Điều gì khiến Aldi sống khỏe trong đại dịch?
Đại dịch COVID-19 khiến các chuỗi siêu thị rơi vào cảnh khó khăn chồng chất, nhưng có một nhà bán lẻ lại đang có kế hoạch mở rộng thêm hàng trăm cửa hàng mới trên toàn nước Mỹ. Đó chính là Aldi.
Được thành lập bởi hai anh em nhà Aldi vào năm 1913, thương hiệu Aldi khởi đầu chỉ là một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở một khu dân cư cũng rất nhỏ tại nước Đức. Nhưng giờ đây, chuỗi siêu thị Aldi, đã có hơn 2.000 cửa hàng ở 37 bang ở Mỹ. Các cửa hàng mới của họ sẽ được đặt tại Arizona, California, Florida và khu vực Đông Bắc nước Mỹ.
Có một điều đáng ngạc nhiên, chuỗi cửa hàng tạp hóa do tư nhân nắm giữ này lại đang trên đường trở thành chuỗi siêu thị lớn thứ ba sau Kroger và Walmart về số lượng cửa hàng, với lộ trình 2.500 cửa hàng tại Mỹ vào cuối năm 2022.
Rõ ràng việc mở rộng của Aldi lại diễn ra khi đại dịch COVID-19 thúc đẩy sự phát triển các chuỗi cửa hàng tạp hóa. Theo dữ liệu gần đây nhất từ Bộ Thương mại Mỹ, với việc nhiều nhà hàng đóng cửa và người tiêu dùng phải dự trữ nhu yếu phẩm ở nhà, doanh số bán hàng tại các cửa hàng tạp hóa đã tăng 7,9% trong tháng 12 năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019.
Trên thực tế, Aldi có một mô hình kinh doanh rất khác biệt với hầu hết các siêu thị giá rẻ khác. Aldi luôn tự hào rằng giá của họ rẻ hơn tới 50% so với các siêu thị truyền thống. Với diện tích khoảng 12.000 feet2 (hơn 1000m2), các cửa hàng của họ nhỏ hơn nhiều so với một siêu thị điển hình của Mỹ có trung bình diện tích 40.000 feet2 (hơn 3700m2).
Aldi có một chiến lược riêng mà không phải bất cứ nhà bán lẻ nào đều có được. Họ đứng trên quan điểm của khách hàng, để thiết kế một trải nghiệm mua sắm “tinh giản tối ưu” (no-frills shopping). Điều này giúp giữ cho chi phí giá cả thấp, tiết kiệm chi phí đến từng phần trăm mà không ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa. Đồng thời họ chỉ tập trung dự trữ những mặt hàng có khối lượng bán thật lớn.
Ngoài ra, chính việc tập trung bán các mặt hàng mang nhãn hiệu riêng thay vì các thương hiệu nổi tiếng là chìa khóa cho phép Aldi điều chỉnh giá bất cứ khi nào họ muốn. Theo một báo cáo từ công ty, hơn 90% các thương hiệu mà Aldi bán là các nhãn hiệu riêng của mình như các sản phẩm hữu cơ Simply Nature, ngũ cốc Millville, sốt cà chua Burman và bánh mì đặc biệt với giá rẻ hơn các nơi khác.
Thời điểm này, Aldi đang mở rộng dịch vụ “đón khách lề đường” tại hơn 1.200 cửa hàng của chuỗi. Đồng thời, họ vẫn có kế hoạch cung cấp dịch vụ giao hàng tạp hóa thông qua Instacart từ hầu hết các cửa hàng của mình.
“Đón khách lề đường” đã trở thành một dịch vụ phổ biến trong đại dịch COVID-19, khi người mua hàng tìm cách tránh phải vào bên trong các cửa hàng trong thời kỳ khủng hoảng sức khỏe. Tức là việc Aldi sẽ cho nhân viên phục vụ tùy chọn yêu cầu của khách hàng ở ngay bên ngoài siêu thị. Các nhà bán lẻ kỳ vọng người tiêu dùng sẽ tiếp tục tìm kiếm tùy chọn này ngay cả khi các trường hợp COVID giảm bớt vì điều đó giúp việc mua sắm trở nên thuận tiện hơn.
Theo nhà phân tích Michael Lasser của UBS, doanh số bán hàng trực tuyến, bao gồm bán hàng ở lề đường, chiếm 21% doanh số bán hàng tạp hóa của Mỹ vào năm 2020, so với 4% vào năm 2019.
Aldi mở cửa hàng đầu tiên ở Mỹ vào năm 1976, và trong những năm gần đây, họ đã đầu tư hơn 5 tỷ USD để tu sửa lại các cửa hàng hiện có và mở thêm hàng trăm cửa hàng mới.
Tuy nhiên, thời gian tới công ty có thể phải đối mặt với một môi trường khó khăn hơn vào năm 2021. Cũng theo nhà phân tích Michael Lasser, doanh số bán hàng tạp hóa dự kiến sẽ giảm 5% vào năm 2021, với sự xuất hiện của vắc-xin COVID-19 và việc dỡ bỏ các phong tỏa, người tiêu dùng chuyển sang các bữa ăn ở nhà hàng.
Có thể bạn quan tâm
Nhà bán lẻ Miniso và tham vọng vươn ra toàn cầu
04:00, 02/12/2020
Walmart "đặt cược" vào quảng cáo
05:08, 01/02/2021
Vì sao Giám đốc thương mại điện tử của Walmart từ chức?
03:00, 19/01/2021
Walmart liên kết với Ribbit Capital mở startup về fintech
04:28, 15/01/2021
Kroger mơ lớn với mô hình “nhà hàng không người”
05:08, 10/10/2020
Aldi và chiến lược "no-frills shopping"
13:10, 18/05/2019