DNNN nói riêng, vai trò kinh tế nhà nước nói chung ngày càng giảm dần vai trò của mình trong nền kinh tế vì lợi nhuận...
Chính phủ vừa giao Bộ KH&ĐT xây dựng đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu với ba nhiệm vụ chính, gồm vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp này trong xây dựng và mở rộng chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới; phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu; và rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về DNNN.
Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc sự quản lý của Ủy ban.
Những “quả đấm thép”
Nhiệm vụ này làm liên tưởng đến những “quả đấm thép” đã được hình thành dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và sâu sa hơn là sự thận trọng về chủ trương thành lập tập đoàn dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải.
Cứ theo lời TS Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, thì thời đó, Thủ tướng quan tâm đến việc cải cách DNNN để DNNN phát triển hơn là dùng ý chí và quyết định hành chính để làm nó phình to ra. Một trong những quan điểm nhất quán của Thủ tướng Phan Văn Khải chính là phải cải cách và tạo ra cạnh tranh để các khu vực kinh tế phát triển.
“Chính vì thế, dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải, rất ít các tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước được nâng lên thành tập đoàn”, TS Phạm Chi Lan từng trả lời báo chí khi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần.
Thời Thủ tướng Phan Văn Khải thì như vậy, nhưng rõ ràng tình hình đã rất khác sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên nắm quyền. Những tập đoàn được coi là “những quả đấm thép” ngay sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng lên nắm quyền có thể kể đến Tập đoàn Than - Khoáng sản, (VINACOMIN), Tập đoàn Tầu thủy (Vinashin), Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn dầu khí Petrovietnam (PVN)… Chưa hết, sau khi được thành lập, các tập đoàn “đa ngành nghề” còn được cho một cơ chế liên kết để thành lập ngân hàng nhằm huy động vốn. Hệ quả là có những tập đoàn mà vốn vay lại lớn hơn vốn tự có gấp nhiều chục lần.
Có thể bạn quan tâm
07:17, 11/03/2020
15:47, 13/01/2020
05:03, 09/12/2019
10:10, 13/11/2019
11:00, 20/10/2019
04:27, 20/10/2019
12:09, 16/10/2019
10:00, 16/10/2019
Gánh nặng và mối lo
Rất có thể, động cơ thành lập các tập đoàn thời đó là rất tốt. Trong ý chí chính trị của mình, có lẽ người chủ trương thành lập các “quả đấm thép” cũng hy vọng những tập đoàn lớn ấy sẽ giúp kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao khi tài sản, vốn của Nhà nước được phát huy tối đa hiệu quả. Cũng chính vì thế, những thẩm quyền về thành lập tập đoàn, hay chấp thuận chủ trương đầu tư… được “luật hóa” và trao vào tay những lãnh đạo chính trị trong khi lẽ ra nó phải được trao vào tay những ai có thể làm cho “tiền đẻ ra tiền” nhiều nhất.
Hệ quả của những “quả đấm thép” đó như thế nào thì đến bây giờ chúng ta có thể thấy rõ, qua các đại án. Và cũng vì vậy, trong những năm gần đây, Chính phủ và Thủ tướng hàng năm đều tiến hành những hội nghị nhằm “tăng cường hiệu quả của DNNN”. Nhiều bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu… cũng liên tục đề xuất những giải pháp để cải cách DNNN, công cụ của kinh tế nhà nước.
Thực chất, tất cả các đề xuất ấy đều nhắm đến một mục tiêu là cải cách hoạt động, tổ chức và thẩm quyền đối với DNNN nhằm làm cho hàng triệu tỷ vốn và tài sản nhà nước đang nằm trong các DNNN phát huy hiệu quả. Ngay cả việc thành lập UB Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng nhắm đến mục tiêu ấy khi từ ban đầu, mục tiêu của những người chủ trương là biến Ủy ban này thành một “tổ chức đầu tư” chứ không phải là một “tổ chức quản lý hành chính”.
Những tập đoàn, tổng công ty nhà nước khi bước vào giai đoạn mới sau thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ít nhiều vẫn phát huy hiệu quả và dù một số lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty sau khi bị vướng vào lao lý thì sự tồn tại của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn đặt ra yêu cầu về cải cách, nâng cao hiệu quả.
DNNN nói riêng, vai trò kinh tế nhà nước nói chung ngày càng giảm dần vai trò của mình trong nền kinh tế vì lợi nhuận, ngày càng thu hẹp sự chủ đạo từ phạm vi toàn bộ nền kinh tế chỉ còn tập trung vào một số lĩnh vực, ngành kinh tế chủ chốt.
Một trong các nhận xét phổ biến khi bàn về các DNNN là: “các tập đoàn và các tổng công ty nhà nước có hiệu quả còn chưa tương xứng với nguồn lực và ưu đãi của Nhà nước”. Đương nhiên nhận xét này vừa “mềm mại” vừa nói đúng được thực trạng. Bởi thực ra, với hàng triệu tỷ trị giá tài sản và vốn mà DNNN đang nắm, với các cơ chế ưu đãi khác với khu vực kinh tế tư nhân, nhưng rõ ràng “tình trạng lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước” vẫn làm cho các DNNN không phát triển đúng như kỳ vọng. “Đầu tàu, động lực, xương sống" của các DNNN lẽ ra phải là niềm tự hào, nhưng có vẻ như kỳ vọng ấy được thay bằng “gánh nặng và mối lo” cho xã hội.
Nhiều chuyên gia đã cho rằng: sở dĩ DNNN không được như kỳ vọng là bởi vì nó còn gánh cả nhiệm vụ chính trị. Đương nhiên, yêu cầu cần phải có cách nhìn toàn diện về các DNNN khi họ vừa phải kinh doanh, vừa phải bảo đảm các nhiệm vụ an sinh, xã hội, ổn định vĩ mô… là chính đáng trong bối cảnh hiện nay. Nhưng khi tư duy về kinh tế được cho là đã thay đổi hơn 30 năm nay thì có lẽ vấn đề cơ chế, môi trường kinh doanh, vai trò của nhà nước là những điều cần phải cải cách nhiều hơn cả.
Cải cách được những vấn đề này thì vấn đề “DNNN quy mô lớn” không cần phải đặt ra thành một “đề án”. Bởi tự thân các DN, kể cả DNNN, sẽ tự lớn lên trong một môi trường cạnh tranh, bình đẳng.
TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lí kinh tế Trung ương: Các DNNN đang quản lý và sử dụng một khối tài sản khổng lồ, phải làm sao để nguồn lực này bùng phát hiệu quả. Kinh nghiệm cho thấy không có gì hơn là là động lực thị trường và lợi ích chính đáng của những người có liên quan. Sẽ rất khó có hiệu quả nếu quản lý các doanh nghiệp này theo lối hành chính gò bó. LS Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico: Trước đây, đa số DNNN là doanh nghiệp công ích không vì mục tiêu lợi nhuận. Nhưng Luật DN 2005 đã sửa điều này. Tuy nhiên, mọi người vẫn hiểu mập mờ. Bây giờ không có doanh nghiệp công ích, chỉ có sản phẩm dịch vụ công ích. Phải để DNNN thực sự “sống” theo thị trường. Hiện nay, DNNN đang bị chi phối quá nhiều. Để DNNN “sống tốt” phải “buông” thực sự. Nên cho DNNN hoạt động như doanh nghiệp tư nhân. Nhà nước nên chỉ đạo về mặt chính sách chứ không biểu quyết và phê duyệt trực tiếp như từ trước đến nay. Nhưng để làm được điều này không hề đơn giản. |