Hai mươi năm “đi tìm lại mình” của Sony!
Sony dường như đã tìm ra hướng để giải quyết một trong những thách thức chính mà họ phải đối mặt trong vòng 20 năm qua.
Theo chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Sony Kenichiro Yoshida đó là: Làm thế nào để kết hợp các hoạt động “phần mềm” khác nhau, bao gồm âm nhạc, phim ảnh, tài chính với “phần cứng” là mảng điện tử cốt lõi và kinh doanh.
Hai mươi năm chuyển mình
Có thể nói, trong quá khứ, Sony đã tạo nên tên tuổi của mình với những thiết bị giá cả phải chăng gây ấn tượng mạnh với khách hàng, chẳng hạn là chiếc đài bán dẫn Walkmans hay là TV Trinitron, những thứ mà người sáng lập Sony kỳ vọng sẽ định hình thế hệ điện tử tiêu dùng tiếp theo.
Nhưng, tầm ảnh hưởng của công ty đã mờ dần khi Internet bắt đầu vào cuối thập kỷ 90 và đầu những năm 2000, trong thời đại mà phần mềm được coi là chìa khóa để tạo ra giá trị. Các thiết bị điện tử quý giá của Sony bị cuốn theo làn sóng hàng hóa.
Các nhà quản lý kế tiếp nhau tại Sony đã và đang cố gắng đáp ứng với quá trình số hóa.
Nobuyuki Idei, người đã lãnh đạo công ty từ năm 1995, là một trong những người đầu tiên. Ông đã nhìn thấy những gì sắp đến, tuyên bố rằng “Internet là một thiên thạch rơi vào thế giới kinh doanh”, và ông ấy thúc đẩy sự thay đổi để đưa Sony vào kỷ nguyên kỹ thuật số.
Trong cuốn sách năm 2006 “Mayoi to Ketsudan” (“Mất tích và quyết tâm”) được xuất bản một năm sau khi ông từ chức, Idei tiết lộ: “Tôi muốn tạo ra Sony Saibatsu như một loại hình công ty mới của thế kỷ 21”.
Ngày đó, Nobuyuki Idei muốn Sony quên đi niềm tự hào trong lĩnh vực kinh doanh điện tử, mà chuyển đổi sang cơ cấu công ty mẹ là để tận dụng tiềm năng từ các hoạt động giải trí của Sony như phim ảnh và âm nhạc mà trước đây được xem như một công việc kinh doanh thứ cấp.
Song, cuối cùng, Nobuyuki Idei đã phải từ bỏ dự án, vì những lo ngại từ các đồng nghiệp về việc thay đổi quá nhanh và do hiệu suất yếu kém của Sony cùng giá cổ phiếu lao dốc.
Người kế nhiệm của Idei là Howard Stringer cũng kêu gọi nỗ lực của công ty dưới khẩu hiệu "Sony United". Ý tưởng là kết hợp tài sản vô hình của bộ phận giải trí với phần cứng hữu hình của bộ phận điện tử.
Tuy nhiên, cả Stringer và Idei đều không mang lại kết quả dù có những mục tiêu tương tự. Họ không thể vực dậy mảng kinh doanh điện tử đang xuống dốc của Sony.
Sau đó, Sony đã phải đối mặt với những vấn đề mới khi Kazuo Hirai nhậm chức chủ tịch vào năm 2012. Hirai đã trải qua một khoảng thời gian khó khăn. Giá cổ phiếu của công ty đã giảm xuống dưới 1.000 yên lần đầu tiên sau 32 năm, chưa bằng một phần mười giá trị hiện tại.
Nhưng những chiến lược cải cách khó khăn của Hirai đã có hiệu lực vào năm 2014, năm thứ ba của ông trên cương vị chủ tịch. Công ty bán hết một số cơ sở kinh doanh bao gồm cả máy tính cá nhân và tái cấu trúc hoạt động điện tử bằng cách thanh lý mảng kinh doanh TV.
Và nền tảng của Hirai là kinh doanh âm nhạc cùng bộ phận trò chơi điện tử của Sony. Người trong cuộc phàn nàn rằng Hirai “không có kiến thức về điện tử”, và nhiều người trong công ty không đồng ý với nỗ lực tái cơ cấu của ông. Những người thủ cựu muốn biến Sony thành một gã khổng lồ điện tử. Một số thậm chí còn đi xa hơn khi ép Hirai từ chức.
