Khi giá hàng nguyên liệu cơ bản tăng mạnh, chính phủ Trung Quốc đã liên tiếp đưa ra các biện pháp mang nặng tính hành chính để can thiệp thị trường nhằm kiểm soát giá cả những mặt hàng này.
Sở dĩ Trung Quốc đưa ra các chính sách này do lo sợ sự tăng giá sẽ bóp nghẹt sản xuất, làm giảm tăng trưởng, dẫn đến lạm phát gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Kể từ tháng 4/2021, giá nguyên liệu, lương thực và thực phẩm cơ bản tăng mạnh và có nhiều biến động trên toàn cầu. Trung Quốc là trung tâm sản xuất công nghiệp của thế giới nên phải đối mặt với tình hình khó khăn hơn nhiều so với các quốc gia khác. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 7 của Trung Quốc đã lên tới mức 9%- mức cao nhất trong vòng 13 năm.
Nguyên nhân của sự tăng giá trên toàn cầu là do nhu cầu phục hồi nhanh chóng do các chính sách kích thích của các ngân hàng trung ương và cả đầu cơ (ở các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc), trong khi chuỗi cung ứng vẫn chưa theo kịp vì dịch vẫn còn hoành hành ở nhiều nước.
Riêng đối với Trung Quốc còn phải kể đến hiệu ứng từ các cuộc thương chiến với Mỹ và Úc. Trung Quốc giảm và/hoặc cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng như đỗ tương từ Mỹ, các loại quặng và than đá từ Úc, gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên liệu, hàng hóa ở Trung Quốc.
Trước thực trạng trên, Trung Quốc bắt đầu gia tăng kiểm soát giá cả các mặt hàng này. Tuy nhiên, cần lưu ý thêm rằng các hàng nguyên liệu kể trên có tầm quan trọng lớn đối với các doanh nghiệp nhà nước và các dự án cơ sở hạ tầng qui mô lớn mà Trung Quốc đang triển khai. Đây được xem là xương sống của nền kinh tế và của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Trung Quốc cho rằng mình là nước tiêu thụ nhiều hàng hóa cơ bản nhất thế giới, việc kiểm soát tốt giá của chúng sẽ giúp Trung Quốc ổn định được sản xuất, thị trường và ổn định vĩ mô trong nước, đồng thời ngăn nước ngoài hưởng lợi.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) cho biết việc kiểm soát giá hàng nguyên liệu sẽ được thực thi trong kế hoạch năm 2021-2025. Điều này cho thấy, việc can thiệp và kiểm soát giá cả hàng hóa sẽ là khuynh hướng cơ bản trong tương lai ở Trung Quốc.
Điều đáng lưu ý là cách thức kiểm soát giá cả của chính quyền Trung Quốc khiến người ta nghĩ rằng dường như Trung Quốc đang quay trở lại cách quản trị nền kinh tế theo kiểu nền kinh tế chỉ huy hay mệnh lệnh.
Quốc hội Trung Quốc và NDRC đã ban hành các biện pháp mang nặng tính hành chính nhằm kiểm soát sự tăng giá hàng nguyên liệu cơ bản gồm: Giám sát tình hình lên xuống của giá cả, điều tra tình trạng đầu cơ, tích trữ, nâng giá nếu thấy nghi ngờ, và trừng phạt những hành vi này, nếu có. Thậm chí, khi giá cả được cho là biến động quá mức, Chính phủ đã cho ngừng cả bảng giá điện tử và ngừng các bản báo cáo dự báo giá cả.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cử nhiều đội quản lý xuống từng địa phương, từng công ty, từng thị trường để giám sát tình hình, báo cáo và làm kiến nghị lên cấp trên (NDRC). Đặc biệt, NDRC còn yêu cầu các chính quyền địa phương phải nghiên cứu và xác định mức tác động của nhập khẩu, từ đó kiến nghị về dự trữ, xuất và nhập khẩu, tài khóa và các biện pháp điều chỉnh tài chính.
Ngoài ra, Trung Quốc yêu cầu các công ty ký cam kết duy trì trật tự trên thị trường, nghĩa là không được có hành vi nâng giá hay “tích trữ quá mức”.
Nói cách khác, chính quyền Trung Quốc sẽ giám sát trực tiếp khối lượng mà các nhà đầu tư nắm trong tay và có quyền quyết định mức nào là hợp lý và không hợp lý (tích trữ quá mức) và quyết định xem liệu có hành động nâng giá hay không. Các biện pháp làm này tương tự như các biện pháp quản lý kinh tế kế hoạch hóa trước kia.
Kỳ II: Những tác động và hệ lụy
Chính sách thiếu hiệu quả
Ngay cả những biện pháp được xem là mang tính thị trường của Trung Quốc cũng phần nào cho thấy mang nặng tính hành chính nên tác dụng của nó sẽ không kéo dài.
Trường hợp giá cả được xác định là tăng vượt “mức hợp lý” mà Chính phủ Trung Quốc đặt ra thì Chính phủ sẽ xả kho dự trữ nhằm bình ổn. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là Trung Quốc không bao giờ công bố khối lượng dự trữ của mình như chính quyền Mỹ và phương Tây. Điều này khiến các doanh nghiệp không biết căn cứ vào đâu để tính toán.
Đối với hàng lương thực thực phẩm như gạo, thịt lợn, bông, Chính phủ Trung Quốc còn đặt ra “giá mục tiêu tối thiểu”: Nếu giá thị trường xuống dưới mức giá mục tiêu thì Chính phủ sẽ mua vào dự trữ theo giá mục tiêu nhằm ổn định sản xuất và đời sống người dân. Chẳng hạn, khi giá thị lợn sụt giảm 65% hồi đầu năm sau khi phục hồi mạnh từ dịch tả châu Phi đã khiến người nuôi lợn thua lỗ, Chính phủ Trung Quốc đã mua vào khoảng 100 ngàn tấn thịt lợn.
Trên thị trường năng lượng, Trung Quốc sẽ thực thi một cơ chế định giá mới đối với việc tồn kho cất trữ, khuyến khích cải cách giá trong lĩnh vực truyền tải và phân phối điện, nhằm nâng cao sự linh hoạt của hệ thống lưới điện. Đồng thời, đối với các ngành dùng nhiều năng lượng và có mức xả thải cao, sẽ thực thị giá điện theo nhiều tầng khác nhau…nhằm khuyến khích giảm lượng carbon.
Tuy nhiên, các biện pháp can thiệp nói trên của Trung Quốc đến thị trường hàng hóa cơ bản sẽ không kéo dài được. Do đó, các nhà đầu cơ sẽ vẫn găm giữ hàng hóa, khiến tình trạng khan hiếm hàng vẫn sẽ diễn ra, kéo theo giá cả tăng trở lại bất chấp sự kiểm soát của Chính phủ.
Có thể bạn quan tâm
Áp lực giá nguyên liệu tăng trên thị trường quốc tế khiến giá xăng tiếp tục "leo thang"
15:06, 17/04/2019
Trung Quốc: Tác dụng ngược từ siết công nghệ và giáo dục
04:30, 24/08/2021
Trung Quốc “làm khó” các doanh nghiệp công nghệ
15:30, 21/08/2021
Giải mã suy giảm kinh tế Trung Quốc
06:00, 12/08/2021