Thách thức chờ đợi tân Tổng giám đốc FPT Retail
Nhà bán lẻ kỹ thuật số lớn thứ hai thị trường vừa có Tổng giám đốc mới, đối mặt với những thách thức lớn phía trước.
Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HOSE: FRT) vừa công bố Tổng giám đốc mới là ông Hoàng Trung Kiên (đang giữ chức Phó tổng giám đốc FPT Telecom). FRT có doanh thu chính từ FPT Shop, chuỗi bán lẻ hàng công nghệ đứng thứ hai thị trường Việt Nam về quy mô cửa hàng. Công ty cũng sở hữu và đang mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu.
Thay nữ tướng Nguyễn Bạch Điệp - người có mặt từ thời sáng lập FPT Shop và có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành bán lẻ, ông Kiên phải đối mặt với nhiều thách thức phía trước.
Mòn mỏi chờ "đảo ngược dòng tiền"
FRT hoạt động giống mô hình của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG), chuyên mảng bán lẻ.
Doanh nghiệp đang vận hành 3 chuỗi: FPT Shop - bán lẻ các sản phẩm gồm điện thoại di động, máy tính bảng, laptop, phụ kiện…, với thị phần thứ hai; Long Châu - hệ thống nhà thuốc kinh doanh dược phẩm, dụng cụ y khoa…; F.Sudio By FPT - hệ thống cửa hàng được uỷ quyền chính thức của Apple tại Việt Nam, kinh doanh sản phẩm Apple.
Năm 2019, FRT đạt doanh thu 16.634 tỷ đồng, tăng 8,73%; lợi nhuận sau thuế 204 tỷ đồng, giảm 41,44% so với năm 2018; hoàn thành 93,98% kế hoạch doanh thu và 48,72% kế hoạch lợi nhuận.
Đáng lưu ý, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của FRT tiếp tục âm, năm 2019 âm 879 tỷ đồng, năm 2018 trước đó âm 1.387 tỷ đồng; doanh nghiệp phải huy động vốn từ bên ngoài để tài trợ, đặc biệt là vốn vay.
Theo nhiều đánh giá, ngành bán lẻ điện thoại có dấu hiệu bão hoà, điều này được cả MWG và FRT thừa nhận.
Theo đó, hai doanh nghiệp đi tìm động lực tăng trưởng mới, MWG hướng tới Điện máy xanh và Bách hoá xanh, còn FRT hướng tới Nhà thuốc Long Châu.
Tính tới tháng 11/2019, FRT có 593 cửa hàng FPT Shop và gần 80 cửa hàng thuốc Long Châu.
Ngoài ra, FRT có chiến lược bán thêm đồng hồ, tương tự như MWG đã làm trước đó, hiện doanh nghiệp có 5 cửa hàng bán đồng hồ ở TP.HCM theo mô hình Shop-in-shop.
Thực tế, FRT hiện chưa cho thấy dấu hiệu khởi sắc trong hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp công bố điểm sáng trong năm 2019 là kinh doanh phụ kiện và SIM, với mức tăng trưởng lần lượt 29% và 67%, mà không đề cập đến các mảng chính là bán lẻ điện thoại, dược phẩm.
Nếu như sắp tới, FRT không có chiến lược/kế hoạch hiệu quả giúp cải thiện biên lợi nhuận, gia tăng dòng tiền, thì chi phí tài chính tiếp tục là gánh nặng lớn.
Chi phí tài chính năm 2017 là 82 tỷ đồng, năm 2018 là 100,6 tỷ đồng, năm 2019 là 150,8 tỷ đồng.
Thậm chí, nếu không huy động được thêm vốn để tài trợ cho thâm hụt vốn, thì doanh nghiệp sẽ gặp vấn đề về thanh khoản, về dòng tiền lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh.
Ngày 20/3 tới, FRT sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông. Một trong các nội dung được cổ đông chờ đợi là giải pháp nào để FRT cải thiện tình trạng dòng tiền hoạt động kinh doanh chính.
