Nhờ đâu Xiaomi vượt mặt Apple?

NGUYỄN CHUẨN 19/07/2021 11:00

Xiaomi lần đầu tiên đã vượt qua “gã khổng lồ” Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, một cột mốc đáng nhớ của công ty Trung Quốc.

Mới đây, Canalys đưa ra một con số thống kê, theo đó công ty Trung Quốc đã chiếm 17% tổng lượng xuất xưởng điện thoại thông minh trên toàn thế giới trong quý 2 năm 2021, đứng ngay phía sau “gã khổng lồ” của Hàn Quốc, Samsung với 19%.

Lei Jun, người sáng lập và CEO của Xiaomi.

Lei Jun, người sáng lập và CEO của Xiaomi.

Trong khi đó, Apple tụt xuống vị trí thứ thứ ba, với số lượng xuất xưởng chiếm 14% tổng số toàn cầu. Các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc khác như là Oppo hay Vivo cũng đang bám sát theo sau, với 10% mỗi hãng.

Đặc biệt, so với cùng kỳ năm 2020, các lô hàng sản xuất của Xiaomi đã tăng hơn 80%, một con số cực kỳ ấn tượng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến cho nền kinh tế thế giới bị rơi vào tình trạng khủng hoảng nặng nề.

Trên thực tế, báo cáo của Canalys chỉ mang tính chất đo lường số lượng các nhà sản xuất thiết bị cầm tay bán cho các nhà phân phối. Nhưng rõ ràng, đây là lần đầu tiên Xiaomi giành được thứ hạng vượt bậc này. 

Trong quý đầu tiên của năm 2021 và cả năm 2020, Samsung và Apple là hai thương hiệu điện thoại thông minh thống trị bảng xếp hạng. Trong khi đó, năm 2019, Samsung và Huawei là hai cái tên được vinh danh.

Lei Jun, người sáng lập và CEO của Xiaomi, vừa dè dặt vừa hào hứng thông báo trong một bức thư gửi nhân viên vào thứ sáu: “Trở thành nhà cung cấp số 2 trên thế giới là một cột mốc quan trọng trong lịch sử của Xiaomi".

"Nhưng các bạn hãy quên việc tung hô đi, hãy đảm bảo rằng chúng ta có thể duy trì vị trí thứ hai một cách ổn định và vững chắc trong tương lai," ông nói thêm.

Cổ phiếu của Xiaomi đã tăng gần 5% tại Hồng Kông vào thứ Sáu.

Có thể nói, thành công của Xiaomi đến trong thời điểm này không phải là ngẫu nhiên, việc mở rộng ra toàn cầu cùng chiến lược bán lẻ của Xiaomi bằng các địa điểm trực tuyến và truyền thống hoạt động liền mạch hơn với nhau, đã thúc đẩy sự tăng trưởng về lượng hàng xuất xưởng trong quý hai, công ty cho biết trong một tuyên bố hôm thứ sáu.

Trong khi đó, các chuyên gia phân tích cho rằng, Xiaomi cũng đã có những bước tiến vượt bậc trong chiến lược kinh doanh của mình.

Ben Stanton, Giám đốc nghiên cứu của Canalys, cho rằng Xiaomi đang "phát triển kinh doanh ở nước ngoài một cách nhanh chóng". Cụ thể, trong quý II, các lô hàng của Xiaomi đã tăng hơn 300% ở Mỹ Latinh, 150% ở châu Phi và 50% ở Tây Âu, theo Canalys.

Ben Stanton, Giám đốc nghiên cứu của Canalys, công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới.

Ben Stanton, Giám đốc nghiên cứu của Canalys, công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới.

Đồng thời Stanton cũng cho rằng, chiến lược về giá đang là nước đi quan trọng của Xiaomi khi đối đầu cùng các ông lớn điện thoại trên thế giới. So với Samsung và Apple, giá bán trung bình của Xiaomi rẻ hơn lần lượt khoảng 40% và 75%.

Mặc dù, công ty có trụ sở chính tại Bắc Kinh hiện cũng đang tìm cách đặt chân vào thị trường cao cấp. Đầu năm nay, hãng đã tung ra Mi 11 Ultra, một điện thoại thông minh cao cấp có giá khởi điểm từ 5.999 nhân dân tệ (928 USD). Họ cũng ra mắt Mi Mix Fold 9.999 nhân dân tệ , chiếc điện thoại có thể gập lại đầu tiên của hãng. Mức giá đó khiến Xiaomi có thể cạnh tranh với Apple và Samsung trong phân khúc cao cấp. 

Nhưng chuyên gia Stanton lại cho rằng: “Đó sẽ là một trận chiến khó khăn, tất cả các nhà cung cấp đều đang chiến đấu hết mình để đảm bảo nguồn cung linh kiện trong bối cảnh toàn cầu đang thiếu hụt, nhưng rõ ràng Xiaomi đang cho thấy một tham vọng thực sự, đặt mục tiêu vào việc lật đổ Samsung để trở thành nhà cung cấp lớn nhất thế giới”.

Xiaomi cũng ra mắt Mi Mix Fold 9.999 nhân dân tệ , chiếc điện thoại có thể gập lại đầu tiên của hãng.

Mới đây, Xiaomi ra mắt Mi Mix Fold, chiếc điện thoại có thể gập lại đầu tiên của hãng.

Có thể thấy, hiện tại điện thoại thông minh vẫn chiếm phần lớn doanh thu của Xiaomi, nhưng công ty cũng đang tìm cách lấn sân sang các lĩnh vực mới. Vào tháng 3, hãng công nghệ này đã công bố kế hoạch khởi động mảng kinh doanh xe điện và đầu tư 10 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, bước phát triển mạnh mẽ của Xiaomi được khởi nguồn từ sự hụt chân của Huawei. Huawei từng là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, nhưng các lệnh trừng phạt của Mỹ đã cắt công ty khỏi nguồn cung cấp thiết yếu bao gồm phần mềm và chip, khiến doanh số bán hàng của họ sụt giảm.

Chưa biết Xiaomi có thể giữ vững vị trí thứ hai và thách thức vị trí dẫn đầu của Samsung trong thời gian tới hay không, nhưng có thể thấy Xiaomi cũng đang nhận được sự thúc đẩy lớn từ nền kinh tế toàn cầu đang cải thiện. Việc triển khai vắc-xin đã đưa một số quốc gia đến gần mức bình thường và mọi người lại đang chi nhiều tiền hơn. Canalys cho biết trong quý 2 năm 2021, lượng xuất xưởng điện thoại thông minh toàn cầu tăng đến 12%.

Có thể bạn quan tâm

  • Xiaomi

    Xiaomi "thoát" danh sách cấm của chính phủ Mỹ

    16:36, 13/05/2021

  • Bước chuẩn bị của Xiaomi trong lĩnh vực chip

    Bước chuẩn bị của Xiaomi trong lĩnh vực chip

    05:00, 09/04/2021

  • Xiaomi thoát lệnh “phong tỏa” của Bộ Quốc phòng Mỹ

    Xiaomi thoát lệnh “phong tỏa” của Bộ Quốc phòng Mỹ

    14:30, 14/03/2021

  • Mở nhà máy tại Việt Nam, Xiaomi đứng ở đâu?

    Mở nhà máy tại Việt Nam, Xiaomi đứng ở đâu?

    16:02, 11/03/2021

NGUYỄN CHUẨN