[DNNN TRONG "BÃO" COVID-19] Petrolimex "chao đảo"
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) phải chịu những tác động lớn từ đại dịch COVID-19, cùng mức giá dầu giảm sâu nhất trong vòng 10 năm nay.
Theo số liệu báo cáo của Ủy ban quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) trình lên Thủ tướng Chính phủ mới đây, ảnh hưởng của dịch COVID-19 có thể khiến cho doanh thu các tập đoàn, tổng công ty trong 3 tháng đầu năm giảm khoảng 27.376 tỉ đồng so với cùng kì.
Trong đó, riêng Petrolimex, doanh thu quý I giảm 1.706 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, ước lỗ 572 tỷ đồng.
Đau đầu vì "cầu" giảm
Tại Petrolimex, dù giá xăng dầu đầu vào giảm nhưng bởi nhu cầu tiêu thụ cũng giảm mạnh nên kinh doanh cũng gặp khó khăn.
Dự kiến cả năm 2020, doanh thu sẽ giảm 12.517 tỷ đồng, ước suy giảm 1.143 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2020. Nộp ngân sách nhà nước dự kiến giảm tương ứng khoảng 500 tỷ đồng so với kế hoạch 2020 nếu dịch kéo dài đến quý 4.
Nguyên nhân dẫn đến kết quả hoạt động kinh doanh xăng dầu giảm sút do Petrolimex là doanh nghiệp có hệ thống phân phối phủ rộng toàn quốc và xăng dầu là mặt hàng cần phải có đủ dự trữ tồn kho. Theo báo cáo, trong quý I/2020, việc giá xăng dầu thế giới giảm quá nhanh với biên độ lớn, giảm tới 60%, đã tác động đến giá vốn tồn kho của Petrolimex.
Có thể bạn quan tâm
DNNN quy mô lớn, làm sao để lớn?
11:00, 14/03/2020
DNNN xin về lại Bộ: "Bước thụt lùi của cải cách"
07:17, 11/03/2020
Tân Cảng Sài Gòn đề xuất Chính phủ điều chỉnh quy định phân phối lợi nhuận của DNNN
15:47, 13/01/2020
“Trong trường hợp dịch vẫn diễn biến phức tạp, các hãng hàng không trong nước và quốc tế sẽ tiếp tục tạm dừng các chuyến bay trong nước và quốc tế, nhu cầu vận tải đường thuỷ, đường bộ sụt giảm mạnh khiến sản lượng xuất bán xăng dầu thấp, dự trữ tồn kho tăng cao sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn nữa đến tình hình sản xuất kinh doanh của Petrolimex”, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cho biết.
Số liệu thống kê cho thấy, trong quý I năm 2020, tổng sản lượng xăng dầu của hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn vào khoảng 3 triệu tấn, đáp ứng gần 100% nhu cầu xăng dầu nội địa. Tuy nhiên, theo số liệu công bố của Tổng cục Hải quan thì tổng lượng nhập khẩu xăng dầu trong 2 tháng đầu và nửa đầu tháng 3 năm 2020 đã hơn 1,63 triệu tấn, chiếm hơn 35% lượng cung xăng dầu nội địa.
Như vậy, trong quý I lượng cung nội địa vượt nhu cầu khoảng 35%, tương ứng với khối lượng nhập khẩu của các đơn vị đầu mối. Điều này gây áp lực rất lớn đến tồn kho xăng dầu tại hai nhà máy lọc dầu và các đơn vị nhập khẩu, đặc biệt là mặt hàng xăng và Jet-A1.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, tại một số thời điểm, tồn kho xăng ở Nhà máy lọc dầu Dung Quất với mức trên 90, buộc công ty phải gửi hàng đến các kho chứa khác nhằm đảm bảo cho nhà máy vận hành an toàn. Điều này dẫn đến phát sinh tăng chi phí, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, các nhà máy lọc dầu trong nước cần giảm công suất đến mức có thể để giảm lượng hàng xuất bán. Đồng thời các cơ quan quản lý, bằng các cơ chế chính sách cần hạn chế tối đa hoặc tạm ngưng nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong giai đoạn chưa kiểm soát được dịch COVID-19.
Ngoài ra, các cơ quản lý nhà nước cũng cần tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường, tăng cường các giải pháp phòng chống gian lận thương mại và bán phá giá xăng dầu…
Khó "chồng" khó
Theo chia sẻ từ một CEO doanh nghiệp xăng dầu đầu, các doanh nghiệp xăng dầu đang trong cảnh khó khăn kép. Dịch COVID-19 từ đầu năm đến nay làm sản lượng tiêu thụ trên cả ba miền của đơn vị sụt giảm nghiêm trọng.
Theo vị này, doanh số và sản lượng từ đầu năm đã mất hơn 30% do lượng dầu bán cho các hộ sản xuất, kinh doanh và vận tải tiêu thụ lớn giảm mạnh. Việc các cửa khẩu thông thương với Trung Quốc đóng cửa kéo dài dịp Tết cũng khiến sản lượng của mảng vận tải sụt giảm và đến giờ vẫn chưa phục hồi được.
Theo tìm hiểu, lượng tiêu thụ hàng tồn kho xăng dầu 2 tháng qua ở các doanh nghiệp đầu mối chỉ bằng 40-50% so với trước đây. Các doanh nghiệp đang đối mặt với việc nhập xăng dầu về là lỗ vì giá giảm liên tục.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp đang bị “báo động” về nguồn vốn. Trong số 30 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, số đơn vị còn dồi dào tiềm lực tài chính không nhiều do tình hình kinh doanh khá xấu. Đến nay, theo thống kê, có doanh nghiệp 2 tháng đầu năm đã bị thua lỗ tới 40 tỷ.
Lãnh đạo một doanh nghiệp khẳng định, với việc giá dầu liên tục lao dốc và doanh nghiệp phải đáp ứng nguồn cung trong cảnh “cứ nhập về là giá lại giảm”, thì việc giữ được mục tiêu “không bị lỗ quá 100 tỷ đồng” đã là thành công của năm 2020.
Thông tin từ Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, Hiệp hội đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh giá dầu thế giới liên tục giảm mạnh. Thống kê của các doanh nghiệp trong hiệp hội cho thấy, do giá thế giới liên tục giảm từ đầu năm đến nay, nên doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải đối mặt với việc cứ nhập xăng về được một hai hôm là giá lại giảm.
Giá giảm nhưng theo quy định, doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo nhu cầu trong nước nên dù biết lỗ cũng không thể ngừng nhập hàng. Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn rất lớn, vì không biết cân đối nguồn thu nào để bù đắp mức lỗ ngày càng lớn.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ có ý kiến chỉ đạo cho doanh nghiệp được gia hạn chậm nộp thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong 90 ngày. Đây là khoản tiền thuế mà doanh nghiệp nộp hộ người tiêu dùng, nhưng theo quy định nếu nhập khẩu thì phải nộp tiền thuế này trước khi thông quan.
Hiệp hội cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ có ý kiến với Bộ Tài chính sớm hướng dẫn giải quyết dứt điểm số tiền hoàn thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng cho các doanh nghiệp xăng dầu sau một thời gian dài vẫn chưa được giải quyết.