Việc thiếu nguồn cung chip có thể sẽ làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của Apple trong những tháng tới.
Vừa qua, Apple dự kiến doanh thu quý hiện tại sẽ thấp hơn quý trước khoảng 3 - 4 tỉ USD vì thiếu nguồn cung chip cho iPad và Mac. Theo CNBC, CEO Tim Cook thừa nhận Apple đang thiếu các chip được gọi là "legacy node", sử dụng phương pháp sản xuất cũ so với các chip hiệu suất cao hơn đang được dùng cho một số thiết bị khác của hãng.
Mặc dù ông không nói rõ bộ phận nào đang thiếu hụt chip mà chỉ cho biết Apple cần mua rất nhiều chip "legacy node" để phục vụ các chức năng truyền dữ liệu đến màn hình, cung cấp năng lượng cho camera, giải mã âm thanh và quản lý pin của thiết bị.
Bên cạnh đó, do thiếu hụt nguồn chip, nhà cung cấp TSMC có thể tăng giá bán đối với các tấm wafer của hãng trong quý tới dẫn đến việc tăng giá bán dành cho dòng iPhone mới mà Apple ra mắt trong năm nay.
Ghi nhận từ PhoneArena, TSMC có thể tăng giá tấm wafer 12 inch của mình lên tới 400 USD, tương ứng mức tăng 25% và cao nhất mọi thời đại. Nếu TSMC quyết định tăng giá các tấm wafer lên 25% và hủy bỏ các giao dịch đã thương lượng trước đó, người tiêu dùng có thể sẽ phải hứng chịu phần lớn khoản tăng này khi họ phải chi nhiều tiền hơn cho smartphone mới và các thiết bị khác, trong đó bao gồm cả dòng iPhone mới mà Apple dự kiến ra mắt trong tháng 9 năm nay.
Luca Maestri, giám đốc tài chính của Apple cảnh báo rằng việc thiếu nguồn cung sẽ làm giảm doanh thu của cả hai sản phẩm Ipad và Mac. Dự kiến, điều này sẽ làm mất đi từ 3 đến 4 tỷ USD doanh thu của hãng trong ba tháng tới.
Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định, điều này chỉ tác động ngắn hạn đến Apple. Đồng thời, việc tăng giá thành sản phẩm dự kiến sẽ không tác động nhiều đến doanh thu quý của hãng.
Theo chuyên gia Bernard Baumohl, nhà kinh tế tại Economic Outlook Group đánh giá, từ trước đến nay, Apple là doanh nghiệp duy nhất chưa chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng thiếu chip toàn cầu nhờ hai yếu tố.
Đầu tiên, công ty ký hợp đồng độc quyền sản xuất với chip A12 của riêng mình với TSMC, trong khi các thương hiệu Android lựa chọn Qualcomm, Samsung, HiSilicon và MediaTek. Cùng với đó, nhờ kinh nghiệm chuyên môn về chuỗi cung ứng, Apple từ lâu đã luôn đảm bảo các đơn đặt hàng linh kiện được ưu tiên sản xuất sớm.
Trên thực tế, tình hình của Apple vẫn khả quan hơn các nhà sản xuất khác như Xiaomi hoặc Samsung. Vừa qua, Samsung Electronics cũng công bố thu nhập cao trong 3 tháng đầu năm và dự báo sẽ chứng kiến doanh số smartphone giảm trong quý hiện tại do thiếu các chip công nghệ cũ, thậm chí có thể bỏ qua việc ra mắt Galaxy Note mới.
Trong thời kỳ đại dịch, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính xách tay và máy tính bảng đã tăng vọt do số lượng lớn người dùng làm việc và học tập trực tuyến tại nhà.
Kết quả tương phản cho thấy các công ty lớn trong ngành công nghiệp điện tử đã tránh được gián đoạn sản xuất do khủng hoảng chip, trong khi đó, các hãng ô tô và nhà cung cấp của họ với dây chuyền sản xuất Just In Time (JIT) thì không kịp thích nghi.
Trước mắt, các giám đốc điều hành của các tập đoàn công nghệ cũng như các nhà sản xuất ô tô đang cố gắng tìm cách tốt nhất để đối phó với cuộc khủng hoảng thiếu chip kéo dài.
Có thể bạn quan tâm
Thế giới lao đao vì con chip 1 USD
11:18, 12/04/2021
Đến lượt Apple "điêu đứng" vì thiếu chip
03:33, 10/04/2021
Bước chuẩn bị của Xiaomi trong lĩnh vực chip
05:00, 09/04/2021
Căng thẳng Mỹ-Trung và nguy cơ phụ thuộc chip vào Đài Loan
03:30, 29/03/2021
[eMagazine] Cuộc khủng hoảng thiếu chip toàn cầu đang đến đỉnh?
06:30, 27/03/2021