Giải mã Shopee

KHÁNH HÀ 14/12/2020 11:00

Hiện nay Shopee Việt Nam đã trở thành mô hình lai khi có cả B2C (doanh nghiệp đến người tiêu dùng) và C2C (Trung gian trong quy trình mua bán giữa các cá nhân với nhau).

Lâu nay, ngành thương mại điện tử Việt Nam vẫn được ví von là "cuộc đua đốt tiền" của các "ông lớn" bởi biên lợi nhuận vô cùng thấp. Nhiều doanh nghiệp đang phải gánh khoản lỗ lớn, thậm chí một số đã phải rút lui, đơn cử như trang thương mại điện tử Adayroi hay gần hơn là trang thương mại điện tử dành cho thời trang cao cấp LeFlair.

Bước tiến nhanh chóng

Thành lập vào tháng 7/2015, Shopee là nền tảng mua sắm trên thiết bị di động có trụ sở ở Singapore. Chiến lược của Shopee là tập trung vào thị trường Đông Nam Á gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Đài Loan và Việt Nam. Công ty chủ quản của Shopee là Garena nay là Sea (Singapore), được thành lập năm 2009. Từ doanh nghiệp phát hành game trực tuyến, Sea chuyển thành doanh nghiệp internet bằng cách mở thêm mảng thương mại điện tử Shopee và thanh toán trực tuyến AirPay.

Tại Việt Nam, Shopee chính thức ra mắt vào tháng 8/2016, theo iPrice, sàn thương mại điện tử này tiếp tục dẫn đầu trong cả năm 2019 về lượng truy cập website, đạt trung bình 33,6 triệu lượt mỗi tháng. Con số này một phần nào đó cũng tương đồng với tốc độ lỗ tăng đột biến của Shopee trong những năm gần đây, với nguồn tài chính dồi dào từ công ty mẹ - SEA.

Shopee được sự hậu thuẫn của SEA (Singapore), mà SEA thì được Tencent sở hữu 40% cổ phần. Shopee đã được SEA tăng thêm hơn 1.200 tỷ đồng, tương đương 50 triệu USD cho vốn điều lệ của Shopee Việt Nam.

Bản đồ thương mại điện tử quý III/2020 do iPrice Group công bố cho thấy Shopee tiếp tục củng cố vị trí dẫn đầu của mình trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam với mức tăng trưởng kỷ lục.

Theo đó, lượng truy cập website trung bình mỗi tháng của Shopee đạt 62,7 triệu lượt, tăng 19% so với quý trước đó và 81% so với cùng kỳ 2019. Đây tiếp tục là một kỷ lục mới của Shopee, vượt qua mức cao nhất từ trước đến nay của sàn thương mại điện tử này vào quý trước đó và vượt qua đỉnh cao mà Lazada lập được hồi quý IV/2017.

Theo thống kê của iPrice Group, Shopee đã đứng đầu về lượng truy cập suốt 9 quý liên tiếp, kể từ khi vượt mặt Lazada hồi quý III/2018.

Trong khi đó, các đối thủ như Tiki và Lazada dù lượng truy cập đã có dấu hiệu phục hồi lần lượt ở mức 22,6 và 20,2 triệu lượt, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn thấp, chỉ dưới 10% so với quý trước, từ đó nới rộng khoảng cách giữa Shopee với các nền tảng này.

Riêng Sendo thậm chí còn sụt "hụt hơi" khi lượng truy cập website tiếp tục giảm sâu xuống 14,1 triệu lượt, thấp nhất kể từ khi iPrice đưa ra các con số thống kê. Đây là quý giảm thứ 4 liên tiếp của Sendo, sau khi từng lập đỉnh 30,9 triệu lượt trong quý III/2019.

Thậm chí, nếu tính gộp lượng truy cập website bình quân mỗi tháng của cả 3 sàn thương mại điện tử là Tiki, Lazada và Sendo mới chỉ đạt 56,8 triệu lượt, chỉ tương đương hơn 90% lượt truy cập của Shopee.

Tuy nhiên, ngay năm đầu tiên ra mắt, Shopee lỗ 164 tỷ đồng. Sang năm 2017, Shopee lỗ hơn 600 tỷ đồng và đến năm 2018, mức lỗ tăng gấp 3 lên 1.900 tỷ đồng.

Năm 2019, Shopee đã đạt 1,2 tỷ đơn đặt hàng, đem về doanh thu 17,6 tỷ USD. Mức lỗ EBITDA trên mỗi đơn hàng được điều chỉnh giảm xuống 0,86 USD so với mức 1,42 USD của năm trước. Tuy nhiên, Shopee vẫn công bố mức lỗ EBITDA là 1 tỷ USD vào năm 2019. Điểm đáng chú ý là, liên tục ghi nhận lỗ nhưng trong thời gian qua Shopee chưa hề phát sinh doanh thu.

