Thất vọng dự án xe điện Foxconn

NGUYỄN CHUẨN 18/09/2021 05:00

Dự án hợp tác giữa nhà lắp ráp iPhone của Apple với hãng xe điện Byton của Trung Quốc đã rơi vào một cái kết không có hậu...

Theo Nikkei Asia, công ty của Đài Loan đã chuyển hướng tập trung sang nơi khác khi công ty khởi nghiệp Trung Quốc gặp khó khăn về tài chính, đánh dấu bước lùi cho tham vọng sản xuất ô tô của nhà lắp ráp iPhone Đài Loan.

Tham vọng chiếc xe điện Foxconn và Byton đã tan vỡ.

Tham vọng chiếc xe điện Foxconn và Byton đã tan vỡ.

Tham vọng của Foxconn

Hồi tháng 1 năm nay, Foxconn đã thông báo rằng họ sẽ giúp Byton đưa chiếc xe điện đầu tiên của mình vào sản xuất hàng loạt trong quý đầu tiên của năm 2022. Theo kế hoạch, nhà máy Nam Kinh của Byton có công suất là 300.000 xe và giai đoạn đầu là 150.000 xe.

Nhà lắp ráp iPhone của Đài Loan đang có tham vọng chuyển hướng sản xuất kinh doanh.

Nhà lắp ráp iPhone của Đài Loan đang có tham vọng chuyển hướng sản xuất kinh doanh.

Có một thực tế là trong những năm gần đây, Foxconn được ví như một “gã khổng lồ bất đắc dĩ" nhất trong số những gã khổng lồ công nghiệp, ngay cả khi họ đã tạo ra vô số giá trị thị trường từ 5G, điện toán đám mây, Internet công nghiệp, chất bán dẫn và các phương tiện năng lượng mới.

Để nói, Foxconn không thiếu chiều sâu chiến lược, họ có hơn 30 công ty con được niêm yết đa dạng về ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, họ lại đang rất khó khăn để duy trì sự cân bằng trong khi vừa phải phân cấp nguồn lực và trách nhiệm trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng. Foxconn vẫn đang phải tìm ra hướng đầu tư đúng đắn cho tương lai của chính mình chứ không chỉ dựa vào danh hiệu “nhà lắp ráp iphone” lớn nhất của Apple.

Càng ngày, những lợi thế cốt lõi mà Foxconn dựa vào đang suy giảm. Apple có lẽ đang cảm thấy việc “bỏ cả trứng vào một giỏ” là việc thiếu sáng suốt, họ đã và đang phân tán các đơn đặt hàng cho cả Luxshare và GoerTek.

Thêm vào đó là việc gần đây, Apple, khách hàng quan trọng nhất của Foxconn đã công bố kế hoạch chế tạo xe điện, khiến cho Foxconn rơi vào thế bị động do chưa có kinh nghiệm sản xuất trong lĩnh vực này.

Thực tế, có vẻ như Foxconn đang chạm vào cảm giác của kẻ bị bỏ rơi. Và để thay đổi tình hình, Foxconn bắt đầu tìm kiếm đồng minh trong giới ô tô, cuối cùng Byton là người được chọn để hướng đến một mục tiêu, sản xuất xe điện.

Nhà sản xuất xe điện Byton từng được đánh giá rất cao.

Nhà sản xuất xe điện Byton từng được đánh giá rất cao.

Trong khi đó, Byton được chú ý từ năm 2016 trong bối cảnh một làn sóng các công ty khởi nghiệp đầy tham vọng tham gia vào ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Byton được điều hành bởi các cựu giám đốc điều hành của BMW và Nissan, nhà sản xuất ô tô này từng được coi là một trong “bốn con rồng”, các công ty khởi nghiệp xe điện triển vọng nhất ở Trung Quốc, bên cạnh Xpeng, Nio và Li Auto.

