Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung: Kế hoạch của Bắc Kinh?

NGUYỄN CHUẨN 05/10/2020 05:04

Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung chắc chắn sẽ xảy ra, Washington cho thấy sự quyết liệt và Bắc Kinh cũng đã chuẩn bị chu đáo cho cuộc chiến lâu dài.

Sự quyết liệt từ Washington

Các chuyên gia phân tích cho rằng, mặc dù các biện pháp trừng phạt công nghệ của chính quyền Trump đôi khi mang tính ngẫu hứng và bột phát, thậm chí gây bất lợi cho chính hệ thống đổi mới công nghệ của mình nhưng đã cho thấy sự quyết liệt và tính toàn diện trong cuộc chiến với Trung Quốc thời điểm này.

SMIC công ty sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc đang gặp phải những hạn chế công nghệ từ Mỹ.

SMIC công ty sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc đang gặp phải những hạn chế công nghệ từ Mỹ.

Bắt đầu từ việc cắt đứt chuỗi cung ứng của các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, cấm giao dịch cho đến điều chỉnh các tuyến cáp dưới biển mà hệ thống viễn thông phụ thuộc vào.

Tiếp đó, họ vạch ra ranh giới và các chính sách công nghệ đối với Trung Quốc trong tương lai gần. Chính sách đó chủ yếu là hạn chế dòng chảy công nghệ đến Trung Quốc, tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và đầu tư vào các công nghệ mới nổi trong nước. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, ngay cả việc Donald Trump không thế tái đắc cử năm nay, chính sách của nước Mỹ vẫn khó có thể đi lạc khỏi những nguyên tắc cơ bản này. Trump đã đặt ra hướng đi cho sự cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung. Nếu có sự thay đổi trong quản lý, những thay đổi trong chính sách chỉ có thể là những vấn đề cần được tinh chỉnh. 

Ví dụ, để giải quyết những lo ngại mà TikTok, WeChat và các ứng dụng khác của Trung Quốc trong vấn đề về quyền riêng tư và kiểm duyệt dữ liệu, Mỹ cuối cùng có thể chọn thay thế các lệnh cấm hàng loạt dựa trên quốc gia xuất xứ bằng một khuôn khổ quy định về quyền riêng tư mạnh mẽ hơn của riêng mình. Và một chính quyền mới có thể đưa ra những thay đổi rộng rãi khác có thể ảnh hưởng đến quá trình cạnh tranh.

Ngoài ra, chính quyền Trump đã đề xuất tăng 30% chi tiêu cho trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học thông tin lượng tử, đồng thời các lĩnh vực nghiên cứu khoa học khác cũng có thể nhận được tài trợ ưu tiên. 

Bên cạnh đó, các chính sách nhập cư thông minh hơn có thể thu hút nhiều người giỏi nhất tìm kiếm cơ hội làm việc ở Mỹ thay vì ở Úc, Canada, Liên minh Châu Âu hoặc Vương quốc Anh và do đó tăng cường khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ trong công nghệ chất bán dẫn và AI.

Tất cả những thay đổi này sẽ diễn ra bên cạnh của cùng một chiến lược cơ bản: chặn dòng chảy công nghệ sang Trung Quốc, phục hồi một số chuỗi cung ứng công nghệ cao và tự "refress" mình của Mỹ. 

Và theo một báo cáo từ Deutsche Bank ước tính, chi phí của cuộc chiến công nghệ này có thể lên tới hơn 3,5 nghìn tỷ USD trong vòng 5 năm tới. 

Chiến lược “phòng thủ và phản công” của Bắc Kinh

Sự phản công mạnh mẽ của Bắc Kinh cũng đã bắt đầu bằng các chính sách “lấy tĩnh chế động”. 

Một mặt, Trung Quốc đang chạy đua để phát triển chất bán dẫn và các công nghệ cốt lõi khác để giảm tính dễ bị tổn thương đối với các chuỗi cung ứng đi qua Mỹ. Để theo đuổi mục tiêu đó, các nhà lãnh đạo của nước này đang huy động các công ty công nghệ, thắt chặt liên kết với các quốc gia tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc và duy trì chiến dịch gián điệp công nghiệp mạng.

chính phủ Trung Quốc đang cố gắng huy động các công ty công nghệ tư nhân ủng hộ các mục tiêu quốc gia.

Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng huy động các công ty công nghệ tư nhân ủng hộ các mục tiêu quốc gia.

Năm nay, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc đã công bố kế hoạch 5 năm của Trung Quốc, trong đó các thành phố, tỉnh và các công ty sẽ đầu tư gần 1,4 nghìn tỷ USD vào việc xây dựng “cơ sở hạ tầng mới” thông qua AI, trung tâm dữ liệu, 5G, Internet công nghiệp và các công nghệ mới khác. 