Thách thức ngôi vương

Báo cáo tài chính trong những năm đầu hoạt động tại Việt Nam cho thấy, Shopee dành đến 90% kinh phí marketing cho các chiến dịch khuyến mãi, miễn phí vận chuyển, flash sale và phiếu giảm giá cho cả người mua và người bán nhằm thu hút lượng đáng kể khách hàng đến từ các nền tảng khác nhau.

Mô hình C2C tại thời điểm đó đã giúp Shopee xây nên một mạng lưới khổng lồ, kết nối người mua và người bán mà không có bất kỳ mối lo nào về hàng tồn kho. Trái lại, Shopee còn tạo được hiệu ứng "truyền miệng" khi sở hữu "chợ" sản phẩm đa dạng với dịch vụ hậu cần, chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, thúc đẩy làn sóng mua hàng online tăng lên chóng mặt.

Từ nền móng này, Shopee đã đưa các nhà cung cấp đầu ngành lên sàn thương mại điện tử khi kết hợp mô hình B2C, cạnh tranh trực tiếp với Lazada - "gã khổng lồ" thương mại điện tử vào thời điểm đó.

Mặt khác, để có được định vị thương hiệu như hiện nay, không thể bỏ qua chiến lược "nội địa hóa" khi Shopee lựa chọn thuê nhân viên bản địa, những người am hiểu về văn hóa và phong tục địa phương, hợp tác với các ngân hàng, đối tác hậu cần ở mỗi nước để đảm bảo trải nghiệm mua sắm và giao hàng hiệu quả.

Theo nghiên cứu của Google và Temasek, thời gian sử dụng Internet trên các thiết bị di động tại Đông Nam Á là cao nhất trên khu vực, lên tới 3,6 giờ/ngày/người.

Nắm bắt được thói quen này, Shopee xác định thiết bị di động là “đấu trường” chính của thương mại điện tử. Người dùng ứng dụng có xu hướng trung thành hơn và chi nhiều tiền hơn cho mỗi đơn hàng so với người dùng web.

Đây chắc hẳn là lí do khiến Shopee không chỉ thống trị về lượng truy cập trên website mà còn đứng đầu về xếp hạng trên Android và iOS theo iPrice Group.

Theo báo cáo về nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á do Google, Temasek và Bain thực hiện, quy mô của ngành thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2020 ước đạt 7 tỷ USD, tăng 46% so với năm 2019. Dự kiến đến năm 2025, quy mô thị trường này có thể lên tới 29 tỷ USD. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, nhu cầu mua sắm online của người dân ngày càng cao.

Thực tế từ thống kê của Sách trắng Thương mại Điện tử cho thấy người dùng mua sắm trên website giảm mạnh từ 74% năm 2018 xuống còn 52% năm 2019. Ngược lại, người dùng mua qua ứng dụng tăng từ 52% lên 57%, tức mua qua app đã vượt mua trên website.

Mồi ngon ắt sẽ hút không ít thợ săn. Cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn khi một vài cái tên quen thuộc cũng đang "lấn sân" sang thương mại điện tử như Grab hay Momo. Điều này đòi hỏi Shopee hay bất kỳ một sàn thương mại điện tử nào khác cũng sẽ phải luôn sáng tạo, tự làm mới mình để hấp dẫn khách hàng.

Có thể bạn quan tâm

  • BigTech có thể bị phá vỡ?

    BigTech có thể bị phá vỡ?

    04:10, 14/12/2020

  • Thúc đẩy chuyển đổi số: Cần xây dựng lộ trình phù hợp

    Thúc đẩy chuyển đổi số: Cần xây dựng lộ trình phù hợp

    11:00, 13/12/2020

  • “Ẩn họa” từ liên minh Grab - Singtel

    “Ẩn họa” từ liên minh Grab - Singtel

    14:00, 12/12/2020

  • “Sự điên rồ” của phố Wall!

    “Sự điên rồ” của phố Wall!

    11:02, 12/12/2020

  • Thúc đẩy chuyển đổi số: Phải “chuyển đổi” từ bản thân

    Thúc đẩy chuyển đổi số: Phải “chuyển đổi” từ bản thân

    10:59, 12/12/2020

  • Thúc đẩy chuyển đổi số: Nhận thức số để thay đổi tư duy

    Thúc đẩy chuyển đổi số: Nhận thức số để thay đổi tư duy

    05:00, 12/12/2020

  • Vì sao Hòa Phát quyết thoái vốn khỏi mảng nội thất?

    Vì sao Hòa Phát quyết thoái vốn khỏi mảng nội thất?

    02:00, 12/12/2020

KHÁNH HÀ