Cái kết nào cho China Huarong?

NGUYỄN CHUẨN 01/09/2021 05:00

China Huarong Asset Management, công ty quản lý nợ xấu của Trung Quốc báo cáo một khoản lỗ khổng lồ lên đến gần 16 tỷ USD. Liệu họ có được giải cứu?

Trên thực tế, các con số trên báo cáo tài chính năm 2020 của Huarong đã ở mức “hơn cả sự tồi tệ”. Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng đây giống như một trong những vụ mất tiền lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại. Và cuối cùng thì cái kết nào sẽ đến với Huarong, ai sẽ là người sẵn sàng dọn dẹp đống lộn xộn này?

China Huarong là gì?

China Huarong được Trung Quốc thành lập năm 1999 để "ôm" lại khối nợ xấu do cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 gây ra. Về bản chất, đây là việc Bắc Kinh bỏ tiền ra để mua lại nợ xấu (hay còn gọi là tài sản xấu, mất khả năng thu hồi vốn) để tách khối nợ xấu này ra khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp của Trung Quốc.

Trụ sở China Huarong Asset Management Co. tại Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg.

Trụ sở China Huarong Asset Management Co. tại Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg.

Theo lý thuyết, công ty quản lý nợ này sẽ ôm khối nợ xấu đó rồi tìm cách thanh lý tài sản lấy lại tiền. China Huarong sẽ tìm mọi cách “ôm cây đợi thỏ”, hay là ngồi chờ cho giá tài sản đảm bảo tăng trở lại hoặc các con nợ có sức trả nợ trở lại thì bán tài sản và đòi nợ. 

Trên thực tế, China Huarong không khác gì một kho lưu trữ an toàn cho hàng tỷ USD nợ xấu của các ngân hàng, doanh nghiệp nợ xấu của Trung Quốc. Cùng với ba ngân hàng quản lý nợ xấu khác của Trung Quốc, Huarong đã hoán đổi các khoản nợ quá hạn lấy cổ phần tại hàng trăm doanh nghiệp nhà nước và trong quá trình này, dòng tiền từ Huarong đã vực dậy các “công ty xác sống” khổng lồ, những công ty trên bờ vực phá sản của Trung Quốc. 

Sau đó, China Huarong đóng gói tất cả các khoản nợ xấu, cổ phần của các “công ty xác sống” Trung Quốc thành một khối tài sản thống nhất, cổ phần hoá khối tài sản này và bán nó ra cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Hồng Kông.

Lúc đầu, ý tưởng thành lập Huarong là để giúp bảo vệ các ngân hàng Trung Quốc, xóa các khoản vay đã được thực hiện cho nhiều doanh nghiệp nhà nước. Nhưng sau đó, nó đã đi chệch hướng, Lai Xiaomin, cựu chủ tịch của Huarong bắt đầu vay nặng lãi để mở rộng sang mọi loại hình kinh doanh. Lai sau đó đã bị cuốn vào một vụ bê bối tham nhũng và bị tử hình vào tháng Giêng vừa qua.

Lai Xiaomin, cựu chủ tịch của Huarong China. Ảnh Asia Financial

Lai Xiaomin, cựu chủ tịch của China Huarong. Ảnh Asia Financial.

Và bây giờ Huarong đang ra sao?

Báo cáo tài chính năm 2020 bị trì hoãn bấy lâu của Huarong được đưa ra vào ngày 29/8, chỉ hơn 1 tuần sau khi công ty này nhận được một kế hoạch giải cứu của Bắc Kinh, nhằm tránh cho công ty rơi vào tình trạng phá sản.

Theo đó, Huarong đã báo cáo khoản lỗ 102,9 tỷ nhân dân tệ (15,9 tỷ USD) cho cả năm ngoái, cắt giảm gần 85% vốn chủ sở hữu của cổ đông. Giá trị tài sản của Huarong bị cắt giảm 107,8 tỷ nhân dân tệ, và công ty thua lỗ 12,5 tỷ nhân dân tệ từ tài sản tài chính.

Theo các chuyên gia tài chính giàu kinh nghiệm đánh giá, đây là cái kết đắng của việc vay nặng lãi và đầu tư tràn lan từ chính China Huarong.

Cũng trong tuần trước, Moody’s, tổ chức đánh giá tín nhiệm toàn cầu đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Huarong và cảnh báo có thể còn tiếp tục hạ tín nhiệm công ty này nếu tình trạng xấu đi về vốn và khả năng lợi nhuận.

Cổ phiếu Huarong hiện vẫn đang bị tạm ngừng giao dịch và đã giảm 67% so với khi chào sàn. Trước đó, khi lên sàn chứng khoán vào năm 2015, Huarong nhận được sự hậu thuẫn của những nhà đầu tư nước ngoài lớn gồm Warburg Pincus và Goldman Sachs.

Trên thực tế, Huarong đã không thể huy động vốn từ thị trường trái phiếu kể từ quý II năm nay, cho dù công ty này vẫn trả nợ đúng hạn và đạt thoả thuận với các ngân hàng quốc doanh để đảm bảo rằng công ty có thể thực hiện đúng các nghĩa vụ nợ cho tới ít nhất cuối tháng 8.

