hoạch. Đồng thời, thu hút vốn đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) đạt hơn 21 nghìn tỷ đồng, bằng 215,5% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt 4,26 lần so với kế hoạch năm 2023.
Các dự án thu hút DDI của Vĩnh Phúc có mặt ở hầu hết các khu công nghiệp và trải rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc nhận định, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các nhà đầu tư trực tiếp trong nước trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Minh chứng, số lượng doanh nghiệp thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh vẫn còn cao. Cụ thể, trong 10 tháng 2023, Vĩnh phúc có 673 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 31,45% so với cùng kỳ năm trước và 114 doanh nghiệp đã hoàn tất việc giải thể, tăng 67,6%.
Hơn nữa theo kết quả khảo sát năm 2022 về năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của tỉnh Vĩnh Phúc, có 64% số doanh nghiệp DDI đã từng hoặc đang liên kết với các doanh nghiệp FDI.
Các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh là khách hàng quan trọng nhất của doanh nghiệp DDI tham gia khảo sát, chiếm 75%, còn lại là các doanh nghiệp FDI tại các tỉnh khác, chủ yếu ở các tỉnh lân cận.
Trong khi đó, điểm yếu của các doanh nghiệp DDI là năng lực hạn chế, thiếu chủ động trong tìm kiếm, liên kết, hầu hết phụ thuộc vào việc khách hàng FDI tự tìm đến. Ít doanh nghiệp có bộ phận, nhân sự chuyên trách tìm kiếm, phân tích thông tin thị trường, tìm kiếm khách hàng mới; kể cả các thông tin, chính sách, chương trình hỗ trợ của địa phương, tham gia các sự kiện liên kết, kết nối.
Đặc biệt, các doanh nghiệp DDI cũng ít tham gia các hội, hiệp hội, nhóm doanh nghiệp sinh hoạt chung. Tốc độ đổi mới công nghệ và thành lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp còn hạn chế. Tỷ lệ đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt 16,9%; 70% số doanh nghiệp có trình độ công nghệ trung bình...
Do đó, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp DDI, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh tiếp tục duy trì các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, tổ giúp việc cho Chủ tịch UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, hoàn thiện Đề án về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, thu hút các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn trong và ngoài nước đến Vĩnh Phúc đầu tư để giúp các DDI có thêm khách hàng lớn.
Thực hiện triển khai có hiệu quả các chương trình: xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đồng thời rà soát các FTA, các hiệp định đang có hiệu lực, đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc về thị trường, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu; tăng cường tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các hoạt động xuất nhập khẩu.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tăng cường kiểm tra hàng giả, hàng kém chất lượng, quản lý giá cả thị trường. Đa dạng, phát triển các loại hình vận tải và dịch vụ vận tải theo hướng hiện đại nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều nỗ lực trong triển khai công tác hỗ trợ liên kết, kết nối các doanh nghiệp DDI của tỉnh với các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp đầu chuỗi. Tỉnh ban hành văn bản, cụ thể hóa các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ trong quản lý và thu hút đầu tư để đảm bảo các doanh nghiệp FDI có sự liên kết và chuyển giao công nghệ cũng như tạo ra những lan tỏa cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách của tỉnh về khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn; xây dựng chính sách tạo lập môi trường khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp.
“Cùng với đó, triển khai nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ như: Đổi mới công nghệ, hệ thống quản lý, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, tiếp cận vốn vay, đất đai mặt bằng sản xuất kinh doanh, tổ chức các hội chợ, xúc tiến thương mại, pháp lý và tư vấn về thị trường quốc tế... nhằm cải thiện và thu hẹp khoảng cách về trình độ giữa các doanh nghiệp DDI và doanh nghiệp FDI; nâng cao khả năng đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp DDI để tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, hướng tới chuỗi cung ứng toàn cầu” ông Độ cho hay.
Có thể bạn quan tâm
06:17, 06/11/2023
04:00, 02/11/2023
04:00, 31/10/2023
10:11, 27/10/2023