LG và cuộc tháo chạy khỏi mảng smartphone
Liên tục thua lỗ trong nhiều năm, LG đã thông báo chào bán nhà máy sản xuất smartphone ở Hải Phòng với giá hơn 100 tỷ won (2.064 tỷ đồng). Nếu không thành, hãng thanh lý mặt bằng để thu hồi vốn.
Từng là nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) lớn thứ ba thế giới, LG Electronics ngập trong thua lỗ ở mảng kinh doanh này những năm gần đây. Không thể tiếp tục đương đầu với sức ép cạnh tranh, nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc cuối cùng đã từ bỏ cuộc chơi smartphone.
Rao bán nhà máy tại Việt Nam
Theo Business Korea, sau thông báo rút khỏi thị trường smartphone, LG sẽ tiến hành các bước tiếp theo để đóng cửa các nhà máy ở Hải Phòng (Việt Nam), Taubate (Brazil) và Thanh Đảo (Trung Quốc). Trong đó, nhà máy tại Hải Phòng là cơ sở sản xuất smartphone lớn nhất của hãng. Công suất trung bình mỗi năm của cơ sở này khoảng 10 triệu thiết bị di động, tương đương nửa sản lượng smartphone toàn cầu của hãng.
Ban đầu LG kỳ vọng sẽ tìm được khách hàng mua lại nhà máy Hải Phòng với giá 100 tỷ won (2.064 tỷ đồng). Tuy nhiên, Business Korea cho rằng LG khó bán được nhà máy này với giá mong muốn. Nguyên nhân đầu tiên là mức này quá cao. Hơn nữa, các hãng sản xuất smartphone tại Việt Nam đều đã có dây chuyền sản xuất riêng. Các nhà máy của LG ở Taubete và Thanh Đảo cũng gặp khó khăn tương tự.
Nguồn tin độc quyền của The Korea Herald cho biết: "Khi nỗ lực bán mảng kinh doanh điện thoại không thành, LG đang cân nhắc mọi phương án để tận dụng tối đa hiệu quả của các nhà máy. Một số cơ sở có thể được chuyển đổi sang sản xuất thiết bị khác". Business Korea cho biết cơ sở không thể bán được sẽ phải thanh lý mặt bằng để thu hồi tối đa lợi nhuận.
Báo chí Hàn Quốc cũng lưu ý rằng việc LG thoát khỏi mảng kinh doanh smartphone và đóng cửa các nhà máy sản xuất có thể gây ra làn sóng thất nghiệp tại địa phương. Cuối tháng 2, sau khi có tin đồn về việc LG bán nhà máy Taubate, Giám đốc điều hành và nhiều nhân viên ở đây đã đình công do lo ngại về thu nhập và công việc trong tương lai.
Tại Việt Nam, LG đang có ba nhà máy lớn tại Hải Phòng. Nhà máy LG Electronics chuyên sản xuất điện thoại di động, TV, điều hòa, máy hút bụi, máy giặt, tủ lạnh... Nhà máy LG Innotek Vietnam chuyên sản xuất module camera cho smartphone. LG Display Vietnam sản xuất màn hình.
Trước khi quyết định rút lui khỏi mảng kinh doanh di động, LG từng nỗ lực bán lại mảng kinh doanh smartphone tại Mỹ cho Tập đoàn Vingroup của Việt Nam, nhưng không thành. Nguyên nhân đến từ đề nghị của Vingroup thấp hơn so với mức mong muốn của LG.
LG còn lại gì?
Theo tin từ Reuters, công ty Hàn Quốc LG Electronics sẽ "khai tử" mảng kinh doanh điện thoại thông minh (smartphone) đang thua lỗ của mình sau nhiều nỗ lực bán mảng này nhưng không thành. Công ty này dự kiến sẽ chấm dứt hoàn hoạt động của mảng này vào ngày 31/7 tới.
Động thái này đánh dấu lần đầu tiên một thương hiệu smartphone lớn của Hàn Quốc rút hoàn toàn khỏi thị trường.
Quyết định của LG sẽ để lại 10% thị phần smartphone tại Bắc Mỹ - nơi LG là thương hiệu smartphone lớn thứ 3 - cho các đối thủ như Samsung Electronics và Apple.
"Tại Mỹ, LG nhắm tới phân khúc smartphone giá trung bình và rẻ. Điều này đồng nghĩa Samsung - với nhiều dòng sản phẩm tầm trung hơn so với Apple - có nhiều cơ hội thu hút khách hàng của LG hơn", nhà phân tích Ko Eui-young của Hi Investment & Securities nhận định.
Mảng smartphone của LG đã trải gần 6 năm làm ăn bết bát với khoản lỗ lên tới 4,5 tỷ USD. Trong một thông cáo, LG cho biết việc rút khỏi thị trường smartphone cạnh tranh khốc liệt sẽ giúp công ty tập trung hơn vào các mảng kinh doanh tăng trưởng tốt hơn như linh kiện xe điện, thiết bị kết nối và nhà thông minh.
LG từng là một trong những nhà sản xuất điện thoại tiên phong khi tung ra các dòng smartphone với nhiều cải tiến như camera góc siêu rộng. Vào thời hoàng kim năm 2013, LG từng là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới, sau Samsung và Apple.
Tuy nhiên, sau đó, các dòng sản phẩm hàng đầu (flagship) của LG bắt đầu gặp phải nhiều vấn đề về cả phần cứng lẫn phần mềm. Cộng với việc chậm cập nhật phần mềm, thương hiệu này bắt đầu trượt dốc. Theo các nhà phân tích, một nguyên nhân khác góp phần cho thất bại của LG là chiến lược tiếp thị sản phẩm kém hiệu quả so với các đối thủ Trung Quốc.
Quyết định của LG gây bất ngờ bởi nhiều thương hiệu điện thoại đình đám một thời như Nokia, HTC và Blackberry - cũng trượt dốc từ đỉnh cao - đến nay vẫn chưa rút hoàn toàn khỏi thị trường.
Hiện tại, LG nắm 2% thị phần smartphone toàn cầu. Năm ngoái, công ty này chỉ bán được 23 triệu smartphone - con số khiêm tốn so với 256 triệu chiếc của Samsung, theo hãng nghiên cứu Counterpoint.
Smartphone hiện chiếm khoảng 7% doanh thu, là mảng nhỏ nhất trong 5 mảng kinh doanh chính của LG.
Theo tin từ một số nhà phân tích, LG có kế hoạch giữ lại bản quyền công nghệ 4G và 5G cũng như nhân sự chủ chốt của mảng nghiên cứu phát triển để tiếp tục phát triển công nghệ viễn thông 6G. Tuy vậy, công ty này chưa quyết định sẽ cấp phép sử dụng các bản quyền công nghệ này cho bên khác trong tương lai hay không.
Với những khách hàng đang sử dụng điện thoại LG, hãng sẽ tiếp tục hỗ trợ dịch vụ và cập nhật phần mềm trong khoảng một thời gian nhất định tùy thuộc từng khu vực.
Trước đó, nguồn thạo tin của Korea Times cho biết nỗ lực của LG Electronics nhằm bán lại nhà máy sản xuất điện thoại di động ở Việt Nam cho Vingroup đã đổ bể, do mức giá mà Vingroup đề xuất thấp hơn nhiều so với mức giá mà công ty Hàn Quốc mong muốn.
Giá cổ phiếu LG Electronics đã tăng gần 7% kể từ khi công ty này cho biết đang cân nhắc các lựa chọn cho mảng kinh doanh smartphone vào tháng 1 năm nay.
Có thể bạn quan tâm