DNNN xin về lại Bộ: "Bước thụt lùi của cải cách"

Theo Minh Thái/Đất Việt 11/03/2020 07:17

Đó là nhận xét của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trước đề xuất của DNNN xin về lại bộ chủ quản cũ.

Mới đây, trong buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng, đại diện nhiều doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã “than khó”, đưa ra nhiều vướng mắc trong việc việc thực hiện các dự án.

Đặc biệt, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, bày tỏ mong muốn doanh nghiệp trở về Bộ GTVT bởi không được giao vốn ngân sách năm 2020 do vướng Luật Ngân sách Nhà nước. Doanh nghiệp này cho biết không còn là đơn vị trực thuộc Bộ GTVT nên không được giao vốn nữa.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc tách bạch việc quản lý Nhà nước và quản lý doanh nghiệp là hoàn toàn đúng đắn. Việc doanh nghiệp xin về lại Bộ giống như một bước thụt lùi trong cải cách.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xin về lại Bộ GTVT

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xin về lại Bộ GTVT

Tờ Zing dẫn lời Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, từ Đại hội XII, Đảng đã xác định chủ trương dứt khoát xóa bỏ chế độ chủ quản, thành lập một cơ quan độc lập quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.

Do đó, ông hoàn toàn ủng hộ việc thành lập cơ quan quản lý vốn độc lập, tách bạch với bộ chủ quản chuyên ngành.

Ông Lộc nhấn mạnh, việc bộ quản lý chuyên ngành mà lại đồng thời là chủ quản doanh nghiệp nhà nước thì khác nào bộ đó có “con đẻ” của riêng mình thì sao có thể đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp tư nhân cùng ngành nghề. Do đó, việc xóa bỏ chế độ bộ chủ quản cũng giúp tạo sự bình đẳng trong nền kinh tế.

Có thể bạn quan tâm

  • Trả Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về Bộ Giao thông Vận tải?

    17:12, 17/02/2020

  • [ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM] Gỡ 'nút thắt' về giao vốn bảo trì cho ngành đường sắt

    06:30, 11/03/2020

  • [ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM] Thủ tướng gợi ý phương án "gỡ khó" cho kinh phí bảo trì đường sắt

    11:00, 04/03/2020

  • [ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM] Ai chịu trách nhiệm trước nguy cơ dừng chạy tàu?

    16:00, 28/02/2020

  • [ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM] Tự "cứu" mình nhanh hơn ỷ lại Nhà nước "cứu"

    02:55, 28/02/2020

  • [ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM] Cục đường sắt Việt Nam: "Không phải muốn dừng là dừng!"

    17:00, 27/02/2020

Các bộ chuyên ngành được giải phóng khỏi chức năng chủ quản doanh nghiệp Nhà nước để tập trung vào chức năng quản lý Nhà nước. Chủ tịch VCCI nhấn mạnh việc xây dựng thể chế là nhiệm vụ trung tâm, là một trong những bước tiến lớn nhất trong cải cách bộ máy hành chính của chính của Chính phủ trong nhiệm kỳ này.

"Các doanh nghiệp Nhà nước xin về lại bộ là một bước lùi của cải cách, đi ngược lại những nỗ lực tách bạch cơ quan quản lý và đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp Nhà nước bấy lâu nay”, ông Lộc bày tỏ.

Cùng chia sẻ quan điểm trên báo này, ông Phạm Phú Quốc, nguyên là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, nguyên là Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM và có nhiều năm kinh nghiệm liên quan đến việc quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cho rằng, các bộ chuyên ngành chỉ nên tập trung vào việc xây dựng thể chế chính sách, cắt giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, không nên sa vào việc vừa sở hữu, vừa quản lý.

Ông nhấn mạnh chủ trương tách bạch là đúng nghị quyết của Trung ương cũng như phù hợp với các thông lệ quốc tế, tuy nhiên cách thực hiện sẽ cần phải ngày càng hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Theo ông Phạm Phú Quốc, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mới thành lập nên còn gặp một số khó khăn liên quan đến thể chế, chính sách và cả con người, trong khi đó Ủy ban cần có nguồn lực tương xứng về con người, nhất là đội ngũ lãnh đạo có tư duy chiến lược, am hiểu doanh nghiệp, mạnh mẽ trong việc thể hiện rõ tinh thần kiến tạo, phục vụ, không phải theo cách thức mệnh lệnh hành chính, quan liêu mà cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

“Phải có một thể chế và khung pháp lý rõ ràng, mạnh mẽ cũng như đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao để Ủy ban có thể vận hành, hoạt động hiệu quả, đáp ứng các nhiệm vụ đặt ra”, ông Phạm Phú Quốc nói.