Thị trường cạnh tranh, nhiều đối thủ mạnh
Theo FRT, chiến lược 3 năm tới dược phẩm là động lực tăng trưởng. Công ty đặt mục tiêu năm nay tăng số lượng nhà thuốc Long Châu gấp 3 lần, từ 70 lên 220 cửa hàng ngay trong năm nay, doanh thu cũng sẽ tăng lên gấp 3 lần từ 500 tỷ trong năm 2019 lên 1.500 tỷ trong năm 2020.
Phát triển hướng dược phẩm là định hướng khá đúng đắn trong bối cảnh ngành hàng công nghệ đang không còn là miếng bánh béo bở. Theo Hãng nghiên cứu thị trường BMI, quy mô thị trường dược tại Việt Nam đạt 5,9 tỷ USD năm 2018, đạt khoảng 7,7 tỷ USD vào năm 2021. Ước tính 25% doanh thu này nằm ở mảng bán lẻ, như vậy vào khoảng 2 tỷ USD năm 2021.
Muốn đạt 1.500 tỷ đồng, tức khoảng 65 triệu USD trong thị trường quy mô khoảng 2 tỷ USD không phải việc quá khó khăn với nhà bán lẻ có kinh nghiệm như FPT Retail, nhất là trong bối cảnh thị trường này đang phân mảnh, chi tiêu dược phẩm của người Việt đang tăng.
Với quy mô 70 nhà thuốc, Long Châu của FPT đang đứng thứ nhì thị trường. Dù vậy, Long Châu phải cạnh tranh với Pharmacity đang dẫn đầu với hơn 250 nhà thuốc, và đối thủ An Khang (của Thế Giới Di Động) đang ở sau lưng với 20 cửa hàng.
Chưa kể, mảng bán lẻ dược phẩm được cho là đang đổ mạnh vào các nhà thuốc bệnh viện và thuốc kê đơn cũng khiến nhà thuốc tư nhân không dễ lấy tiền từ khách hàng.
Với kế hoạch đầy tham vọng sẽ dần mở rộng nhà thuốc, công ty có thể gặp khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch về số lượng cửa hàng cho chuỗi nhà thuốc, dựa trên năng lực mở rộng cửa hàng hiện có, theo SSI Research.
Song song, chuỗi Long Châu trong ngắn hạn sẽ chịu rủi ro về việc chuyển đổi chuỗi nhà thuốc Long Châu - từ việc bán các sản phẩm tiểu ngạch sang các sản phẩm chính ngạch, điều này sẽ cộng thêm 10% thuế GTGT vào giá vốn hàng bán.
Được biết, chuỗi Long Châu khác biệt so với các chuỗi nhà thuốc và cửa hàng thuốc truyền thống khác nhờ sự đa dạng sản phẩm. Trung bình, các nhà thuốc Long Châu bán hơn 6.000-7.000 SKU, so với chỉ 1.000 SKU của các đối thủ cạnh tranh.
Ngoài ra, Long Châu còn bán thuốc nhập khẩu và thực phẩm chức năng mà các đối thủ cạnh tranh ít bán. Những sản phẩm nhập khẩu này được mang về Việt Nam theo đường xách tay và các phương thức tiểu ngạch, bán tại các hộ kinh doanh nhỏ lẻ do đó có giá rẻ hơn. Nếu FRT chuyển đổi tất cả các nhà thuốc Long Châu từ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ sang một doanh nghiệp (để hợp nhất báo cáo tài chính FRT), điều này không chỉ thêm 10% thuế VAT vào chi phí bán hàng, mà còn khiến Công ty không thể bán nhiều thuốc và thực phẩm chức năng nhập khẩu qua đường xách tay như trước đây, do đó làm giảm danh mục sản phẩm trong ngắn hạn.
Có thể bạn quan tâm
Bí quyết "săn" khách hàng lớn của Tân Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến
01:27, 05/03/2020
Vì sao Quỹ Tundra Vietnam “lỗ đậm” với cổ phiếu FPT?
04:00, 13/02/2020
Những ước vọng chưa thành của FPT Retail
06:39, 21/01/2020
Thách thức chờ FPT Retail khi "lấn sân" bán mĩ phẩm
04:40, 11/01/2020
FPT Retail gặp khó khi thị trường điện thoại chững lại
01:08, 17/12/2019
Song song đó, mảng bán lẻ công nghệ của FPT Shop cũng đối mặt với khó khăn chung của thị trường và phải cạnh tranh với đối thủ Thế Giới Di Động rất mạnh.
