Chờ “phao cứu sinh” cho dự án xã hội hoá - Bài 1: Từ chủ doanh nghiệp thành con nợ
Dự án xã hội hoá được địa phương cam kết hỗ trợ chính sách, và các điều kiện kinh doanh, nhưng khi doanh nghiệp tiến hành đầu tư lại chơi vơi vướng vào nợ nần, bây giờ lại chờ phao cứu sinh.
Nhìn những tài liệu cuộc họp, quyết định chủ trương đầu tư, bản vẽ xây dựng, phê duyệt phương án phòng cháy chữa cháy, ông Hoàng Văn Trượng trú tại tổ 2 (sau năm 2014 sáp nhập thành tổ 3) phường Chi Lăng, Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai lại buồn rười rượi.
Nỗi lòng doanh nghiệp
Trước khi đầu tư vào dự án chợ Chi Lăng theo phương án xã hội hoá được địa phương kêu gọi, Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Minh Phú của ông Trượng đang ăn nên làm ra. Không chỉ sở hữu một xưởng chế biến gỗ, gia đình ông còn sở hữu gần 20 héc ta cao su, cà phê và nhiều bất động sản khác.
Thời điểm 2013, Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Minh Phú là một trong những doanh nghiệp có tiếng về vốn mạnh, lối làm ăn uy tín và sự quyết đoán của người đứng đầu doanh nghiệp đã có nhiều thành công. Chính vì thế, nhận thấy doanh nghiệp của ông Trượng vừa có quỹ đất lớn, lại có vốn mạnh nên được địa phương “chọn mặt gửi vàng” với dự án xã hội hoá chợ Chi Lăng. Địa phương mong muốn nhằm lập lại trật tự, dẹp nạn buôn bán rong trên Quốc lộ 14 đoạn qua phường Chi Lăng và qua xã Ia Kênh. Khi vận động, doanh nghiệp nhận được lời hứa song hành giải quyết những khó khăn gặp phải.
Địa điểm quy hoạch xây chợ là mảnh đất rộng gần 10.000m2 được gộp lại từ 6 mảnh đất khác. Dự án được sở, ngành, địa phương giúp đỡ chuyển đổi sang đất thương mại, lập quy hoạch dự án và các bản vẽ chi tiết. Nhà đầu tư bỏ ra gần 6 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng gồm 1 nhà lồng, hơn 30 ki ốt, hệ thống phòng cháy chữa cháy, đường nội bộ, hàng rào, mương thoát nước và xử lý nước thải.
Ông Hoàng Văn Trượng cho biết “lúc chưa tiến hành đầu tư, trong tay tôi có gần 3 tỷ tiền mặt, 20 héc ta cao su và cà phê, mấy miếng đất mặt tiền đường Trường Chinh (bây giờ là đường Võ Nguyên Giáp)…nhưng bây giờ còn đâu”.
Ông Nguyễn Hữu Quế - Nguyên Chủ tịch UBND thành phố Pleiku, hiện là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho hay “địa phương đã gặp gỡ, đối thoại, tìm phương án gỡ khó cho doanh nghiệp nhưng vẫn chưa thành hiện thực”.
Nói đến đây, giọng ông gần như nghẹn lại, đôi mắt nhìn ra xa rươm rướm ướt. Sau khi chợ hoàn thành, thành phố Pleiku chỉ đạo phường Chi Lăng và xã Chư H’drông, xã Ia Kênh (năm 2020 xã Chư H’drông sáp nhập về lại phường Chi Lăng sau 12 năm tách ra) ráo riết dẹp nạn buôn bán lấn chiếm lòng lề đường dọc Quốc lộ 14. Tuy nhiên, đuổi chỗ này, họ đi chỗ khác chứ dân không chịu vào chợ vì người dân cho rằng “nó nằm trong hẻm khó buôn bán”.
Dự án tiền tỷ bỏ hoang, làm nơi chăn gà, vịt.
Sau khi dự án hoàn thành, ông Trượng cho biết đã có 20 tiểu thương đăng ký vào. Để thu hút thêm, doanh nghiệp ông còn có chính sách miễn phí điện, nước, và thuế trong 4 tháng đề người dân vào buôn bán.
Người bán tạm ngoài đường không bị xử lý, người bán trong chợ ế khách, thế là những tiểu thương đã đăng ký vào chợ cũng dần đi ra ngoài buôn bán lòng lề đường cho “buôn có bạn, bán có phường”.
Mỗi ngày, ông Trượng đều đi ra Quốc lộ 14 đứng xem người buôn bán và nghĩ về dự án của mình. Việc dẹp nạn lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán của thành phố Pleiku càng ngày càng dậm chân tại chỗ. Ông Trượng cho biết “vấn đề của địa phương là chỉ thực hiện xua đuổi, chứ không có biện pháp dân vận hiệu quả nào để người dân vào chợ, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Ban đầu địa phương cũng nói sẽ giúp đỡ để doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi, nhưng đến bay giờ chúng tôi vẫn phải đi vay như một khách hàng bình thường, với lãi suất cao”.
Thiếu nguồn thu, trong khi phải trả nợ lãi nhiều, gia đình ông Trượng phải lần lượt cầm nhiều sổ đỏ đi vay ngân hàng, biến những ki ốt thành nhà trọ để có nguồn thu nhập trả lãi cho vốn đã vay. Gia đình ông Trượng như rơi xuống vực khi lâm vào nợ nần, mất nhiều tài sản.
Điều nực cười nhất cho đến nay là doanh nghiệp đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng để chào đón người dân vào buôn bán, nhưng bây giờ chỉ để nuôi vài con gà, con vịt để bữa ăn có thêm miếng thịt. Cái mà gia đình ông đang mất niềm tin, bức xúc vào địa phương lại để hình thành một chợ tạm ngay tại làng Nhao 1 xã Ia Kênh. Mặc dù không có “phép chính thức” nhưng chợ tạm ở làng Nhao 1 vẫn không có người ở đội trật tự đô thị các cấp đến để xử lý. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của địa phương, niềm tim của nhà đầu tư. Khi trong tương lai, địa phương còn rất nhiều dự án trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội, thương mại cần nguồn vốn xã hội hoá.
Từ một doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, khi thực hiện dự án chợ theo phương thức xã hội hoá lại lâm vào cảnh “bại sản”. Nhà cửa, xe máy, ô tô của doanh nghiệp, của gia đình đều đội nón ra đi theo...dự án chợ.
Bài tiếp: Hết lực đầu tư, doanh nghiệp chờ cứu
Có thể bạn quan tâm
Bộ GTVT "thúc" địa phương hoàn thành Đề án xã hội hoá cảng hàng không
08:25, 27/09/2023
Quảng Nam chưa có dự án nhà ở xã hội hoàn thành đưa vào sử dụng
09:00, 28/08/2023
Xã hội hoá hạ tầng hàng không “chậm” do “chưa có đường đi”
00:00, 27/06/2023
Cần cơ chế đặc thù xã hội hóa hạ tầng giao thông
02:00, 10/04/2023
Xã hội hoá đường truyền để “khơi thông” điểm nghẽn cho năng lượng tái tạo
02:13, 07/01/2023
Quảng Nam: Xây dựng đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không Chu Lai
01:09, 01/11/2022
Có nên xã hội hóa đầu tư cảng hàng không Chu Lai tại Quảng Nam?
13:50, 04/10/2022