Thế khó của Café Amazon Việt Nam
Thị trường chuỗi café Việt Nam đã trở nên sôi động hơn bao giờ hết sau khi “đại gia” Café Amazon Việt Nam của Thái Lan tăng tốc mở thêm cửa hàng ở Việt Nam.
Cách đây không lâu, Café Amazon- thương hiệu café lớn nhất của Thái Lan, đã âm thầm khai trương chuỗi cửa hàng ở Go!- hệ thống siêu thị do Central Group của Thái Lan điều hành. Phân khúc họ chọn là trung cấp, đây cũng là phân khúc có sự cạnh tranh khốc liệt nhất trên thị trường này.
Trên thực tế, Central Group sở hữu đến 40% cổ phần của Café Amazon, trong khi phần còn lại thuộc về PTT Oil and Retail Business (PPTOR). Ra mắt từ năm 2001, đến nay Café Amazon đã có trên 3.000 cửa hàng ở Thái Lan, Myanmar, Philippines, Lào, Nhật Bản, Oman, Trung Quốc, Singapore...
Với tham vọng trở thành thương hiệu hàng đầu toàn cầu của Thái Lan, PPTOR và Central Group đã chọn Dcorp R-Keeper là đối tác triển khai giải pháp quản lý chuỗi café, cung cấp nền tảng công nghệ để phục vụ các kế hoạch mở rộng và nhượng quyền thương hiệu trong tương lai.
Có thể thấy, chuỗi Café Amazon là cái tên mới nhất, bày tỏ tham vọng với thị trường chuỗi bán lẻ café có trị giá tỷ USD của Việt Nam, theo sau những cái tên như Starbucks hay The Coffee Bean and Tea Leaf. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng, cuộc chiến thị phần café tại Việt Nam luôn là một cuộc chiến dài hơi và có phần “khó xơi” cho các thương hiệu ngoại.
Thị trường café Việt Nam đã từng chứng kiến sự rút lui của các thương hiệu nước ngoài như NYDC - New York Dessert Café và Gloria Jean's Coffees hay là Espressamente Illy. Những thương hiệu café nổi tiếng thế giới này, mặc dù nhận được nguồn đầu tư mạnh mẽ từ các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, nhưng cũng đã không thể cạnh tranh được với các thương hiệu café trong nước như Highlands, Phúc Long, The Coffee House hay là Trung Nguyên... Họ “đến rồi đi như một cơn gió” và thứ còn lại có chăng chỉ là những hoài niệm. Bởi vậy, đây là thách thức không nhỏ với Café Amazon.
Có thể bạn quan tâm