FRT trong năm 2019 rất năng động khi có giai đoạn hợp tác với chuỗi Nguyễn Kim để bán điện máy, đồng thời mở trang mua hàng xuyên biên giới, và mở bán mắt kính, mỹ phẩm hồi cuối năm. Dù vậy, có thể nói rằng FPT Shop khá chậm so với đối thủ Thế Giới Di Động trong việc mở rộng ngành hàng mới.
Trong khi Thế Giới Di Động mở sang điện máy cách đây 10 năm, mở Bách hoá Xanh cách đây 5 năm, mở trang thương mại điện tử Vuivui (nhưng đã đóng) cách đây 4 năm, thì FPT Retail chỉ mới mở Long Châu cách đây 3 năm. Đến nay, Long Châu là chuỗi ngoài FPT Shop (và F.Studio - chuyên bán hàng Apple) duy nhất của FPT Retail.
Đến nay, tổng doanh thu ngành điện thoại, điện máy của Thế Giới Di Động đạt hơn 90 ngàn tỷ đồng, trong khi FPT Retail mới được hơn 16 ngàn tỷ.
Năm 2020 cuộc chiến bán lẻ hàng công nghệ sẽ càng khó khăn hơn khi thị trường chung bão hoà, và Thế Giới Di Động đang tìm cách lấy thị phần từ các chuỗi khác nhằm duy trì đà tăng trưởng.
Việc mở rộng cửa hàng (đối với cả hai chuỗi nhà thuốc và cửa hàng ICT) được kỳ vọng sẽ giúp duy trì tăng trưởng lợi nhuận ở mức một chữ số, mặc dù quy mô ngành điện thoại di động có thể thu hẹp và ước tính lỗ từ chuỗi nhà thuốc.
Và như vậy, lợi nhuận thời gian tới của FRT (chủ yếu từ bán di động) có thể tiếp tục chịu ảnh hường tiêu cực từ tăng trưởng ngành ICT âm; chưa kể việc mở mới cửa hàng để giành thị phần trong một ngành đang suy giảm sẽ gây khó khăn cho Công ty này, điều này lý giải cho ước tính tăng trưởng lợi nhuận thấp và do đó định giá thấp, giới phân tích cho hay.
Nhìn vào đường hướng kinh doanh của chuỗi bán lẻ điện thoại lớn thứ hai trong bối cảnh hiện nay, chúng ta ít thấy được nét mới mang lại sự bù đắp nhanh doanh thu và lợi nhuận trong ngắn hạn, trong khi chuỗi Long Châu thì còn phải chờ…
Với thực tế hiện nay, FRT khó có thể đạt được mục tiêu đề ra: Giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng 23,9%/năm cho doanh thu và 33,5%/năm cho lợi nhuận sau thuế.
Nhìn chung, ông Hoàng Trung Kiên có quá nhiều việc phía trước để làm khi trong tay đang chỉ có hai lựa chọn: chuỗi FPT Shop chịu áp lực cạnh tranh và thị trường giảm, trong khi chuỗi Long Châu còn mới mẻ và đóng góp doanh thu không lớn.
Được biết, tân Tổng giám đốc Hoàng Trung Kiên sinh năm 1978, tốt nghiệp thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh và Hệ thống thông tin (MBIS) tại Đại học Tổng hợp Tự do Bruxelles (Vương quốc Bỉ). Gia nhập FPT năm 2000, ông có thế mạnh xây dựng, quản trị hệ thống và phát triển kinh doanh với 7 năm tham gia các dự án xây dựng hệ thống thông tin quan trọng cho Chính phủ, bộ ngành, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam; 12 năm kinh nghiệm mở rộng vùng phủ trong lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt là viễn thông. Với bề dày kinh nghiệm trong việc mở và triển khai chuỗi bán lẻ mới, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT sẽ tập trung điều hành chuỗi nhà thuốc Long Châu cũng như thúc đẩy các mảng kinh doanh mới của FPT Retail. Bà Nguyễn Bạch Điệp sinh năm 1972, là người có công đầu trong việc đưa FPT Retail trở thành nhà bán lẻ sản phẩm công nghệ lớn thứ hai tại Việt Nam. |