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đặc biệt tìm cách giảm sự phụ thuộc của nước họ vào Mỹ về chất bán dẫn. 

Không phải từ bây giờ Bắc Kinh mới nhận ra tầm quan trọng của công nghệ bán dẫn. Vào tháng 10/2019, Bắc Kinh đã thành lập một “quỹ bán dẫn” trị giá 29 tỷ USD và vào tháng 8 năm nay, các quan chức Trung Quốc đã đưa ra các chính sách khác để hỗ trợ ngành công nghiệp chip, bao gồm lợi ích về thuế, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển và các ưu đãi cho các công ty bán dẫn quốc tế chuyển đến Trung Quốc. 

Đồng thời, hai nhà sản xuất chip được chính phủ hậu thuẫn đã thuê hơn 100 kỹ sư và nhà quản lý kỳ cựu từ TSMC của Đài Loan, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới và một công ty an ninh mạng gần đây đã tiết lộ một “dự án hack” kéo dài hai năm nhằm đánh cắp mã nguồn, bộ phát triển phần mềm và thiết kế chip từ bảy công ty chip Đài Loan.  

Nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào công nghệ dường như đang “chiếm sóng” các chương trình nghị sự kinh tế lớn hơn của Trung Quốc. Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây đã liên tục quảng bá luồng tư tưởng kinh tế mới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, được gọi là “Lý thuyết tuần hoàn kép”. 

Mặc dù các chi tiết cụ thể của nó vẫn còn mơ hồ, lý thuyết này dường như ưu tiên tiêu dùng trong nước, thị trường và các công ty trong nỗ lực thúc đẩy khả năng tự cung cấp công nghệ của Trung Quốc sau nhiều thập kỷ tăng trưởng nhờ xuất khẩu. 

Theo tờ Wall Street Journal, Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He đang làm việc để xác định các công ty và ngành có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt. Những người được cho là đặc biệt dễ bị tổn thương có thể được chính phủ tài trợ nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển.

Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng đang cố gắng huy động các công ty công nghệ tư nhân ủng hộ các mục tiêu quốc gia. Theo đó, Alibaba và Tencent đã công bố các khoản đầu tư mới khổng lồ vào các dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu để hỗ trợ cơ sở hạ tầng mới.

Vì muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, Trung Quốc đã quan tâm đến các giải pháp mã nguồn mở mà họ tin rằng sẽ không bị Mỹ trừng phạt. Huawei đã cam kết đầu tư 1 tỷ USD để thu hút các nhà phát triển thay thế mã nguồn mở cho Google Mobile Services và Trung Quốc đã tích cực và nhiệt tình tham gia vào dự án chip mã nguồn mở RISC-V. 

Cuối cùng, nếu điều tồi tệ nhất xảy đến, Bắc Kinh vẫn giữ nguyên một công cụ chính sách mạnh mẽ để chống lại các công ty công nghệ của Mỹ.

Một số phương tiện truyền thông Trung Quốc cho rằng Apple hoặc Qualcomm cuối cùng có thể bị trừng phạt vì chiến dịch chống lại Huawei của Washington. Tuy nhiên, cho đến nay, Bắc Kinh đã tránh những hành động như vậy và thay vào đó chọn vị trí của mình là bên kiềm chế, có trách nhiệm trong tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ.

Cuối cùng, Trung Quốc và Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh công nghệ lâu dài, một cuộc chiến có thể sẽ không thay đổi bất kể kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ra sao. Và điều này có thể sẽ gây ra những hệ quả sâu sắc với bất kỳ bên liên quan nào.

“Khi hai con voi nhảy múa, khó có thể đứng bên ngoài mà không bị tác động”, Jörg Wuttke – Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu tại Trung Quốc ví von. Ông cho rằng, chiến tranh công nghệ có thể sẽ dẫn tới chiến tranh tài chính, tác động lâu dài, gây tổn hại nhiều và mang đến sự bất ổn khổng lồ. Điều lo ngại cuối cùng tất nhiên là khi Mỹ hay Trung Quốc quay sang và hỏi “các anh có một lựa chọn: đi theo hay chống lại chúng tôi”?

Có thể bạn quan tâm

  • Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung: Tiếp tục là SMIC?

    Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung: Tiếp tục là SMIC?

    05:28, 02/10/2020

  • Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung: Lại một

    Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung: Lại một "ông lớn" ra đi…

    05:37, 30/09/2020

  • Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung: Walmart tìm gì ở TikTok?

    Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung: Walmart tìm gì ở TikTok?

    06:31, 29/09/2020

  • Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung: Donald Trump học gì từ Trung Quốc?

    Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung: Donald Trump học gì từ Trung Quốc?

    05:46, 28/09/2020

  • Lĩnh vực trò chơi điện tử -

    Lĩnh vực trò chơi điện tử - "đích" tiếp theo của cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung

    07:19, 04/10/2020

NGUYỄN CHUẨN