Rút kinh nghiệm từ Huawei, “gã khổng lồ” điện thoại thông minh của Trung Quốc, Xiaomi đang tăng cường đầu tư vào các công ty chất bán dẫn nhằm nỗ lực giảm sự phụ thuộc nước ngoài.
Ngay cả trước khi chính phủ Mỹ tăng cường sự đàn áp với các công ty công nghệ của Trung Quốc như Huawei bằng những hạn chế xuất khẩu công nghệ, nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu của Trung Quốc Xiaomi đã cho thấy tham vọng lớn khi tăng cường đầu tư vào chip để thúc đẩy một chiến dịch nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.
Xiaomi đã mua hoặc tăng đáng kể cổ phần tại ít nhất 34 công ty liên quan đến chip Trung Quốc từ năm 2019 cho đến tháng 3 năm nay. Một phân tích dữ liệu kinh doanh của Nikkei Asia cho thấy, họ cũng đã thêm cổ phần vào gần 25 công ty phần cứng công nghệ khác ngoài chất bán dẫn.
Ngoài ra, các nhà phát triển chip và nhà sản xuất thiết bị chip, các công ty khởi nghiệp cũng như các nhà sản xuất màn hình tiên tiến, ống kính máy ảnh và tự động hóa và thiết bị chính xác… đều là mục tiêu đầu tư của Xiaomi.
Các khoản đầu tư của Xiaomi vào chip và phần cứng công nghệ khác chủ yếu được thực hiện thông qua một công ty liên kết được gọi là Hubei Xiaomi Changjiang Industry Fund Partnership. Một quỹ đầu tư bao gồm các công ty con của nhà sản xuất thiết bị Gree và một chi nhánh đầu tư được chính phủ Vũ Hán hậu thuẫn, được thành lập vào năm 2017 với vốn đăng ký 12 tỷ NDT (1,82 tỷ USD).
Theo dữ liệu từ Qichacha, khởi điểm họ chỉ có vốn đầu tư trong sáu công ty bán dẫn vào năm 2019. Nhưng đến năm 2020, con số đó đã tăng lên 22, khi cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ-Trung ngày càng gay gắt. Hàng loạt các khoản đầu tư của Xiaomi, bao gồm quản lý điện năng, trình điều khiển màn hình và trạm gốc, cũng như Wi-Fi, cảm biến và vi điều khiển, đang tiết lộ phạm vi tham vọng của họ.
Một số khoản đầu tư của họ gần đây đang cho thấy sự phát triển mạnh mẽ. Năm ngoái, công ty sản xuất chip âm thanh Bluetooth Bestechnic đã niêm yết trên thị trường STAR Thượng Hải, trong khi Telink Semiconductor, công ty phát triển chip tùy chỉnh cho các thiết bị IoT và có Intel là cổ đông chính, cũng đang theo đuổi IPO.
Gần đây, Xiaomi cũng đã đầu tư vào Cvitek, một nhà phát triển chip AI tập trung vào giám sát video và công nghệ điện toán biên, cùng với đó là công ty công nghệ Silicon Trí tuệ Tây An, một công ty chuyên phát triển mảng cổng có thể lập trình hiện trường và FPGA, một công nghệ của loại chip lập trình hiện đang bị thống trị bởi các công ty Mỹ, bao gồm cả Intel và Xilinx.
Có thể thấy, các mục tiêu đầu tư của Xiaomi đang rất phù hợp với lộ trình của Bắc Kinh trong việc xây dựng một chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ cạnh tranh và tự chủ hơn.
Hiện tại, Xiaomi cũng đang được coi là “một ngôi sao đang lên” trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, với thị phần điện thoại thông minh toàn cầu sánh ngang, thậm chí là đang vượt qua cả Apple vào gần cuối năm ngoái.
Theo công ty nghiên cứu Canalys, các lô hàng điện thoại thông minh của hãng trong năm 2020 đạt 146,4 triệu chiếc, tăng 17,5% so với một năm trước, bất chấp sự sụt giảm tổng thể của thị trường điện thoại thông minh toàn cầu.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cũng cho rằng, các công ty công nghệ Trung Quốc có thể đã nhận ra sự cần thiết và thách thức của việc phát triển chip.Và mặc dù Trung Quốc có một thị trường rộng lớn cho phép họ có chỗ cho hệ sinh thái chip của riêng mình, nhưng rõ ràng các công ty Trung Quốc đang cho thấy sự mong manh trong lĩnh vực đòi hỏi sự phát triển công nghệ vượt bậc này. Hãy nhìn Huawei “rúm ró” ra sao khi họ bị cắt khỏi các công nghệ quan trọng của Mỹ.
Có thể bạn quan tâm