Chiến lược mới của Huawei khi bán Honor?
Chiến lược mới của Huawei hay áp lực từ lệnh trừng phạt của Mỹ khiến họ phải tuyên bố bán Honor – thương hiệu con một thời đình đám?
Một nguồn tin độc quyền từ Reuters cho biết, Huawei được cho là đang đàm phán với Digital China và những công ty khác để bán các bộ phận của đơn vị điện thoại thông minh Honor trong một thỏa thuận có thể thu về 25 tỷ nhân dân tệ (3,7 tỷ USD).
Một thương vụ tiềm năng?
Chưa biết Huawei sẽ bán tất cả những gì của Honor hay chỉ là một phần. Nhưng theo các nguồn thạo tin, có thể sẽ bao gồm thương hiệu, trung tâm nghiên cứu & phát triển (R&D) và các hoạt động kinh doanh quản lý chuỗi cung ứng liên quan của Honor.
Và cũng có thể thỏa thuận này là một thương vụ mua bán hoàn toàn bằng tiền mặt và có giá trị ít hơn, trong khoảng từ 15 tỷ nhân dân tệ đến 25 tỷ nhân dân tệ.
Digital China, nhà phân phối chính cho điện thoại Honor đã giành “pole” nhưng những người mua tiềm năng khác bao gồm nhà sản xuất điện tử Trung Quốc TCL và nhà sản xuất điện thoại thông minh đối thủ Xiaomi cũng đang có cơ hội.
Với nhiều người thì thương hiệu Honor khá xa lạ. Tuy nhiên, trong giới trẻ và những người đam mê công nghệ thì Honor lại là nhãn hiệu khá “bắt mắt”. Honor từng có mặt ở Việt Nam từ năm 2018, thậm chí hãng đã từng là nhà tài trợ của đội bóng rổ có tiếng - Saigon Heat của Việt Nam.
Được thành lập vào năm 2013, dòng điện thoại thông minh Honor, giá “bình dân” và hợp túi tiền giới trẻ mặc dù sử dụng chung các tiến bộ khoa học của thương hiệu Huawei. Honor từng được đánh giá là một trong những sản phẩm tầm trung có thể cạnh tranh “sòng phẳng” với các thương hiệu điện thoại thông minh tầm trung, bán trực tuyến ở Trung Quốc và toàn cầu.
Thương hiệu Honor, bán điện thoại trực tuyến thông qua các trang web của chính mình và thông qua các nhà bán lẻ bên thứ ba, cạnh tranh với Xiaomi, Oppo và Vivo trên thị trường điện thoại giá rẻ ở Trung Quốc. Ngoài ra, Honor cũng rất phổ biến ở Đông Nam Á và Châu Âu.
Có thể nói, Honor là mục tiêu lâu dài và là chiến lược “dài hơi” của Huawei, tất cả các sản phẩm mang thương hiệu này đều có thiết kế và cấu hình giống với các máy của Huawei nhưng lại nhắm vào phân khúc khách hàng “trẻ trung” với túi tiền hạn chế.
“Đòn hy sinh” của Huawei?
Kể từ năm ngoái, chính quyền Trump đã ra lệnh ngăn cản hầu hết các công ty Mỹ tiến hành kinh doanh với Huawei. Họ cho rằng, “gã khổng lồ” công nghệ này là một nguy cơ an ninh quốc gia của nước Mỹ.
Và mới đây, Washington đã tiếp tục công bố các quy định mới nhằm mục đích hạn chế khả năng của Huawei trong việc mua các chip quan trọng mà họ thiết kế cho thiết bị mạng 5G và điện thoại thông minh của mình.
Kuo Ming-chi, một nhà phân tích tại TF International Securities cho rằng, thương vụ bán Honor của Huawei sẽ là việc “đôi bên cùng có lợi”, cả cho thương hiệu Honor, Huawei và các nhà cung cấp và ngành công nghiệp điện tử của Trung Quốc.
“Nếu Honor độc lập với Huawei, việc mua các linh kiện của hãng sẽ không còn phải tuân theo lệnh cấm của Mỹ đối với Huawei. Điều này sẽ giúp ích cho việc kinh doanh điện thoại thông minh của Honor và các nhà cung cấp ”, Kuo Ming-chi cho biết.
Có thể bạn quan tâm