LHG "nhọc nhằn" về đích
Là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam, liệu Long Hậu (LHG) có bị nằm ngoài làn sóng này?
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn giữa diễn biến phức tạp của tranh chấp thương mại Mỹ - Trung. Việt Nam sở hữu những lợi thế như vị trí chiến lược tại khu vực châu Á và đường biên giới đất liền với Trung Quốc - thuận lợi cho lưu thông đường bộ. Hơn nữa, các cụm khu công nghiệp chính được kết nối với cảng biển bởi hệ thống đường lớn, đường cao tốc đang được tăng cường đầu tư.
Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung đang khuyến khích các doanh nghiệp từ Đài Loan và Trung Quốc, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyển hoạt động sản xuất sang các khu công nghiệp phía Nam. Theo đó, Công ty cổ phần Long Hậu (LHG) có khả năng cho thuê 90 héc ta đất thương phẩm và NTC (khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3 sẽ bắt đầu thi công hạ tầng cuối quí 2-2019 và cho thuê 255 héc ta trong 5-6 năm) sẽ là những cái tên có triển vọng kinh doanh tốt.
Tuy nhiên, mới đây công ty Cổ phần Long Hậu (Mã chứng khoán LHG) đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2019 với lãi ròng giảm đến 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, LHG ghi nhận doanh thu trong quý 2/2019 gần 108 tỷ đồng, tăng 24% so quý 2/2018.
Bên cạnh đó, giá vốn hàng bán tăng đến 39%, chiếm hơn 59 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp của Công ty chỉ hơn 48 tỷ đồng, tăng 9% so với quý 2/2018. Ngoài ra, LHG còn ghi nhận lỗ hơn 3.2 tỷ đồng từ liên doanh, liên kết, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ hơn 1.4 tỷ đồng.
Là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam, liệu Long Hậu có bị nằm ngoài làn sóng này?
Trao đổi với báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng điểm không thuận lợi cho LHG ở giai đoạn hiện tại là do lượng quỹ đất của LHG không còn nhiều và dự án LH3 đang triển khai không đúng kế hoạch khiến tăng trưởng của LHG không còn cao. Đồng thời, việc kéo dài triển khai sẽ khiến chi phí của LHG tăng cao và điều này sẽ còn ảnh hưởng tiêu cực lên kết quả lợi nhuận trong những quý tới.
“Khó khăn lớn nhất hiện nay của LHG là việc chậm trễ triển khai dự án LH3 khiến tăng trưởng doanh thu chậm lại và chi phí tăng cao. Đồng thời, LHG còn gặp rủi ro pháp lý và có thể sẽ chịu mức đền bù cao cho dự án khu dân cư Long Hậu”, ông Minh nhận định.
Theo phân tích từ công ty Cổ phần chứng khoán Đại Nam, hiện tại cổ đông lớn của LHG là Công ty TNHH MTV Tân Thuận (IPC) đang bị điều tra về những sai phạm trong dự án Khu dân cư Long Hậu.
Cụ thể, IPC đã mua lại từ Công ty Hồng Lĩnh với giá 630.000 đồng/m2 để làm khu tái định cư. Tuy nhiên IPC lại bán lại cho LHG với giá thấp hơn, chỉ từ 398.000 đồng/m2 đến 564.000 đồng/m2. Điều khoản trên không đảm bảo lợi ích cho IPC và UBND Tp HCM yêu cầu LHG hoàn trả theo đúng giá thị trường. Đến năm 2018, công ty đã trả tất cả 123 tỷ đồng cho IPC (58 tỷ vào năm 2007 và 65 tỷ vào năm 2018). Tuy nhiên chi phí tái định cư IPC ước tính lên đến 328 tỷ đồng. Nếu hai bên thống nhất thực hiện, chi phí của công ty có thể tăng thêm 205 tỷ đồng, làm giảm mạnh lợi nhuận sau thuế của công ty khoảng 49,4 tỷ đồng. Đây là một khoản đền bù lớn gây thiệt hại cho LHG.
Có thể bạn quan tâm
Long Hậu (LHG): Cơ hội và rủi ro tiềm ẩn
14:30, 09/04/2019
Đâu là vùng giá hấp dẫn của LHG?
04:30, 04/06/2019
Quảng Ninh: Đề nghị đưa 2 nhà máy xi măng ra khỏi quy hoạch
06:22, 02/08/2019
Còn nhiều "rào cản" để Việt Nam trở thành thị trường điện gió lớn nhất khu vực
04:23, 02/08/2019
Mặt khác, dự án LH3 giai đoạn 1 không hoàn thành theo đúng kế hoạch vì công tác giải tỏa mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại công ty đã bồi thường 82,3 ha (66% diện tích dự án) và san lấp được 55ha. Diện tích đất còn lại vẫn trong giai đoạn đàm phán với người dân. Việc kéo dài thời gian làm hạ tầng, giá đất tăng cao sẽ khiến công ty mất nhiều chi phí và làm giảm lợi nhuận.
Dự báo về cổ phiếu của LHG ngắn hạn và trung hạn, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng rủi ro đang khá cao và có thể sẽ tác động tiêu cực lên giá cổ phiếu LHG. Tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng dài hạn là tích cực khi hưởng lợi từ làn sóng FDI. Do đó, cổ phiếu này chỉ ưa thích cho các nhà đầu tư dài hạn.
Bên cạnh đó, tình hình 6 tháng cuối năm sẽ còn khó khăn cho LHG khi vẫn chưa giải quyết được các khó khăn như trên, đặc biệt là việc chậm tiến độ khu công nghiệp LH3 sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của LHG. “Do đó, tôi đánh giá LHG rất khó có thể hoàn thành được kế hoạch trong năm 2019 và tôi kỳ vọng điểm rơi bứt phá cho LHG sẽ vào năm 2020”, ông Minh nhấn mạnh.
Theo báo cáo tình hình FDI tháng 4-2019 của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, xu hướng FDI đổ bộ vào Việt Nam đang tiếp tục gia tăng. Tính đến ngày 20-4-2019, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 5,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Xu hướng gia tăng đầu tư vào Việt Nam cũng được thể hiện qua số dự án cấp mới và đầu tư thêm. Cụ thể, đến 20-4, có 1.477 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 7,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 28,6% so với cùng kỳ. Với việc ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương có hiệu lực, gần nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực kể từ đầu năm nay, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để thu hút nhiều công ty từ châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc vào Việt Nam xây nhà máy sản xuất.