Huarong đã được giải cứu?

Hôm 18/8, các công ty quốc doanh gồm Citic Group, Công ty China Insurance Investment  và China Life Asset Management đã nhất trí bơm vốn mới vào Huarong. Theo đó, Huarong sẽ nhận được 7,7 tỷ USD như một phần trong kế hoạch giải cứu, và quyền kiểm soát Huarong sẽ chuyển từ Bộ Tài chính Trung Quốc sang tay Citic Group. Một nguồn thạo tin nói rằng kế hoạch còn đang được thảo luận và có thể thay đổi.

Huarong sẽ nhận được 7,7 tỷ USD như một phần trong kế hoạch giải cứu, và quyền kiểm soát Huarong sẽ chuyển từ Bộ Tài chính Trung Quốc sang tay Citic Group.

China Huarong sẽ nhận được 7,7 tỷ USD như một phần trong kế hoạch giải cứu, và quyền kiểm soát sẽ chuyển từ Bộ Tài chính Trung Quốc sang tay Citic Group.

Mới đây, công ty còn cho biết họ có kế hoạch thanh lý các công ty con có hoạt động kinh doanh không chính thống trong "tương lai gần" để tăng dòng vốn nội bộ tạo ra và để bổ sung vốn. Họ đã cắt giảm các đơn vị phi tài chính trong và ngoài nước xuống còn 13 đơn vị từ 27 trong năm 2020.

Mặc dù hiện tại, Huarong vẫn đang gánh 238 tỷ USD nghĩa vụ nợ, bao gồm 20 tỷ USD trái phiếu quốc tế. Tổng nợ của công ty này ở thời điểm ngày 30 tháng 6 là 782 tỷ NDT (121 tỷ USD), trong đó số nợ đáo hạn trong vòng 1 năm là 578 tỷ NDT (89 tỷ USD). Huarong cũng cảnh báo rằng sự suy giảm mạnh mẽ về kết quả kinh doanh và điều kiện tài chính có thể dẫn tới việc công ty phải thanh toán ngay số nợ khoảng 17,9 tỷ NDT.

Tuy nhiên, bất chấp mọi thứ, Huarong đã được giải cứu. Bắc Kinh không sẵn sàng để thấy một doanh nghiệp nhà nước lớn và có tính kết nối như Huarong phải chết.

Sau nhiều ngày tháng lo lắng, giờ đây, có vẻ vấn đề đã được giải quyết. Một vụ vỡ nợ có khả năng gây tai họa lớn đã được ngăn chặn. Các trái chủ đang thở ra. Những người nắm giữ cổ phiếu cũng đang thở ra!

Có thể nói, trong những năm gần đây, các công ty quốc doanh của Trung Quốc vỡ nợ “nhiều như cơm bữa”.

Mặc dù vậy, không có một công ty nào trong số đó có tầm quan trọng và hệ thống lớn như Huarong. Ngoài mối qua hệ gần gũi với Bắc Kinh và mạng lưới mối quan hệ phức tạp với các định chế tài chính khác, Huarong còn là một trong những nhà phát hành trái phiếu quốc tế lớn nhất Trung Quốc và trái phiếu của công ty có trong danh mục đầu tư từ khắp Hồng Kông tới London và New York. Chính điều này đã khiến cho China Huarong trở thành một cái gì đó “quá lớn để thất bại”.

Cuối cùng, sự việc “giải cứu binh nhì China Huarong” này đang cho thấy, có vẻ như Bắc Kinh đang rơi vào tình cảnh “ném chuột sợ vỡ đồ quý”, họ vừa muốn kiềm chế các khoản vay nặng lãi của các tập đoàn DNNN, nhưng lại không muốn chịu một cuộc khủng hoảng toàn diện.

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc kiểm soát giá nguyên liệu (Kỳ II): Những tác động và hệ lụy

    Trung Quốc kiểm soát giá nguyên liệu (Kỳ II): Những tác động và hệ lụy

    05:19, 29/08/2021

  • SEC cảnh báo tới các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ

    SEC cảnh báo tới các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ

    04:30, 27/08/2021

  • Trung Quốc kiểm soát giá nguyên liệu (Kỳ I): Can thiệp mang nặng tính mệnh lệnh

    Trung Quốc kiểm soát giá nguyên liệu (Kỳ I): Can thiệp mang nặng tính mệnh lệnh

    11:00, 26/08/2021

  • Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tăng cường bơm tiền mặt

    Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tăng cường bơm tiền mặt

    05:30, 26/08/2021

  • Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc phục hồi khi JD.com và Alibaba tăng gần 9%

    Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc phục hồi khi JD.com và Alibaba tăng gần 9%

    11:00, 25/08/2021

  • Trung Quốc: Tác dụng ngược từ siết công nghệ và giáo dục

    Trung Quốc: Tác dụng ngược từ siết công nghệ và giáo dục

    04:30, 24/08/2021

NGUYỄN CHUẨN