Nhưng Hirai vẫn đúng với tầm nhìn về tái tạo và tái cấu trúc. Ông tiếp tục tiến về phía trước dưới khẩu hiệu Kando, có nghĩa là “đam mê”. Sony luôn hướng tới một mục tiêu đơn giản: tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thú vị.
Chiến lược mới của Sony
Giờ đây, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Sony Kenichiro Yoshida lần đầu tiên đã đưa ra bình luận công khai kể từ khi công ty thêm từ "Group" vào tên Sony vào tháng 4 năm nay, trong một cuộc họp giao ban trực tuyến vào ngày 26 tháng 5. Khi ông thảo luận về kế hoạch của Sony trong ba năm tới.
Theo Nikkei Asia đưa tin, Yoshida đã đưa ra những con số cụ thể. Họ không đề cập đến EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao) và dự toán chi tiêu vốn đã được thông báo trước. Con số duy nhất sắp tới được coi là “mục tiêu cốt lõi” của công ty là: mở rộng cơ sở khách hàng lên 1 tỷ từ con số160 triệu hiện nay.
Không có thời hạn để đạt được mục tiêu này, và cũng không có định nghĩa rõ ràng về cơ sở khách hàng là ai, chẳng hạn như người dùng đã đăng ký. Theo Yoshida, đây là một “cộng đồng quan tâm”, một nhóm người tiếp xúc với các sản phẩm và dịch vụ của Sony mỗi ngày.
Thay vì một mục tiêu là “doanh số”, Yoshida cho rằng đây sẽ là việc mà Sony sẽ làm việc cùng nhau để “cung cấp các sản phẩm và dịch vụ kích thích người dùng”.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, đây được coi là một “mục tiêu mơ hồ”. Nhưng Yoshida đã cố tình gửi một thông điệp mạnh mẽ, không đề cập đến những con số và cho rằng, đó sẽ là hướng tiếp cận của Sony trong thời gian tới.
Rõ ràng, người ta đang thấy Yoshida theo bước chân của Hirai, Yoshida tập trung vào sự phấn khích hơn là những con số. Bởi vì ông ấy có trách nhiệm biến cuộc cải cách Hirai thành hiện thực. Hai mươi năm sau khi Idei công bố sự thay đổi kiến tạo do Internet gây ra, Sony cuối cùng đã tìm ra cách để tận dụng các thế mạnh kinh doanh khác nhau của mình.
Yoshida định nghĩa điều này là một "chuỗi giá trị thú vị", chuỗi này sẽ hoạt động như sau: Sony cung cấp máy ảnh và thiết bị cầm tay công nghệ cao mà các nghệ sĩ coi là công cụ thiết yếu để tạo nội dung thú vị, nơi mọi người sẽ thưởng thức các thiết bị Sony chất lượng cao, các nội dung sẽ được phát triển theo chiều ngang - video, nhạc, trò chơi, v.v.
Để xây dựng chuỗi giá trị thú vị của Yoshida, Sony sẽ cần kết hợp các doanh nghiệp nền tảng như Jellysmack ở Mỹ, một công ty khởi nghiệp đang phát triển nhanh hỗ trợ người sáng tạo. Ngay cả những tập đoàn lớn như Sony cũng có những hạn chế về những gì mà một công ty duy nhất có thể làm.
Nói cách khác, bước tiếp theo của Sony sẽ không chỉ đơn thuần là một nhà sản xuất điện tử tiêu dùng. Họ sẽ chuyển đổi và theo đuổi mục đích thực sự khi "đi tìm lại mình"!
Có thể bạn quan tâm
Vì sao Netflix “chi đậm” để ký hợp đồng với Sony?
05:08, 13/04/2021
Sony gián tiếp đóng cửa công ty khởi nghiệp muốn 'độ vỏ' PlayStation 5
05:18, 05/11/2020
Microsoft - Sony: Từ đối tác thành đối thủ
05:08, 19/09/2020
Apple cấm dịch vụ game của Microsoft, Sony và Google
15:42, 14/08/2020
CEO Kenichiro Yoshida: Người "nhóm lửa" ở SONY
07:00, 08/05/2020