ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM (Bài 2): Thu gọn bộ máy Tổng Công ty đường sắt, khắc phục chồng chéo
Mới đây, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo tái cơ cấu Tổng Công ty Đường sắt, thu gọn đầu mối các đơn vị trực thuộc, khắc phục chồng chéo.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về cuộc họp về Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia tại cuộc họp. Từ đó làm rõ cơ sở pháp lý, thẩm quyền phê duyệt để hoàn thiện đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021 - 2025, gắn với chiến lược phát triển ngành Đường sắt, trình Thủ tướng trong quý I/2021.
Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung thu gọn đầu mối các đơn vị trực thuộc, khắc phục tình trạng chồng chéo bộ máy; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ tiên tiến, hiện đại đối với đường sắt.
Cùng đó, cần rà soát việc hợp nhất Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn theo hướng chuyên môn hóa, tiến tới tách riêng vận tải hàng hóa khỏi vận tải hành khách.
Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ yêu cầu thực tiễn về việc thành lập đơn vị trực thuộc để khai thác quỹ đất nhà ga và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm khai thác tốt các quỹ đất đường sắt. Vấn đề phát triển, xây dựng các kho bãi hàng hóa và nâng cấp, xây dựng các nhà ga hành khách thành trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê theo đúng quy định tại Luật Đường sắt sửa đổi năm 2017.
Cùng đó, tập trung nâng cao năng lực cơ khí bảo đảm cơ khí đường sắt phải làm chủ công nghệ đóng mới toa xe, đầu máy, hạn chế phụ thuộc vào nước ngoài để góp phần giảm giá thành vận tải. Ngoài ra, cần nghiên cứu việc nâng cấp các tuyến đường sắt liên vận với Trung Quốc để phát triển vận tải liên vận quốc tế.
Về vấn đề đổi mới cơ chế khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu thực hiện theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, sử dụng và khai thác theo phương thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đến hết năm 2025, hoặc đến hết năm 2030 theo quy định tại Nghị định.
Trong thời gian này, tổ chức xác định những giá trị tài sản phù hợp như khu ga, một số tuyến đường sắt để tiến hành giao theo hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật. Nghiên cứu, kiến nghị cơ chế khai thác quỹ đất nhà ga, kho hàng để phát triển nguồn lực và giảm chi phí logistics…
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo báo cáo trình Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27-KL/TW về Chiến lược phát triển giao thông vận tải (GTVT) đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam là rất cần thiết, do hệ thống đường sắt Việt Nam đã lạc hậu, phải được cải tạo, xây dựng mới để phát triển đất nước.
Số liệu thống kê của 3 năm gần nhất 2017, 2018 và 2019 cho thấy thị phận vận tải hành khách lần lượt là 2,00%; 1,71% và 1,29%; thị phần vận tải hàng hóa lần lượt là 1,33%; 1,30% và 1,04%. Trong khi đó, vận tải liên vận quốc tế chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng.
Trước đó, trong Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020 trình cấp có thẩm quyền, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn thành 1 công ty cổ phần vận tải đường sắt. Sau khi hợp nhất, doanh nghiệp hợp nhất thực hiện phân chia, bóc tách về tổ chức, lao động, vốn, tài sản để thành lập công ty con chuyên kinh doanh hàng hóa.
Bên cạnh đó, Đề án cũng đề xuất phương án giữ nguyên mô hình tổ chức và tỷ lệ vốn góp của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ở mức trên 51% vốn điều lệ tại 15 công ty cổ phần bảo trì cầu, đường sắt.
Tiếp tục duy trì tỷ lệ vốn góp như hiện nay (trên 51%) và từng bước nâng tỷ lệ vốn góp lên 75% hoặc 100% tại 5 công ty cổ phần thông tin tín hiệu đường sắt.
Tiếp tục giữ cổ phần chi phối tại Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An và Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm để phát triển công nghiệp cơ khí đường sắt. Trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực, Tổng công ty sẽ xây dựng lộ trình giảm vốn của Tổng công ty tại 2 đơn vị này xuống còn 51%, trình Thủ tướng phê duyệt.
Chia sẻ với báo giới, ông Vũ Anh Minh - chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, ngành đường sắt vẫn còn những khó khăn "không nói nhưng ai cũng biết" như hạ tầng lạc hậu, cũ kỹ, đường đơn khổ 1m, hàng ngàn đường cong bán kính dưới 300m, không đồng đều tải trọng, trên 14.000 vị trí bị xâm phạm an toàn giao thông, đường sắt đầu tư thay thế cái cũ chứ không tạo ra sản phẩm mới...
Niềm hi vọng của đường sắt là kịch bản năm 2021 này sẽ hết dịch COVID-19 khi có vắc xin và dự án 7.000 tỉ đồng cải tạo hạ tầng hoàn thành sẽ có hạ tầng tốt hơn để tăng năng lực vận tải, từ đó ngành đường sắt sẽ có dư địa phát triển.
Cùng với đó, ông Minh hi vọng đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được thông qua để doanh nghiệp này tái cơ cấu từ tài chính, đầu tư, khoa học công nghệ, sản phẩm dịch vụ, tái cơ cấu nhân sự và mô hình tổ chức để đường sắt có thể khai thác tốt nhất trên hạ tầng hiện có.
Có thể bạn quan tâm
“Trải thảm” mời tư nhân đầu tư đường sắt
17:48, 16/01/2021
ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM (BÀI 1): Mỏi mòn chờ tái cơ cấu
11:02, 14/01/2021
Bản tin 60s ngày 12/01: Đường sắt nguy cơ bị "xoá sạch" 3.200 tỷ đồng vốn chủ sở hữu
11:00, 12/01/2021
Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông: Khi nào khai thác thương mại?
12:00, 04/01/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới đường sắt
18:01, 30/12/2020
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Hoàn thiện Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
19:29, 17/12/2020