Lazada lấy gì “đấu” Shopee?

NGUYỄN CHUẨN 31/05/2021 04:30

Ở Đông Nam Á, Lazada và Shopee đang lâm vào “cuộc chiến ngai vàng” trong làng thương mại điện tử. Nhưng với sự khó khăn đang đến từ công ty mẹ Alibaba, Lazada sẽ “đấu” Shopee thế nào?

Trên thực tế, Lazada vốn được định vị là nền tảng thương mại lớn nhất khu vực ngay cả trước khi Alibaba, “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc không tiếc tiền bỏ ra thâu tóm để mở rộng phạm vi tiếp cận của mình trong khu vực Đông Nam Á vào năm 2016.

"Cuộc chiến ngai vàng" giữa Shopee và Lazada.

Trong khi đó, nền tảng thương mại điện tử “cây nhà lá vườn” của Đông Nam Á, Shopee, được thành lập vào năm 2015, là một chi nhánh của công ty trò chơi Garena, được điều hành bởi những người sáng lập đã từng du học và làm việc ở nước ngoài cho các công ty đa quốc gia. 

Nhưng ngày nay, Sea đã không còn là một “kẻ tí hon”, mà đã trở nên khổng lồ. Cổ phiếu của công ty tiếp tục tăng mạnh trong năm 2021, đưa vốn hóa thị trường của họ vượt mức 140 tỷ USD trong tháng 2. Thật ngạc nhiên khi biết rằng, mới 2 năm trước, năm 2019, mức vốn hóa của họ chỉ rơi vào khoảng 5 tỷ USD, sau đó tăng lên 25 tỷ vào năm 2020.

Nói cách khác, 1.000 USD đầu tư vào Sea trong đầu năm 2019 sẽ có giá trị gần 24.000 USD ngày nay. Đồng thời, định giá cao cũng cho phép công ty huy động thêm vốn trên thị trường chứng khoán, với đợt phát hành 2,6 tỷ USD vào tháng 12 năm ngoái, cung cấp các khoản tiền cần thiết để họ “đốt hết” cho năm 2021, nhằm đạt được mục tiêu là tăng gấp đôi doanh thu thương mại điện tử của mình.

Họ cũng đang tìm cách sử dụng các khoản tiền để mở rộng cung cấp các dịch vụ tài chính, khi đã được cấp giấy phép ngân hàng kỹ thuật số ở Singapore vào năm ngoái.

Và trong khi Shopee tiếp tục đà tăng chóng mặt, Lazada của Alibaba bị tụt lại phía sau. Khoảng cách giữa họ và Shopee cũng tiếp tục gia tăng trong năm qua. Mặc dù Lazada báo cáo mức tăng trưởng ba con số về số lượng đơn đặt hàng nhận được trong năm qua. Tuy nhiên, mức doanh thu tăng xấp xỉ 42% cũng quá nhỏ so với mức 178,3% của Shopee.

Rõ ràng, đây đang là một sự khó khăn lớn đối với Alibaba, vốn dĩ coi việc mở rộng sang các nước láng giềng Đông Nam Á là một hướng đi tự nhiên và cần thiết. Alibaba có lẽ sẽ không thể chấp nhận là kẻ thứ hai tại một thị trường quá gần với quê nhà, khi mục tiêu trong việc mua lại Lazada cách đây 5 năm là nhằm đảm bảo sự thống trị của Alibaba tại một thị trường bị phân mảnh nhưng đang phát triển như vũ bão.

Năm 2020, Lazada tiếp tục

Năm 2020, Lazada tiếp tục "hụt hơi" trước Shopee.

Nhưng giờ đây, chỉ trừ khi Alibaba có thể tuyển dụng những người lãnh đạo có tầm mới và đầu tư mạnh mẽ để gạt bỏ vị trí thống trị của Shopee, còn không thì thật khó để tưởng tượng làm thế nào họ có thể xoay chuyển tình thế.

Ở thời điểm hiện tại, các chuyên gia phân tích cho rằng, đang có hai sự lựa chọn cho Lazada và Alibaba trong cuộc chiến với Shopee của Sea:

Thứ nhất là tiếp tục đổ thêm nhiều tiền vào Lazada trong những năm tới, với hy vọng vượt mặt Shopee trong cuộc chiến “bạo chi”.

