Chiến dịch “Bàn tay sắt” của Bắc Kinh!
Đầu tiên là Alibaba và Tencent, mới đây là Didi Chuxing, Trung Quốc đang thắt chặt bàn tay với những công ty công nghệ, trong khi các nhà đầu tư đang tự hỏi “ai là nạn nhân tiếp theo”?
Ai sẽ là nạn nhân tiếp theo?
Maximilian Mayer, chuyên gia công nghệ toàn cầu và Trung Quốc tại Đại học Bonn, Đức tin rằng, giới lãnh đạo chính trị của nước này đang "quyết tâm đàn áp giới công nghệ của mình".
Ví dụ, ông chỉ ra việc công ty gọi xe Didi Chuxing là công ty công nghệ mới nhất trở thành nạn nhân "cuộc thập tự chinh" của Bắc Kinh, bất chấp việc họ niêm yết thành công gần đây ở New York, công ty đã huy động được 4,4 tỷ USD trong đợt IPO ở New York vào tuần trước - đợt IPO lớn thứ hai ở Hoa Kỳ, bởi một công ty có trụ sở tại Trung Quốc.
Ngoài ra, còn có một danh sách dài các công ty được gọi là “Platform economy - kinh tế nền tảng” từ Trung Quốc, vì lý do này hay lý do khác, đang được đưa vào tầm ngắm.
Đó là các công ty hậu cần xe tải trực tuyến Yunmanman và Huochebang, Full Truck Alliance – “Uber dành cho xe tải”, cả hai đều là một phần của nền tảng vận chuyển hàng hóa thương mại trực tuyến hàng đầu Trung Quốc, cũng như trang tuyển dụng trực tuyến BossZhipin.
Giống như Didi, Full Truck Alliance và Boss Zhipin đều dựa trên ứng dụng và cả hai đều được IPO ở Mỹ vào tháng trước. Full Truck Alliance đã huy động được 1,56 tỷ USD trên sàn NYSE, trong khi công ty mẹ được niêm yết của Boss Zhipin, Kanzhun, đã huy động được 912 triệu USD trên Nasdaq.
Cơ quan quản lý thương mại điện tử của Trung Quốc, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC), đã ra lệnh cho cả ba công ty trong số họ tạm dừng đăng ký của người dùng và xóa ứng dụng của họ khỏi các cửa hàng ứng dụng Trung Quốc - một phán quyết cũng được áp dụng đối với Didi vào Chủ nhật tuần trước (4/7).
Vì sao Bắc Kinh mạnh tay với các công ty công nghệ?
Các chuyên gia phân tích cho rằng, những gì chúng ta đang thấy là một chiến dịch được duy trì và có thể đang mở rộng nhằm hướng tới một quy định chặt chẽ hơn đối với các công ty công nghệ và cơ sở dữ liệu lớn của họ.
Các nhà chức trách Trung Quốc dường như đang tìm cách bảo vệ người tiêu dùng khỏi các công ty lạm dụng bộ sưu tập dữ liệu khổng lồ của họ và đang nhằm mục đích hạn chế sự thống trị thị trường của những công ty đó.
Có vẻ như các công ty công nghệ của Trung Quốc đã phát triển “quá nhanh và quá nguy hiểm”, theo quan điểm của chính phủ nước này, điều này sẽ giải thích cho hành động điều tiết nhanh chóng của Trung Quốc nhằm hạn chế ảnh hưởng ngày càng tăng của họ.
Trong chiến dịch áp đặt các biện pháp kiểm soát khắt khe hơn đối với các công ty công nghệ của quốc gia, “bàn tay sắt” của Bắc Kinh đã vung ra lần đầu tiên vào tháng 11 năm 2020, khi rút danh sách IPO kép của Ant Group tại Thượng Hải và Hồng Kông. Ant Group là một chi nhánh Tập đoàn Alibaba của Jack Ma, Ant thống trị lĩnh vực công nghệ tài chính của Trung Quốc, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người thông qua ứng dụng Alipay và quỹ thị trường tiền tệ Yu'abao.
Vào tháng trước, Trung Quốc đã thông qua chế độ bảo mật dữ liệu đầu tiên của mình, được gọi là Luật Bảo mật Dữ liệu, và sẽ thực thi vào ngày 1 tháng 9. Luật này sẽ trao cho Bắc Kinh quyền trừng phạt hoặc đóng cửa các công ty công nghệ bị coi là “không tuân thủ vì vấn đề an ninh quốc gia”.
Có thể thấy, cuộc thăm dò của CAC cũng đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc đàn áp các công ty công nghệ của Trung Quốc, theo đó các nhà quản lý đang viện dẫn những lo ngại về an ninh mạng và an ninh quốc gia để biện minh cho việc gia tăng áp lực.
Michael Pang, giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Protiviti cho rằng: “Cuộc thăm dò của CAC là một tín hiệu cho thấy cơ quan quản lý có thể và sẽ thực thi luật an ninh mạng của mình. Nó như một lời nhắc nhở đối với các công ty, cả trong và ngoài nước, rằng họ nên thực hiện nghiêm túc các quy định về an ninh mạng".
Trong khi đó, Kevin Francis Marcaida, trưởng nhóm nghiên cứu tại nền tảng nghiên cứu cổ phần ChineseAlpha, cho rằng, với các cuộc thăm dò, Bắc Kinh đang chỉ ra rằng "các mục tiêu kinh doanh nên hoàn toàn phù hợp với tôn chỉ, mục đích của nhà nước".
Mặc dù các công ty công nghệ Trung Quốc đã nhiệt tình khai thác thị trường vốn của Mỹ, huy động được hơn 15 tỷ USD trong các đợt IPO ở New York trong năm nay, theo Bloomberg. Nhưng tín hiệu mới nhất từ Bắc Kinh đang cho thấy các công ty công nghệ nước này phải “hết sức cẩn trọng”. Ít nhất có khoảng 30 công ty niêm yết ở Mỹ đang nằm chờ xử lý, và những nhà đầu tư cũng cần có sự suy nghĩ lại.
Có thể bạn quan tâm
Trung Quốc giải phóng 1.000 tỷ nhân dân tệ liệu có ý nghĩa?
20:25, 10/07/2021
Những ngày "bão tố" của Didi
13:45, 06/07/2021
2 ngày sau IPO tại Mỹ, Didi Chuxing bị gỡ khỏi kho ứng dụng Trung Quốc
05:00, 06/07/2021
Didi Chuxing liệu có rơi vào “vết xe đổ” của Ant Group?
04:46, 21/06/2021
Didi Chuxing nối tiếp xu hướng IPO tại Mỹ của các công ty công nghệ Trung Quốc
04:50, 13/06/2021