DAP Hải Phòng tránh vết xe đổ
Một ngày cuối đông năm 2016, các nhà lãnh đạo của Công ty DAP-VINACHEM sửng sốt khi nghe tin DAP bị Chính phủ đưa vào danh sách 12 doanh nghiệp của Bộ Công Thương cần phải giám sát chặt chẽ.
Thế nhưng, nhờ những quyết sách chính xác, DAP Hải Phòng đã khắc phục được tồn tại để vươn lên.
CUỘC ĐỜI LẮM CHỮ “KHÔNG NGỜ”
Năm 2002, triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc, Thủ tướng chính phủ ký quyết định đầu tư nhà máy sản xuất phân bón Diamon Phosphat (DAP) đầu tiên ở Việt Nam.
Ngày 27/7/2003, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM) khởi động dự án nói trên (trị giá 172,385 triệu USD) tại Khu kinh tế Đình Vũ, Hải Phòng. Các nhà đầu tư đã quá thận trọng khi lập một cái “Báo cáo khả thi”: Nhà máy sẽ lỗ trong 5 năm đầu đi vào sản xuất. Và nó đã làm hệ thống ngân hàng thương mại “bỏ chạy”.
Mãi 3 năm sau, một vị lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam mới lên VTV1 cam kết cho dự án DAP vay tiền vì để “đảm bảo an ninh lương thực”. Trước đó, cuối thu năm 2005, VINACHEM đã ký hợp đồng “Chìa khóa trao tay” (EPC) với nhà tổng thầu Trung Quốc trong một buổi lễ hết sức long trọng có sự chứng kiến của Tổng bí thư và Chủ tịch 2 nhà nước tại Hà Nội.
Ngày 30/8/2011, nhà máy DAP Hải Phòng hoàn thành. Trái với lo ngại ban đầu, 5 năm đầu tiên, DAP đã mang về lợi nhuận lũy kế 747,065 tỷ đồng.
Thế nhưng, cuộc đời lắm chữ “không ngờ”. Năm 2016, lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long công bố tình trạng thiên tai, khiến nhu cầu sử dụng phân bón giảm sút. Đã thế, phân giá rẻ của Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Thị trường tụt dốc thảm hại, DAP phải giảm giá 25%, khiến công ty lỗ 408,73 tỷ đồng. DAP bị rơi vào khủng hoảng.
NIỀM TIN ĐỂ VƯƠN LÊN
Trước những tháng ngày bất trắc, gần 200 người lao động bỏ đi, các nhà lãnh đạo ở DAP đã gửi đến người ở lại thông điệp: “Công ty vẫn có tương lai, vậy hãy tin tưởng, cống hiến cho nó!”
Ông Vũ Văn Bằng, Giám đốc DAP, nói: “Niềm tin phải là nguyên tắc dẫn đường ngay cả khi phép màu quản lý xuất hiện! Tất nhiên, khởi đầu phải là hành động. Nếu lãnh đạo không nêu gương thì việc kêu gọi nhân viên cống hiến chỉ là sự lợi dụng tính cả tin của họ”.
Ở DAP, người ta không sa đà chuyện quản lý vặt vãnh; các con số thống kê không làm họ phân tâm. Điều bắt họ phải đau đầu là việc giải quyết những vấn đề tối quan trọng cần cho sự thịnh suy của doanh nghiệp, như cách tập trung nguồn lực có hạn của mình vào mục tiêu nào?; Đánh giá đúng đắn cơ hội bên ngoài lẫn năng lực nội tại của công ty để quyết định sẽ mở rộng hay thu hẹp thị trường?; Chọn đa dạng hóa ngành nghề hay một nghề cho chín hơn chín mười nghề?; Có mạo hiểm với hoạt đồng tài chính để tối đa hóa lợi nhuận hay không?… Nhờ những quyết định chính xác, họ tránh được “vết xe đổ” của nhiều doanh nghiệp đã từng ăn nên làm ra để vươn lên.
“Công ty có 700 người lao động, trong đó chỉ có 5 lao động phổ thông. Họ là tài sản lớn nhất của DAP. Hiện nay, Công ty không bị chảy máu chất xám mà còn tuyển thêm người tài”- Ông Phan Huy Hoằng, Chủ tịch công đoàn của DAP, thổ lộ.
Điều dễ nhận ở các nhà lãnh đạo của DAP là họ có xu hướng hợp nhất đời sống riêng với công việc. Một giám đốc ở công ty “láng giềng” nói với chúng tôi: Cái “bọn” DAP đó chỉ biết có làm việc thôi!” Nếu chỉ nhìn vào quần áo, vào cách bài trí văn phòng, thì không thể biết ai là “sếp” to, “sếp” nhỏ ở DAP. Từ chiếc xe hơi họ đi cho đến ngôi nhà họ sống toát lên đấy là những người đức hạnh, khiêm tốn.
DAP không bao giờ chủ động ra mắt công chúng. Thứ họ kém nhất chính là công tác truyền thông. Người hiểu họ nhất lại là khách hàng.
Người miền Bắc không biết nhiều về DAP, nhưng với nhà nông ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên thì đây là một công ty nổi tiếng. Họ có thương hiệu mạnh trong thị trường chật hẹp của mình. Họ gần gũi với khách hàng nên cảm nhận được thị trường, đáp ứng một cách mềm dẻo các mong muốn của khách hàng. Khách hàng trung thành với họ. Ngân hàng không cho vay tiền thì khách hàng mở hầu bao với họ. Họ và khách hàng có mối quan hệ cộng sinh.
Nhờ vậy, ngay sau năm gặp tai ương, DAP đã có lãi, dù chỉ 14,8 tỷ đồng. Rồi DAP liên tục lãi nhiều hơn những năm tiếp theo. Ngày 26/11/2020, điều gì phải đến đã đến, DAP Hải Phòng là doanh nghiệp đầu tiên được Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại yếu kém đưa ra khỏi “danh sách đen”.
Có thể bạn quan tâm