Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã bắt đầu không cân đối được thu chi, khi thua lỗ tới 440 tỷ đồng trong quý I/2020.
Đây là báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đánh giá tình hình tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban, dự kiến doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty trong 3 tháng đầu năm 2020.
Thực tế, trong công bố báo cáo tài chính quý I/2020 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), doanh thu Vinachem ước đạt hơn 9.000 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ. Cụ thể, 4 doanh nghiệp thua lỗ, yếu kém là Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP số 2 Lào Cai, DAP Hải Phòng tiếp tục lỗ khoảng hơn 800 tỷ đồng, tăng tới 246% so với cùng kỳ 2019. Còn lại các doanh nghiệp khác của Vinachem có kết quả kinh doanh khá ổn định, đem lại số lợi nhuận là 363 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.
Lý do khiến 4 doanh nghiệp kể trên lỗ nặng là vì năm 2020 khấu hao và chi phí tài chính tăng cao, giá bán giảm. Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc chi phí khấu hao tăng hơn 440 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 122 tỷ đồng so với năm 2019. Công ty CP DAP Vinachem chi phí khấu hao tăng 47 tỷ đồng so với năm 2019; Công ty CP DAP số 2 Vinachem chi phí khấu hao tăng 131 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình chi phí khấu hao tăng hơn 436 tỷ đồng. Các đơn vị còn lại của Vinachem lợi nhuận năm 2020 ước đạt 816 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với kế hoạch.
Trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý II/2020, 4 doanh nghiệp yếu kém trên sẽ lỗ tới 3.444 tỷ đồng, tăng 33,9% so với kế hoạch. Trong khi, lợi nhuận của các doanh nghiệp còn lại cũng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, chỉ đạt khoảng 1.150 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đặt ra.
Điều đó khiến doanh thu cả năm của Vinachem chỉ ước đạt hơn 39.200 tỷ đồng, giảm gần 15% so với kế hoạch năm 2020.
Trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý III/2020, 4 doanh nghiệp yếu kém kể trên lỗ tới hơn 3.600 tỷ đồng, tăng 41,7% so với kế hoạch. Các doanh nghiệp còn lại lợi nhuận ước đạt 962 tỷ đồng, giảm gần 1 nửa so với kế hoạch. Do đó, Vinachem sẽ phải gánh lỗ nặng.
Trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý IV/2020, 4 doanh nghiệp yếu kém của Vinachem có thể lỗ hơn 3.700 tỷ đồng, tăng 45,7% so với kế hoạch. Tính chung toàn tập đoàn, Vinachem sẽ phải gánh khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng chỉ vì chịu 4 “cục nợ” trên vai.
Trước nguy cơ 4 dự án yếu kém có thể “kéo sụp cả tập đoàn” như lãnh đạo Vinachem từng lo ngại, Tập đoàn này kiến nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng xem xét gỡ khó một số khoản vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho 3 dự án là đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP 2 Lào Cai. Đó là cơ cấu kéo dài thời hạn vay tối đa thành 30 năm; không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả kể từ khi phát sinh; điều chỉnh giảm lãi suất tiền vay...
Theo Vinachem, do tác động của dịch COVID-19, 4 đơn vị yếu kém kể trên tiếp tục khó khăn về chi phí lãi vay đầu tư, đặc biệt là chi phí tăng mạnh do phải hạch toán lãi phạt trên lãi chậm trả; khó khăn trong việc vay vốn lưu động, lãi suất vay vốn lưu động tiếp tục phải chịu cao hơn mặt bằng thị trường từ 1-2,5%.
Ngoài ra, khó khăn, lo ngại được Vinachem chỉ ra với toàn tập đoàn là việc nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị sẽ xảy ra “khủng hoảng thiếu”, không có, chậm tiến độ hoặc phải mua giá cao, kể cả đã có hợp đồng đối với các vật tư, thiết bị, nguyên nhân vật liệu có nguồn gốc nhập khẩu. Hiện, các nhóm ngành của Vinachem chỉ đủ nguyên liệu đến tháng 5/2020. Trường hợp dịch bệnh bùng phát và kéo dài khả năng sẽ xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
04:07, 11/04/2020
11:00, 10/04/2020
11:00, 09/04/2020
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm cũng giảm mạnh cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Ở trong nước, hầu hết mặt hàng chủ lực của Vinachem như phân bón, cao su, hóa chất, pin ắc quy... đều tiêu thụ giảm mạnh về giá và lượng do nhu cầu trong nước suy giảm nghiêm trọng.
Trong khi đó, việc hạn chế giao thương hàng hóa qua biên giới giữa các nước cũng làm đơn hàng sụt giảm mạnh, nhiều đơn hàng bị hủy hoặc giảm sản lượng nghiêm trọng ở hầu hết thị trường như Mỹ, châu Âu, Brazil, các nước thuộc khu vực Đông Nam Á.
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, các nhà máy sản xuất thuộc Vinachem hầu hết dự trữ nguyên liệu hết quý I hoặc nửa quý II và nhập khẩu từ các thị trường chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Do vậy, nếu dịch bệnh kéo dài thêm nữa thì phải dừng luôn vì không nhập được nguyên liệu.