[DNNN TRONG “BÃO” COVID-19] GVR lên sàn trong “mùa bão tố”
Dịch COVID-19 khiến GVR giảm doanh thu tới 1.200 tỷ đồng so với cùng kỳ quý I/2019. Lợi nhuận trước thuế giảm 44 tỷ đồng, còn 270 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR), COVID-19 làm ảnh hưởng toàn diện đến các ngành hàng của tập đoàn như trồng và khai thác cao su, gỗ, công nghiệp cao su, và khu công nghiệp. Ước tính, doanh thu cả năm 2020 của đơn vị giảm khoảng 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận giảm 1.800 tỷ đồng (giảm 48%) so với kế hoạch.
Trước đó, cổ phiếu của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) chính thức được giao dịch trên sàn chứng khoán TP. HCM (HoSE). Theo thông tin được công bố, 4 tỷ cổ phiếu GVR đã chính thức được giao dịch trên sàn HoSE với giá tham chiếu trong ngày đầu tiên là 11.570 đồng/cổ phiếu.
“Thổi bay”12.000 tỷ đồng
Theo mức giá này, vốn hóa ngày chào sàn của GVR là hơn 46.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, do “chào sàn” trong mùa “bão tố” COVID-19, nên GVR đã bị “thổi bay” hơn 12.000 tỷ đồng vốn. Nhưng nhìn về dài hạn, doanh nghiệp này vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào tương lai kinh doanh sau khi niêm yết.
Có thể bạn quan tâm
[DNNN TRONG “BÃO” COVID-19] VEC đứng trước nguy cơ "vỡ" kế hoạch
03:53, 14/04/2020
[DNNN TRONG “BÃO” COVID-19] Vinalines và thách thức thoái vốn 2020
11:00, 13/04/2020
[DNNN TRONG “BÃO” COVID-19] Vinachem "oằn mình" vì bốn "cục nợ" trên vai
11:00, 12/04/2020
[DNNN TRONG “BÃO” COVID-19] VNR có thể "ôm lỗ" gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2020
11:00, 10/04/2020
[DNNN TRONG “BÃO” COVID-19] Áp lực kép "đè nặng" PVN
11:00, 09/04/2020
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị VRG cho biết, việc niêm yết cổ phiếu GVR trên HOSE sẽ mang lại nhiều lợi thế cho Tập đoàn, tạo điều kiện tăng tính thanh khoản và thu hút các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn, góp phần nâng cao hình ảnh, thương hiệu và uy tín trên thị trường. Đồng thời cũng là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư, đem lại các giá trị tối ưu, đích thực, xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của quý cổ đông và các nhà đầu tư.
Theo bản cáo bạch của VRG, trong hai năm 2017 và 2018, doanh thu hợp nhất của tập đoàn lần lượt được ghi nhận đạt gần 22.402 tỷ đồng và 23.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt hơn 3.935 tỷ và 3.334 tỷ đồng. Riêng 9 tháng năm 2019, doanh thu hợp nhất của tập đoàn đạt hơn 14.780 tỷ đồng tương ứng lợi nhuận sau thuế là 2.309 tỷ đồng.
Trong những năm qua, cùng với việc gia tăng quy mô, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng, Tập đoàn rất chú trọng đến phát triển ổn định, bền vững trong giai đoạn 2019 – 2024 và những năm tiếp theo. Tập đoàn hướng đến việc thực hiện tái kết nối và đạt chứng chỉ FSC và các chứng chỉ quản lý rừng bền vững khác trong nước và quốc tế; tiếp tục đầu tư an sinh xã hội gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội trên cơ sở sản xuất kinh doanh ngày càng hiệu quả.
Năm 2020, GVR đã xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 24.647 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 4.029 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này tuy không quá cao so với kết quả đã đạt được trong năm 2019 (3.991 tỷ đồng), nhưng do ảnh hưởng của mùa dịch, cộng với lịch sử “phập phù” về lợi nhuận trong các năm trước, khiến nhà đầu tư vẫn “thấp thỏm” về khả năng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận hơn 4.000 tỷ đồng của GVR trong năm 2020.
Vẫn còn “điểm gợn”
Thực tế, trong những năm đã qua, lợi nhuận của GVR lên xuống rất “thất thường”. Đơn cử, Công ty đạt lợi nhuận sau thuế năm 2017 là 3.935 tỷ đồng, nhưng bất ngờ tuột dốc còn 3.334 tỷ đồng trước khi hồi phục tăng trở lại mức 3.991 tỷ đồng vào năm 2019.
Đánh giá về “sức khỏe” tài chính GVR, xét về quy mô thì không có gì phải lo ngại, vì doanh nghiệp này có vốn điều lệ tới 40.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 50.690 tỷ đồng. Về cơ cấu vốn, doanh nghiệp có tỷ lệ nợ thấp, quy mô nợ phải trả là 27.414 tỷ đồng, chỉ chiếm 35% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ ngắn hạn chỉ bằng khoảng 50% so với nợ dài hạn, với giá trị là 9.193 tỷ đồng.
Doanh nghiệp nhà nước này hiện có diện tích cao su kinh doanh vào khoảng 220.733 ha, diện tích khu công nghiệp hơn 1,4 triệu m2 và diện tích nông nghiệp công nghệ cao gần 3,44 triệu m2. Với việc niêm yết tại HoSE, Tập đoàn sẽ trở thành doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ chỉ xếp sau BIDV.
Tuy nhiên, có “điểm gợn” đáng chú ý là giá trị dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tương đối lớn, lên tới 191 tỷ đồng. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng đầu tư tài chính… tuy không quá lớn như phải thu khó đòi, nhưng cũng là số tiền không nhỏ, ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe tài chính doanh nghiệp.
Cụ thể, dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại thời điểm 31/12/2019 là 51,3 tỷ đồng, dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh là 4,4 tỷ đồng, dự phòng đầu tư tài chính dài hạn là hơn 11 tỷ đồng… Như vậy có thể thấy, dù được mong chờ và nhiều tiềm năng, nhưng GVR cũng không khiến các nhà đầu tư “rung động” trong bối cảnh chung của thị trường hiện nay.