Báo động vi phạm pháp luật về đê điều (Kỳ 3): Phân lô, bán nền tại “vùng cấm”

NGUYỄN GIANG 29/07/2020 11:00

Dự án đất dịch vụ dành cho hàng nghìn hộ dân được triển khai tại “vùng cấm” (xã Phụng Công, huyện Văn Giang, Hưng Yên), đáng nói, Bộ NN&PTNT chưa đồng ý nhưng đến nay dự án vẫn được hoàn thiện.

Được biết, Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ liền kề xã Phụng Công được triển khai để dành cho cho các hộ dân có hơn 1/3 diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi sang đất dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên và khu đô thị Ecopark. Ngày 28/2/2019, UBND xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên tổ chức lễ khởi công và dự kiến sẽ bàn giao cho 1.430 hộ dân trong năm 2020.

br class=

Bất chấp các quy định của Luật Đê điều, UBND xã Phụng Công vẫn để nhà thầu thi công và đến nay đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật…

Bất chấp Luật Đê điều

Theo tìm hiểu của PV, ngay sau khi phát hiện ra việc dự án được thực hiện thiếu các thủ tục pháp lý, Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản, đồng thời yêu cầu dừng thi công dự án.

Theo đó, ngày 29/10/2019, Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên đã chủ trì tổ chức hội nghị xem xét đề nghị của UBND xã Phụng Công, huyện Văn Giang tại Tờ trình số 79/TTr - UBND ngày 27/9/2019, tham dự gồm các Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hưng Yên.

Kết luận tại hội nghị, Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên yêu cầu: UBND xã Phụng Công có báo cáo, tổng hợp hoàn chỉnh đầy đủ hồ sơ về dự án, đồng thời phải có văn bản đề nghị UBND tỉnh có văn bản xin ý kiến thỏa thuận với Bộ NN&PTNT. Giao Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão hướng dẫn UBND xã Phụng Công hoàn thiện các thủ tục liên quan để xin ý kiến thỏa thuận với Bộ NN&PTNT.

Theo đó, trong khi chờ hoàn thiện hồ sơ và xin ý kiến thỏa thuận với Bộ NN&PTNT, yêu cầu UBND xã Phụng Công chỉ đạo các đơn vị liên quan tạm dừng thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ liền kề.

Thông tin với cơ quan báo chí tại thời điểm này, ông Nguyễn Văn Kình - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên cũng nhấn mạnh: Dự án vẫn chưa được thỏa thuận của Bộ NN&PTNT, Sở đã chỉ đạo dừng hoạt động tuyệt đối tại dự án này, đồng thời yêu cầu nộp hồ sơ và phải ghi rõ cái nào có, cái nào chưa có để còn tháo gỡ…

Thế nhưng, bất chấp các quy định của Luật Đê điều, UBND xã Phụng Công vẫn để nhà thầu thi công và đến nay đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật…

Bộ đã “tuýt còi”…

Theo tìm hiểu của PV, tại văn bản số 3686/BNN-PCTT ngày 02/6/2020 của Bộ NN&PTNT, ý kiến đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dịch vụ xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên nêu rõ: “Theo hồ sơ kèm tờ trình số 38/TTr-UBND ngày 28/4/2020 của UBND tỉnh Hưng Yên, Dự án đã triển khai thi công từ tháng 7/2017 đến tháng 1/2020. Trong quá trình thi công các hạng mục, cơ quan chuyên môn về quản lý đê điều của tỉnh đã lập biên bản và ra quyết định tạm đình chỉ hành vi vi phạm luật đê điều. Tuy nhiên, đơn vị thi công không chấp hành và cố tình thi công xây dựng”.

Tại văn bản này, Bộ NN&PTNT cũng nhấn mạnh: Bộ NN&PTNT đã có văn bản số 1586/BNN-PCTT gửi UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị khẩn trương ngăn chặn và xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên xử lý dứt điểm hành vi vi phạm nêu trên trước khi xem xét các thủ tục liên quan đến dự án theo quy định của pháp luật về đê điều.

Cũng tại văn bản này, Bộ NN&PTNT yêu cầu tỉnh Hưng Yên điều tra, xác minh các tổ chức, các nhân vi phạm; trường hợp xác định đủ điều kiện cấu thành hành vi phạm tội cần xử lý hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. Đồng thời tỉnh Hưng Yên phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong việc để xảy ra vi phạm trên địa bàn.

Thông tin với Diễn đàn Doanh nghiệp sáng ngày 28/7, ông Phạm Đức Luận, Vụ trưởng Vụ Đê điều (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT) cho hay: “Tại Hưng Yên vi phạm diễn ra tràn lan không riêng gì huyện Văn Giang, thậm chí có những sai phạm to “vật vã” như tại tuyến đê thuộc địa bàn huyện Kim Động. Bộ NN&PTNT liên tục có các văn bản đôn đốc UBND tỉnh Hưng Yên xử lý dứt điểm những vi phạm này...”, ông Luận cho biết.

Vậy, do đâu mà sai phạm tại Hưng Yên không bị xử lý? Đó là buông lỏng quản lý hay cố tình “tiếp tay” cho vi phạm tại địa phương này?

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.

Có thể bạn quan tâm

  • Báo động vi phạm pháp luật về đê điều (Kỳ 2): Cơ quan chức năng “xé rào” cấp phép

    Báo động vi phạm pháp luật về đê điều (Kỳ 2): Cơ quan chức năng “xé rào” cấp phép

    04:50, 17/07/2020

  • Báo động vi phạm pháp luật về đê điều (Kỳ 1): Chính phủ “quyết liệt”, địa phương “xem thường”

    Báo động vi phạm pháp luật về đê điều (Kỳ 1): Chính phủ “quyết liệt”, địa phương “xem thường”

    11:01, 10/07/2020

  • Thái Bình: Xử lý vi phạm đê điều phải rõ trách nhiệm, tăng chế tài

    Thái Bình: Xử lý vi phạm đê điều phải rõ trách nhiệm, tăng chế tài

    04:50, 15/04/2020

  • Quy trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đê điều

    Quy trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đê điều

    21:17, 18/06/2019

NGUYỄN GIANG