Lịch sử khu vực đã từng chứng kiến cuộc thi “đốt tiền” giữa Uber và Grab trong những năm trước đây. Khi thị trường bị phân mảnh và các bên tham gia vào một cuộc cạnh tranh gay gắt, việc ai “bạo chi” hơn người đó sẽ là bá chủ. Bởi một lúc nào đó, đối thủ gặp phải khó khăn và buộc phải bán doanh nghiệp của mình - đây chính là cách Uber rời khỏi Đông Nam Á vào năm 2018, nhường ngai vàng cho Grab.

Sea đã lỗ 1,6 tỷ USD trong năm đại dịch kỷ lục, bất chấp lượng đơn đặt hàng tăng vọt. Chắc chắn rằng Lazada cũng đang chảy tiền, nhưng Alibaba đã không tiết lộ số liệu chính xác. Rõ ràng các khoản lỗ hàng tỷ đô la là không bền vững đối với bất kỳ doanh nghiệp nào trong một thời gian dài, vì vậy nó rất có thể dẫn đến một sự hợp nhất tương tự trên thị trường. Và với túi tiền sâu hơn, Alibaba có khả năng sẽ là “nhà cái”.

Bên cạnh đó, các chuyên gia phân tích còn cho rằng, có một cách thứ hai để Alibaba có thể tìm kiếm sự thống trị ở Đông Nam Á, đơn giản là mua lại công ty từ Sea và sáp nhập cả hai mảng kinh doanh.

Một liên doanh Lazada-Shopee sẽ vô đối ở Đông Nam Á, trong khi cả hai doanh nghiệp sẽ bổ sung cho nhau theo những cách nhất định - với doanh nghiệp trước có cơ sở hạ tầng và chuyên môn hậu cần rộng rãi, còn doanh nghiệp sau là nền tảng phổ biến và thành công hơn cho các nhà cung cấp độc lập.

Liệu sẽ có sự hợp nhất giữa hai kẻ mạnh nhất khu vực?

Liệu sẽ có sự hợp nhất giữa hai kẻ mạnh nhất khu vực?

Đây chính là nguyên tắc cơ bản Win-Win, đôi bên cùng có lợi, nguyên tắc đảm bảo cho kết quả hợp tác bền vững hơn. Sea đang ở một vị trí thoải mái hơn vì đã giành được thị phần, vì vậy họ sẽ trở thành một nhà lãnh đạo khu vực (giành chiến thắng) hoặc sẽ được mua lại với rất nhiều tiền bởi Alibaba (cũng giành chiến thắng).

Tuy nhiên, thời điểm này chính Alibaba còn đang lâm vào cảnh bi đát ở Trung Quốc. Họ mới công bố kết quả tài chính của cả năm kết thúc vào ngày 31 tháng 3 vào tuần trước và với việc bán tháo cổ phiếu sau đó đã khiến công ty liên tục mất giá, mặc dù kết quả có vẻ tốt.

Vị thế vững chắc của Alibaba được xây dựng gần như hoàn toàn dựa trên các hoạt động tại Trung Quốc, nơi có khoảng 80% khách hàng và công ty đang gặp khó khăn rõ ràng với việc mở rộng ra quốc tế.

Kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 10 năm 2020, họ đã mất khoảng 1/3 giá trị vốn hóa thị trường trong vòng chưa đầy sáu tháng, do một loạt các vấn đề với cuộc đàn áp của chính quyền Bắc Kinh đối với Ant Group của Jack Ma.

Chính vì vậy, trong thời điểm khó khăn này, Lazada lấy gì để đấu với Shopee?

Có thể bạn quan tâm

  • Lazada gia nhập cuộc chơi ứng dụng gọi xe công nghệ cao 

    Lazada gia nhập cuộc chơi ứng dụng gọi xe công nghệ cao 

    04:26, 10/05/2021

  • Tham vọng “siêu ứng dụng” của Lazada

    Tham vọng “siêu ứng dụng” của Lazada

    03:21, 10/04/2021

  • DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Masan - Lazada cộng hưởng sức mạnh

    DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Masan - Lazada cộng hưởng sức mạnh

    03:31, 23/05/2021

  • Bản chất “hai mặt” của sàn thương mại điện tử

    Bản chất “hai mặt” của sàn thương mại điện tử

    04:00, 29/05/2021

  • Thương mại điện tử đang định hình lại thị trường bán lẻ Việt Nam

    Thương mại điện tử đang định hình lại thị trường bán lẻ Việt Nam

    11:09, 25/05/2021

  • Một mũi tên nhắm hai đích của Shopee

    Một mũi tên nhắm hai đích của Shopee

    11:00, 14/03/2021

  • Giải mã Shopee

    Giải mã Shopee

    11:00, 14/12/2020

NGUYỄN CHUẨN