Thất vọng sự kết hợp Foxconn-Byton

Khi được  công bố vào tháng 1 năm nay, “cuộc hôn nhân” Foxconn-Byton được coi là một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi. Foxconn sẽ cung cấp dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng và hỗ trợ hoạt động cho Byton để cho phép họ khôi phục lại kế hoạch sản xuất sau khi tạm ngừng hoạt động vào tháng 7 năm ngoái do khó khăn tài chính. Đổi lại, Foxconn, sẽ có được bí quyết sản xuất và bắt đầu xây dựng tham vọng xe điện của mình.

Young Liu, người tiếp quản vị trí Chủ tịch Foxconn từ Terry Gou.

Terry Gou, cựu Chủ tịch Foxconn, người có tham vọng đa dạng chiến lược của Foxconn.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều công ty khởi nghiệp ô tô điện khác, Byton đã phải vật lộn để biến những ý tưởng và khái niệm của mình thành một chiếc ô tô thực tế. Thậm chí, ngay cả khi có mặt Foxconn ở bên cạnh, tương lai của sự hợp tác vẫn chỉ là trên lý thuyết.

Mới đây, nhiều người quen thuộc với vấn đề này nói rằng dự án đã bị tạm dừng sau chưa đầy sáu tháng và công ty Đài Loan kể từ đó đã chuyển trọng tâm sang các dự án xe điện đang triển khai khác, chẳng hạn như  liên doanh với công ty dầu khí Thái Lan PTT.

Một nguồn tin thông thuộc với tình hình cho biết: “Một số nhân viên Foxconn vẫn đang làm việc tại nhà máy của Byton, nhưng về cơ bản họ đang gói ghém mọi thứ và chuẩn bị ra đi. Một số nhân sự cấp cao hơn tham gia vào dự án thậm chí đã rời khỏi Foxconn. Trọng tâm của Foxconn đã chuyển khỏi Byton”.

Tất cả điều này được cho là vì mối lo nợ nần của Byton và cơ cấu cổ đông phức tạp, liên quan đến các chính quyền địa phương Trung Quốc, đã tạo ra nhiều khó khăn hơn Foxconn mong đợi.

Bloomberg vào tháng 7 đưa tin rằng sự hợp tác đã bị ảnh hưởng sau khi một trong những chủ nợ lớn nhất của Byton nắm quyền quản lý công ty khởi nghiệp và Foxconn đã rút một số nhân sự của mình khỏi dự án.

Có thể nói, việc ngừng hợp tác có thể là một sự thất vọng đối với Foxconn vì họ đang cố gắng thâm nhập vào lĩnh vực kinh doanh xe điện với tham vọng sẽ có các thiết kế, linh kiện, bộ phận cơ khí hoặc phần mềm của Foxconn trong 5% xe điện trên thế giới vào năm 2025.

Dù sao trong thời gian tới, Foxconn cũng đã có kế hoạch. Họ đã chuyển trọng tâm sang các dự án xe điện khác khi ký kết hơn 10 quan hệ đối tác phát triển công nghệ và hợp đồng cung ứng với các nhà sản xuất ô tô, nhà phát triển phần mềm và nhà cung cấp vật liệu trong năm rưỡi qua. Trong đó bao gồm việc thiết lập liên doanh với Stellantis, nhà sản xuất ô tô lớn thứ tư thế giới để phát triển phần mềm cho ô tô.

Có thể bạn quan tâm

  • Foxconn và tham vọng xe điện

    Foxconn và tham vọng xe điện

    05:00, 25/08/2021

  • Vì sao Foxconn đặt nhà máy “tỉ đô” tại Thanh Hóa?

    Vì sao Foxconn đặt nhà máy “tỉ đô” tại Thanh Hóa?

    00:35, 23/05/2021

  • Kỳ vọng gì từ liên doanh của Foxconn và Yageo?

    Kỳ vọng gì từ liên doanh của Foxconn và Yageo?

    05:00, 06/05/2021

  • Apple đã yêu cầu Foxconn chuyển một số bộ phận sản xuất MacBook và iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam

    Apple đã yêu cầu Foxconn chuyển một số bộ phận sản xuất MacBook và iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam

    14:48, 27/11/2020

NGUYỄN CHUẨN