Tây Hồ (Hà Nội): Xây nhà trái phép giữa mùa dịch
Xoay quanh hiện trạng vi phạm Luật Đê điều tại Hà Nội, dù đã có những chỉ đạo xem xét, rà soát và xử lý nghiêm, thế nhưng, tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội, hiện trạng này vẫn… “nóng”.
Đến hẹn lại lên, mỗi đợt cao điểm mưa lũ diễn ra, dư luận lại đặc biệt quan ngại trước thực trạng “loạn” vi phạm đê điều tại Hà Nội, bên cạnh một số quận, huyện thực hiện nghiêm khắc phục, tháo dỡ vi phạm trả nguyên hiện trạng hành lang bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ thì tại quận Tây Hồ, đây là tình trạng vô cùng nhức nhối khi những sai phạm không chỉ ngang nhiên tồn tại mà tiếp tục có dấu hiệu chưa dừng lại.
Không chỉ các sai phạm đã tồn tại từ trước đó như: hàng loạt công trình kiên cố nhà hàng, biệt thực tại ngõ 1, 5, 9 và 11 tập thể F361, An Dương, phường Yên Phụ; khu vực cuối ngõ 76 An Dương, phường Tứ Liên; nhà hàng Tre Place, cụm 6 phường Phú Thượng; Vườn hoa bãi đá sông Hồng, tại ngõ 264 Âu Cơ, phường Nhật Tân;…
Mới đây, theo phản ánh của người dân, mặc dù trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tại ngõ 264 Âu Cơ, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ bên cạnh các công trình vi phạm chưa được xử lý, khu vực giáp Vườn hoa bãi đá sông Hồng, sân bóng 264 Âu Cơ, tình trạng “xẻ thịt” đất ven sông, vi phạm hành lang bảo vệ đê điều tiếp tục tái diễn.
Đặc biệt, Chỉ thị 16 thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng; mọi công trình xây dựng tại khu vực có mức nguy cơ rất cao (vùng đỏ) đều phải tạm dừng thi công, xây dựng trừ trường hợp phục vụ cho mục đích phòng, chống dịch.
Thế nhưng, công trình vi phạm tại ngõ 264 Âu Cơ, phường Nhật Tân vẫn ngang nhiên tổ chức thợ thuyền hoạt động xây dựng công trình kiên cố trái phép.
Điều đáng nói, đường vào ngõ 264 Âu Cơ luôn có chốt kiểm soát, phòng, chống COVID-19 do địa phương lập ra với lực lượng lòng cốt là Công an phường, chưa kể lực lượng tuần tra địa bàn, nhưng không hiểu tại sao, công trình này vẫn có thể đưa người vào thực hiện hoạt động xây dựng, chưa kể, quá trình thực hiện công trình bắt buộc phải có vật liệu để thi công, phải chăng các lực lượng thực thi nhiệm vụ không hề hay biết? Hay có chăng, họ đã cố tình ngó lơ “tiếp tay” cho sai phạm? Việc chặt ngoài, lỏng trong đang tồn tại?
Trước đó, liên quan đến tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều tại Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp cũng đã có loạt bài phản ánh, đến ngày 14/8/2020, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 6762/VPCP-NN yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), UBND TP. Hà Nội kiểm tra, xử lý,…
Không chỉ có vậy, đến ngày 18/9/2020, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản số 8069/VP-KT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch Thường trực – Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các đơn vị liên quan, lãnh đạo quận, huyện thực hiện phối thông tin với cơ quan báo chí, vào cuộc xử lý.
Tuy nhiên, cho đến nay những vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn không có dấu hiệu “hạ nhiệt”, trách nhiệm của các địa phương, các cơ quan quản lý để xảy ra sai phạm vẫn chưa được xử lý một cách thích đáng, công khai, minh bạch. Chưa kể, tình trạng vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn và ngày một phức tạp.
Xin được nhắc lại, các năm trở lại đây, thiên tai, bão lũ luôn diễn biến vô cùng phức tạp và là vấn đề lớn đe dọa đến an sinh của toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng, những hậu quả đến từ thiên tại, bão lũ là vô cùng lớn, trong khi hệ thống đê điều của TP. Hà Nội là hệ thống lớn, đi qua địa bàn của 26/30 quận, huyện, thị xã với 224/584 xã, phường, thị trấn ven đê; trong đó có 11 đơn vị hành chính cấp xã nằm hoàn toàn ngoài bãi sông (khoảng 141.624 hộ dân với 564.545 nhân khẩu); cùng với khu vực bãi sông lớn lên tới 35.653ha.
Nếu những vi phạm nhức nhối hiện nay không được xử lý triệt để mà vi phạm vẫn tiếp tục gia tăng, sự an toàn của Thủ đô lấy gì đảm bảo, chưa kể đến đồ án khu đô thị ven sông của TP. Hà Nội sau nhiều lần lỗi hẹn, kỳ vọng sẽ được thông qua trong thời gian sớm nhất, quỹ đất để thực hiện các dự án liệu có còn đảm bảo? Nhất là khi chi phí GPMB phát sinh là quá lớn, liệu có đủ sức hút với nhà đầu tư?
Có thể bạn quan tâm
“Loạn” vi phạm đê điều tại Hà Nội: Nhiều địa phương vào cuộc xử lý, Tây Hồ vẫn "im lìm"
04:30, 05/12/2020
Báo động vi phạm đê điều tại Nam Định: Đừng để “nguy cơ” thành… thiệt hại!
12:30, 15/11/2020
Báo động vi phạm pháp luật về đê điều (Kỳ 7): Trách nhiệm người đứng đầu đang “bỏ ngỏ”
11:00, 15/10/2020
Báo động vi phạm pháp luật về đê điều (Kỳ 6): Luật pháp chưa “bám sát” thực tiễn?
04:50, 04/10/2020
“Loạn” vi phạm đê điều ở Hà Nội: Cần “xử điểm” để răn đe
04:50, 24/09/2020