Sửa Luật Thủ đô: Cần thiết bổ sung quy định về quy hoạch đô thị ven sông

GIA NGUYỄN 28/11/2023 04:00

Để nâng tầm cảnh quan không gian và phát triển Hà Nội văn minh, hiện đại, góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), một số ý kiến cho rằng, cần thiết bổ sung quy định về quy hoạch đô thị ven sông…

>> Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc quy định về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất

Theo đó, Hà Nội đang xây dựng Quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lập Đề án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Định hướng về tổ chức không gian trong các quy hoạch lớn Hà Nội đang triển khai, sông Hồng được xác định là một trong 5 trục quan trọng với định hướng phát triển không gian xanh, cảnh quan trung tâm của thành phố, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông.

Nhìn nhận về nội dung đã nêu, theo các chuyên gia, định hướng này sẽ là “điểm tựa” để đưa sông Hồng trở thành khung thiên nhiên, điểm nhấn đặc sắc của đô thị Hà Nội trong tương lai.

Quy hoạch đưa sông Hồng trở thành khung thiên nhiên, điểm nhấn đặc sắc của đô thị Hà Nội trong tương lai - Ảnh minh họa: ITN

Quy hoạch đưa sông Hồng trở thành khung thiên nhiên, được cho là điểm nhấn đặc sắc của đô thị Hà Nội trong tương lai - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế cho thấy, sau nhiều năm chờ đợi, quy hoạch phân khu sông Hồng đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tháng 4/2022, tuy nhiên, để quy hoạch này thành hiện thực, bên cạnh sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ của chính quyền Thủ đô, các bộ, ngành,... một số ý kiến cho rằng, việc này cần được thể chế hóa trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên bày tỏ nhất trí cao với các nội dung của Dự thảo Luật (sửa đổi) đã đưa ra như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Theo vị đại biểu này, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, năng lực cạnh tranh quốc gia chính là năng lực cạnh tranh của các đô thị lớn, nơi tập trung tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao. Thủ đô Hà Nội cùng với các đô thị lớn của nước ta như: TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ đang gánh vác những trọng trách như vậy.

>> Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc các chính sách về liên kết và phát triển Vùng Thủ đô

Tuy nhiên, để hiện thực hóa định hướng này, một số ý kiến cho rằng, cần

Tuy nhiên, để hiện thực hóa định hướng này, một số ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần thiết bổ sung quy định về quy hoạch đô thị ven sông - Ảnh minh họa: ITN

Đánh giá cao các quy định về phân cấp, phân quyền cho chính quyền Thủ đô trong quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô, bảo đảm thực hiện quy hoạch, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan. Đồng thời xây dựng, tái thiết đô thị để thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW về tập trung triển khai quy hoạch đầu tư xây dựng ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống, quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng, tạo sự linh hoạt cho thành phố.

Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, cần thiết bổ sung vào Dự thảo Luật (sửa đổi) một điều khoản để việc quy hoạch đô thị ven sông Hồng, sông Đuống trở thành một điểm đột phá, nâng tầm cảnh quan không gian và phát triển Hà Nội văn minh, hiện đại hơn.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, thông tin với báo chí, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội trong việc phát huy vị thế của sông Hồng trong phát triển Thủ đô nói riêng, đất nước nói chung.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, để làm được điều đó, chắc chắn chúng ta cần có những cơ chế đặc thù để phát huy được những tiềm năng của sông Hồng. Điều thuận lợi là chúng ta đang sửa Luật Thủ đô cũng như nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của Hà Nội, với tư tưởng “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”, và phương châm tăng cường phân cấp, phân quyền để Hà Nội đạt được những mục tiêu của mình.

“Hà Nội hiện đang có khát vọng khai thác hệ thống sông Hồng để phát triển và tạo ra những khu vực ven sông đẹp mắt, văn hóa đa năng, nhưng vướng mắc về Luật Đê điều là một trong những rào cản lớn đối với thành phố. Để thực hiện khát vọng này, việc áp dụng cơ chế đặc thù có thể là một giải pháp hữu ích để Hà Nội phát huy lợi thế đô thị ven sông Hồng. Tuy nhiên, việc thiết lập cơ chế đặc thù cần cân nhắc kỹ lưỡng và phải tuân thủ các quy định pháp luật và bảo vệ môi trường hiện hữu…”, ông Sơn bày tỏ.

Được biết, vai trò mới của sông Hồng với Thủ đô Hà Nội đã và đang được hoạch định trên nhiều khía cạnh, trong đó có khả năng tiếp cận. Phương tiện tiếp cận đến không gian này sẽ là giao thông xanh, đi bộ, kết nối với cây xanh và gia tăng kết nối xuyên suốt hai bên sông.

Về yêu cầu kết nối, hạ tầng giao thông tiếp cận được xây dựng gồm giao thông dọc sông, cầu qua sông, tuyến đường thủy dọc sông... gắn với các giải pháp bảo đảm hành lang thoát lũ và thích ứng với điều kiện thủy văn. Những tổ hợp kiến trúc điểm nhấn dọc sông Hồng được phát triển đồng thời với kiểm soát chặt sự chuyển đổi các khu vực hiện hữu.

Hệ thống đường bộ trong các định hướng quy hoạch sẽ theo hướng mở rộng mặt cắt, nâng cấp hạng đường các tuyến đường đê hai bên sông thành 4-6 làn xe; xây dựng 2 tuyến đường trục chính đô thị quy mô 6-8 làn xe kết nối giao thông dọc sông Hồng. Ngoài ra, sẽ hình thành tuyến monorail (tàu điện 1 ray) hỗ trợ kết nối dọc trục sông tại một số khu vực tập trung nhiều chức năng hoạt động để phục vụ nhu cầu du lịch và trải nghiệm cho người dân.

Đặc biệt, hệ thống giao thông các khu đô thị mới, khu du lịch giải trí dọc sông Hồng cũng được liên kết với các trục đường chính đô thị cũng như khu dân cư hiện hữu.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc quy định về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất

    Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc quy định về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất

    04:00, 27/11/2023

  • Đánh giá toàn diện 10 năm thi hành Luật Thủ đô

    Đánh giá toàn diện 10 năm thi hành Luật Thủ đô

    00:06, 27/11/2023

  • Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc các chính sách về liên kết và phát triển Vùng Thủ đô

    Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc các chính sách về liên kết và phát triển Vùng Thủ đô

    04:00, 26/11/2023

  • Sửa Luật Thủ đô: Cần chính sách cụ thể cho phát triển “công nghiệp văn hóa”

    Sửa Luật Thủ đô: Cần chính sách cụ thể cho phát triển “công nghiệp văn hóa”

    04:00, 21/11/2023

  • Sửa Luật Thủ đô: Cần thiết có quy định ưu tiên áp dụng Luật?

    Sửa Luật Thủ đô: Cần thiết có quy định ưu tiên áp dụng Luật?

    04:00, 20/11/2023

GIA NGUYỄN