Vị đại biểu Quốc hội cho rằng Ủy ban mới thành lập nên cần phải thường xuyên sơ kết, rút kinh nghiệm, tìm kiếm những cách làm hay, thay đổi sao cho phù hợp với sự phát triển.

Trong thời gian tới, Ủy ban cần chủ động đề xuất, kiến nghị để cùng các bộ ngành giải quyết các vướng mắc, khó khăn này.

Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc mong muốn phải tái cấu trúc lại chính cơ quan này theo mô hình tập đoàn đầu tư tài chính của nhà nước chứ không phải là một cơ quan hành chính cấp trên của các doanh nghiệp nhà nước như hiện nay.

Còn TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (Bộ KH-ĐT), một trong những thành viên ban soạn thảo đề án thành lập Ủy ban Quản lý vốn, chỉ ra thực trạng, thời gian qua, ủy ban đã không làm đúng bản chất của mình lúc mới thành lập. Đó là sự dùng dằng trong chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Đây mới là mấu chốt khiến việc thiết kế Ủy ban Quản lý vốn không đúng với bản chất.

“Vai trò của Ủy ban Quản lý vốn không phải dự án đầu tư mà là giao mục tiêu (như tỷ lệ sinh lời, hệ số tài chính, cải thiện năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh…) để doanh nghiệp thực hiện, chứ không phải đi giao từng dự án. Ủy ban phải làm như thế, còn đầu tư vào đâu, đầu tư như thế nào là quyết định của doanh nghiệp. Ủy ban Quản lý vốn không phải nơi thẩm định dự án đầu tư của doanh nghiệp. Dự án chỉ là công cụ đạt được mục tiêu mà thôi”, ông Cung kiến nghị.

Vị chuyên gia cho rằng, nếu cơ quan này cứ can thiệp từng dự án thì có hàng nghìn người cũng không làm được.

“Muốn có được người giỏi vào Ủy ban Quản lý vốn thì phải thực hiện cơ chế tiền lương mới, là tiền lương theo thị trường lao động quốc tế mới tuyển được CEO giỏi, chứ đừng đưa mấy ông công chức vào ủy ban. Ghế tại cơ quan này không phải ghế thử quyền lực”, ông Cung đề nghị.

Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/3, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giải thích, trong 19 tập đoàn, tổng công ty chuyển về còn nhiều nhiệm vụ tồn đọng. Thậm chí, có dự án lớn, triển khai dở dang 10 năm, 20 năm và nảy sinh nhiều vấn đề. Việc chuyển giao về Ủy ban, cơ quan này nhận thấy còn nhiều dự án hồ sơ chưa đầy đủ.

Bà Hà nhấn mạnh với mỗi dự án, cơ quan này yêu cầu triển khai theo đúng trình tự thủ tục, phê duyệt dự án phải tuân theo pháp luật chung và pháp luật chuyên ngành. Có những nhiệm vụ liên quan đến phê duyệt dự án, có thẩm quyền quyết định là của Thủ tướng, có thẩm quyền của địa phương, hoặc thẩm quyền của cơ quan chủ sở hữu.

“Chúng tôi chiếu theo quy định thì một số dự án không phù hợp, không hiệu quả thì phải yêu cầu làm rõ. Trong năm 2019, nhiều doanh nghiệp chưa quen cách triển khai của Ủy ban, nhưng chúng tôi yêu cầu phải bảo toàn vốn, không được thua lỗ, phải có hiệu quả. Khi không hiệu quả, chúng tôi yêu cầu phải báo cáo, đến khi nào có phương án thì mới đưa ra các cấp có thẩm quyền”, bà Hà chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
DNNN xin về lại Bộ: "Bước thụt lùi của cải cách"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO